Áp lực bủa vây quân đội Israel trong cuộc chiến tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza
Áp lực bủa vây quân đội Israel trong cuộc chiến tiêu diệt Hamas ở Dải Gaza
Thứ tư, ngày 27/12/2023 21:02 PM (GMT+7)
Các chỉ huy quân đội đã cảnh báo ngay từ đầu cuộc chiến sẽ kéo dài và khó khăn. Và lúc này họ đang đối mặt với những chỉ trích của các bộ trưởng, áp lực từ công chúng Israel và phản ứng trên toàn cầu.
80 ngày sau khi Israel khởi động cuộc chiến tiêu diệt Hamas, những cảnh báo mà giới chỉ huy quân sự Israel đưa ra ngay từ đầu rằng đây sẽ là một chiến dịch khó khăn và kéo dài dần trở thành hiện thực.
IDF nỗ lực cắt rời các lực lượng quân sự của Hamas - làm suy yếu đáng kể nhóm chiến binh ở phía Bắc Gaza, phá hủy nhiều kilomet đường hầm và mở rộng các hoạt động trên bộ ở cả trung tâm Gaza và Khan Younis - thành trì của Hamas ở phía Nam.
Nhưng Hamas về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn ở phía Nam Dải Gaza. Chưa có chỉ huy nổi bật nhất nào của tổ chức này bị tiêu diệt, và thủ lĩnh Yahya Sinwar của Hamas vẫn tự tin rằng ông và lực lượng khổng lồ mà ông lãnh đạo cuối cùng sẽ có thể cầm chân được quân đội Israel và tiếp tục hoạt động.
Vụ tàn sát 1.200 người ở miền Nam Israel vào ngày 7/10 - điểm khởi đầu của cuộc chiến này và ngày đen tối nhất trong lịch sử Israel hiện đại - là lý do khiến lực lượng quân sự của Israel không thể nghỉ ngơi chừng nào Hamas chưa bị xoá sổ.
Quốc gia duy nhất công nhận một cách chiến lược tầm quan trọng của sự kiện 7/10 với Israel là Mỹ. Mỹ cũng là quốc gia sẵn sàng và có khả năng hỗ trợ Israel nhất trong cuộc chiến này. Sự hỗ trợ quân sự thiết thực của Washington là trọng tâm trong năng lực chiến đấu hàng ngày của Israel.
Và sự hỗ trợ ngoại giao của Mỹ một lần nữa được chứng minh rõ ràng trong nghị quyết mang tính ràng buộc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 22/12. Trước sự kiên quyết của Mỹ, kiến nghị này đã được chuyển từ nội dung ban đầu yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức - và qua đó mang lại chiến thắng cho Hamas - sang nội dung tìm kiếm các biện pháp để khẩn trương mở rộng viện trợ nhân đạo vào Gaza, và tạo ra các điều kiện để cho phép ngừng sự thù địch trong tương lai - những điều khoản mà Israel chắc chắn có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa đặt ra thời hạn chấm dứt xung đột. Và từ Tổng thống Joe Biden cho đến các quan chức cấp dưới, Mỹ đã liên tục nhắc lại nghĩa vụ của Israel là tiêu diệt Hamas, nhằm đảm bảo rằng người Israel sẽ không phải đối mặt với một thảm kịch nào nữa từ các tay súng Palestine. Tổng thống Biden và đội ngũ của ông cũng kiên quyết yêu cầu Israel tránh xảy ra thương vong “lớn” cho dân thường ở phía Bắc Gaza và Nam Gaza.
Về phần mình, các chỉ huy quân sự của Israel nói rằng thách thức ở những thành trì của Hamas như Khan Younis đặt ra đòi hỏi có một cách tiếp cận quân sự khác.
Trong khi đó, công chúng Israel đang rơi vào tâm trạng lo lắng. Những tổn thất ngày càng tăng của binh sĩ IDF – gồm cả các binh sĩ ở độ tuổi thanh niên trong lực lượng thường trực, cũng như những thành viên dự bị lớn tuổi phải rời khỏi cuộc sống gia đình của họ và không bao giờ quay trở lại - đang gây ra những nỗi đau đớn hàng ngày với tinh thần của cả quốc gia.
Hơn nữa, người Israel, bất chấp nỗi kinh hoàng của ngày 7/10, cũng không thờ ơ trước những tổn thất nặng nề về sinh mạng của dân thường ở Gaza.
Một số người Israel tin rằng IDF sẽ càn quét tương đối suôn sẻ qua Gaza, nơi Hamas đã chuẩn bị phòng thủ trong một thập kỷ rưỡi. Nhưng hầu hết người dân Israel đã dự đoán số binh sĩ thiệt mạng của IDF sẽ còn tăng cao hơn.
Ban đầu, nhiều người đã hy vọng IDF sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn trong việc nhắm mục tiêu vào các thủ lĩnh chủ chốt của Hamas. Và điều quan trọng là họ đã đặt hy vọng IDF sẽ thành công hơn nữa trong việc giải cứu con tin.
Nhưng khi nhiều ngày, nhiều tuần trôi qua, sự mệt mỏi vì chiến đấu ngày càng gia tăng, và sự căng thẳng đối với binh sĩ, các gia đình cũng như nền kinh tế quốc gia mỗi ngày một tăng không thể tránh khỏi.
IDF biết rằng họ phải giảm dần số lượng binh sĩ đang triển khai. Các quan chức hàng đầu nói về việc tránh xa xung đột “cường độ cao” trong vài tuần tới. Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu cách tiếp cận mang tính “phẫu thuật” hơn liệu có hiệu quả ở phía Nam Dải Gaza hay không. Một vấn đề khác là liệu tổn thất của IDF có tăng lên hay không nếu và khi chiến thuật thay đổi.
Các đoạn trích bị rò rỉ từ các cuộc họp nội các và một số lời phê bình được đưa ra trước công chúng, cho thấy các bộ trưởng trong nội các Isrel đã mất kết nối sâu sắc. Họ thậm chí còn có nguy cơ làm suy yếu niềm tin của binh lính đối với những người đang chỉ đạo mình.
Tổng thống Isaac Herzog đã phải lên tiếng vào tối 24/12: “Hãy thể hiện trách nhiệm, kiềm chế và chờ đợi thêm một thời gian nữa với các chiến dịch và thông điệp chính trị. Kẻ thù đang chờ đợi để thấy những hố sâu giữa chúng ta, để chúng ta bắt đầu chiến đấu với nhau”.
Điều nguy hiểm là sự bất đồng chính trị và đấu đá nội bộ có thể sẽ lan rộng trên toàn quốc và lan đến hàng ngũ binh sĩ đang tham chiến. Có cảm giác rằng Israel không chỉ đang đấu tranh với thời hạn mà họ phải giải tán Hamas trước khi Mỹ tìm cách áp đặt các giới hạn, mà còn đang nỗ lực để tiêu diệt Hamas trước khi người Israel bắt đầu tự chia rẽ về mặt chính trị.
Khi IDF ngày càng chuyển trọng tâm về phía Nam, họ cũng đang chú ý đến vùng tận cùng của Dải Gaza, Hành lang Philadelphi chạy dài 14 km dọc theo biên giới Gaza-Ai Cập.
Nếu biên giới đó vẫn còn lỗ hổng thì mục tiêu về một Gaza phi quân sự mà từ đó Israel không còn bị đe dọa sẽ không thể đạt được hoặc duy trì.
Các quan chức và chuyên gia Israel đưa ra những đánh giá đa dạng về hành vi của Ai Cập ở biên giới kể từ khi Hamas nắm quyền ở Gaza năm 2007. Hamas có thể vận chuyển vũ khí và các bộ phận của vũ khí một cách hết sức dễ dàng, tuy nhiên, người Ai Cập đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn hoạt động đó trong những năm gần đây.
Trong khi đó, các mặt trận khác vẫn vang tiếng súng, và biên giới với Liban đang sôi sục hơn bao giờ hết. Hàng chục nghìn người Israel không có cơ hội quay trở lại các thị trấn và cộng đồng phía Bắc chừng nào Hezbollah còn ở gần biên giới, bắn tên lửa chống tăng chính xác vào hàng chục ngôi nhà.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant muốn tấn công Hezbollah ngay sau ngày 7/10, trước khi IDF tấn công Hamas ở Gaza, nhưng đã bị bác bỏ. Và Israel liên tục cảnh báo đội quân của Hassan Nasrallah rằng, bằng cách này hay cách khác, Hezbollah sẽ bị buộc phải rút lui khỏi biên giới, như được quy định trong Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ khi kết thúc Chiến tranh Liban lần thứ hai năm 2006.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.