Áo mới tết xưa...

Nhà văn Phong Điệp Thứ năm, ngày 01/01/2015 09:16 AM (GMT+7)
Trẻ con luôn có sự háo hức vô tận về tết. Dù thực ra ngày tết lúc nào chả giống lúc nào. Kiểu gì thì nhà nào cũng có dăm cặp bánh chưng, gia đình nào có điều kiện hơn thì gói cả mấy chục cặp, cả nhà vợ chồng con cái phởn phơ ăn hết tháng Giêng, không cần phải lo nghĩ. 
Bình luận 0

Thêm vại dưa hành vừa kịp ngấu ở góc bếp, chẳng cần thịt đông, chẳng cần giò chả cách rách thì mấy củ dưa hành chua giòn, đưa kèm bánh chưng, cũng đánh bay ít nhất nửa chiếc bánh mà miệng vẫn còn thèm thuồng muốn ăn nữa, chỉ phải tội cái dạ dày đã căng nưng nức lên rồi. Vậy mà nồi chân giò ninh măng vẫn còn đang sôi sùng sục trên bếp, chỉ chậm mở vung tí nữa là nước măng đã duềnh cả ra ngoài.

Mới thoáng ngửi qua cái mùi ngào ngạt no nê ấy, đã hình dung thấy rõ miếng chân giò béo múp, nằm chen giữa những lát măng xắn miếng vuông vắn được ninh mềm đến độ không dai, không nát. Mỡ của chân giò quyện với từng miếng măng, mắm muối đủ độ - chao ôi, sao mà dỗ miệng ăn đến thế.

img

Nhưng chuyện ăn uống “no 3 ngày tết” dường như không phải là mối bận tâm của trẻ nhỏ. Đó là việc của các bà mẹ. Bếp phải ấm lửa, thức ăn phải đầy bát đầy đĩa. Khách đến nhà là lập tức bát đũa lanh canh xếp ra. Chỉ cần ăn một hai miếng, để rồi hào phóng khen tặng bà chủ sao bánh chưng rền thế, sao nồi thịt đông nấu khéo thế, nem cuốn thế nào mà trong mềm, ngoài giòn, vị thanh rất dễ ăn… vậy là ngày tết của những bà nội trợ đã đủ mãn nguyện.

Trẻ con thì bận tâm chuyện gì? Đương nhiên là chuyện được nhận tiền lì xì, và trên người thì xúng xính khoác bộ quần áo mới, còn nguyên nếp gấp, còn thơm mùi hồ vải.

Tôi thì không nhớ nhung nhiều lắm chuyện lì xì. Đơn giản vì đồng tiền cầm trên tay còn chưa kịp có nếp thì đã phải chuyển giao ngay cho mẹ. Mẹ bảo: Trẻ con không biết giữ tiền, thôi thì để mẹ giữ hộ. Tích cóp dần sau để mẹ còn đóng tiền học cho con, mua áo đẹp cho con... Mẹ nói vậy thì nghe vậy. Cũng tự biết nhà nghèo, lo được cái tết mẹ đã méo cả mặt rồi. Cơm hàng ngày bữa độn, bữa gạn gạo đáy thùng còn phải chịu. Nhưng cả năm chỉ có 3 ngày tết. Vậy nên kiểu gì mâm cỗ cũng phải đầy đặn. Mùi thức ăn cũng phải thơm sực ra tận cổng. Mẹ xoay xở, gom tiền bóc lạc thuê, tiền dệt len làm thêm mỗi tối mới gói ghém được cái tết đủ đầy cho con. Con nỡ lòng nào cầm tiền mà chơi, hay tiêu xài hoang phí “lộc mừng tuổi” đầu năm. Chuyện có tiền hay được tiêu tiền, bởi vậy là thứ xa xỉ với phần lớn trẻ con chúng tôi ngày đó. Nhưng chuyện áo mới đầu năm thì là món quà đương nhiên phải có, đương nhiên phải háo hức. Bởi vậy còn cách tết 2 - 3 tháng đứa nào đứa nấy đã nhớn nhác hỏi mẹ đã mua quần áo mặc tết cho con chưa. Rồi quần áo đẹp rổn rảng đi khắp hàng xóm láng giềng, gặp ai cũng được khen: Sao áo đẹp thế, sao quần đẹp thế - trẻ con đứa nào mà chả tít mắt.

Nhưng tôi nhớ mãi chuyện chiếc áo mới mặc tết năm tôi chừng 12 – 13 tuổi. Năm ấy, như thường lệ, đêm 30 mẹ soạn áo mới ra đầu giường cho hai chị em. Nếu thức đợi được đến giao thừa, hai chị em sẽ diện luôn áo mới để đi ngủ, nếu không thì sáng hôm sau, mắt còn dính vào nhau cũng phải vơ lấy áo vận vào người. Năm mới đến rõ ràng nhất là từ những bộ quần áo mới. Cái mùi thơm của vải vóc trong tiết xuân đầu năm luôn tạo ra cảm xúc nôn nao, hào hứng đến lạ kỳ. Nhưng năm ấy, tôi nhận áo len mới mặc tết mẹ sắm cho mà thấy ngờ ngợ. Nó rõ ràng là áo mới, nhưng nom rất quen. Nó rõ là rất đẹp với những sóng vặn thừng đan tinh tế ở hai bên, và chiếc cổ lọ có thêm đường viền hình dây hoa rất điệu đàng. Nhưng tôi thấy chiếc áo len mầu huyết dụ của mình hình như không… mới. Nó chẳng hề có cái “mùi mới”. Tôi nhìn sang chị. Chị có chiếc áo gile len cùng màu với chiếc áo của tôi, cũng được đan rất khéo.

Tôi phân vân mặc áo vào người mà vẫn tự hỏi: “Hình như mình đã nhìn thấy chiếc áo này ở đâu”. Cuối cùng tôi cũng nhớ được, hồi tháng 4 trong năm một người bạn của mẹ đi xuất khẩu lao động bên Nga, mua về tặng mẹ chiếc áo khoác len màu huyết dụ- giống hệt màu của hai chiếc áo mà chị em tôi đang mặc. Lẽ nào nó đã thành hai chiếc áo tết của hai chị em tôi?

Tôi ngồi thừ trên giường. Rất nhiều cảm xúc cùng lúc ùa đến với tôi. Tôi thực ra đang mặc một chiếc áo cũ. Tôi lẳng lặng xếp chiếc áo cất vào tủ vì sợ cảm giác như mình đã chiếm đoạt chiếc áo đẹp của mẹ. Lần đầu tiên, tôi khóc trong ngày mùng 1, ngày bắt đầu năm mới.

Cũng may năm ấy trời khá nóng. Việc tôi khước từ chiếc áo len màu huyết dụ không bị mẹ phát hiện. Hoặc có thể mẹ đã biết nhưng im lặng không nói gì? Chiếc áo sau đó bị ngủ quên trong tủ quần áo của gia đình. Nhưng câu chuyện về chiếc áo thì còn mãi trong tôi, đến tận bây giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem