Làng nghề Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, lâu nay được biết đến với nghề nuôi cá chép đỏ để phục vụ người dân cúng ông Công, ông Táo. Mỗi dịp Tết đến, làng sản xuất "phương tiện" cho ông Công, ông Táo lại nhộn nhịp hẳn lên.
Trước ngày tiễn ông Công, ông Táo, con đường vào làng cá chép trở nên nhộn nhịp. Từng đoàn xe tải lớn nhỏ, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau vào các nhà chủ cá để lấy hàng đưa đi các nơi tiêu thụ.
Khi có khách đến mua, người dân sẽ dùng những chiếc vợt bằng lưới thu gom cá.
Cá chép ở làng Thủy Trầm nổi tiếng có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe… nên được người dân nhiều nơi tin tưởng và lựa chọn.
Ông Nguyễn Huy Luận - một người nuôi cá chép đỏ cho biết: "Cá chép đỏ ở đây được thu hoạch từ ngày 17 đến 20 để giao cho các xe đi xa, còn những khách bán lẻ ở gần thì thường cận ngày mới lấy để cá luôn sống khỏe".
Người dân ở đây cho biết: "Giá cá năm nay bình ổn hơn, dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg, rẻ hơn năm ngoái một ít".
Cá sau khi đánh khỏi ao được người dân cho vào bể tạm. Cá có đủ các kích cỡ, từ 30 - 40 con/kg đến 100 con/kg bày bán cho khách thoải mái chọn lựa. Khi có khách mua, cá lại được đóng vào các bao nylon, bơm đầy ô-xy.
Cá chép đỏ được nuôi bắt đầu từ khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, sau 4 đến 5 tháng là sẽ thu hoạch.
Làng Thủy Trầm có 250 hộ dân nuôi cá chép với diện tích khoảng 30 ha, ước tính năm nay sẽ thu hoạch hơn 40 tấn cá chép đỏ.
Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng nuôi cá lớn nhất Phú Thọ tuy không giàu có, nhưng cũng giúp người dân nơi đây luôn có 1 cái Tết vui vẻ, đầm ấm, vì cứ mỗi khi chuẩn bị thu hoạch cá chép là họ biết Tết đã cận kề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.