Áp trần giá sữa sau ngày 1.6: Nhiều “chiêu” lách luật

Quốc Hải Thứ hai, ngày 09/06/2014 07:34 AM (GMT+7)
Trong khi người tiêu dùng khấp khởi mừng vì sắp được mua sữa giá rẻ thì các doanh nghiệp (DN) sữa lại đang tìm mọi cách để lách luật, tăng giá, thay đổi mẫu mã…
Bình luận 0

Ngày 1.6, quyết định áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì phương án áp trần này dù chủ trương là tốt nhưng phương pháp và cách tính toán áp giá trần như thế nào để khuyến khích sản xuất trong nước; đồng thời cũng kiểm soát được giá bán hợp lý đến tay người tiêu dùng là vấn đề cần phải xem xét thấu đáo.

Nhiều bất hợp lý

Theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính, cùng một dòng sản phẩm dành cho các lứa tuổi thì giá trần áp cho sữa nội chỉ bằng một nửa so với sữa ngoại. Đây là điều mà DN sản xuất trong nước thấy bất hợp lý và ít nhiều sẽ kìm hãm sự phát triển sản xuất trong nước. Theo phân tích của lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong ngành sữa:

“Sữa sản xuất trong nước thì các yếu tố đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, tận dụng các lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực... nên giá sữa nội thấp hơn sữa ngoại. Trong khi đó, giá sữa ngoại phụ thuộc vào giá nhập khẩu và rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, với sản phẩm nhập khẩu giá cao lại được áp giá trần cao, cộng thêm mức điều chỉnh giữa giá bán buôn và bán lẻ thì giá sữa ngoại đã cao càng bị đẩy lên. Việc áp dụng biện pháp này làm suy giảm các nỗ lực kiểm soát chi phí, tối ưu hóa sản xuất của các DN trong nước. Và kéo theo đó là xu hướng tăng dịch chuyển sản xuất sang nước ngoài”.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Toàn - Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý, Công ty FrieslandCampina VN, mạnh dạn bày tỏ: “Hiện tại giữa các DN luôn có sự cạnh tranh gay gắt để có giá bán hấp dẫn cho người tiêu dùng nhất. Áp giá trần sẽ làm mất đi tính cạnh tranh này, chưa kể việc nhà sản xuất cũng không còn động lực để nghiên cứu đầu tư cho ra những sản phẩm mới với những công thức dinh dưỡng vượt trội và chuyên biệt để phục vụ người tiêu dùng”. Ngoài phương pháp tính giá, công thức tính giá trần với sữa hiện chưa thật sự thuyết phục ở quy định tính giá 15% cho người bán lẻ.

Một giảng viên bộ môn Phương pháp Nghiên cứu Kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phân tích: “Với mô hình của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh nói chung tại Việt Nam và trên thế giới, các DN vừa có hoạt động sản xuất vừa có hoạt động kinh doanh mới là người thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo đến người tiêu dùng chứ không phải các nhà phân phối và bán lẻ. Với quy định này, nhà sản xuất lại không có cơ sở để sử dụng được tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ. Trong khi đó, không có nhà phân phối hay điểm bán lẻ nào có đủ nguồn lực để xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm”.

Người tiêu dùng chưa chắc đã được lợi

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 54 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa; chưa kể có hàng trăm tổng đại lý phân phối sữa, hàng triệu cửa hàng buôn bán nhỏ; tuy nhiên 70% thị trường vẫn phụ thuộc vào sữa ngoại. Chính vì vậy, việc áp trần giá sữa khiến nhiều DN trong nước cảm thấy nản lòng vì như bị “dồn vào đường cùng”.


Tại các vùng nông thôn, dòng sữa nội vẫn được ưa chuộng vì phù hợp với túi tiền. Theo ghi nhận của NTNN thì giá sữa dòng này không giảm. Chẳng hạn như sản phẩm sữa US Sure của Công ty Thực phẩm Miền Đông (dòng sữa dành cho trẻ trên 2 tuổi) dao động từ 170.000-220.000 đồng/lon 900gr. Anh Nguyễn Anh Tuấn- Nhà phân phối mặt hàng sữa này tại khu vực Ba Vì (Hà Nội) cho biết, sữa nội về nông thôn- muốn tiêu thụ được- phải có chiết khấu rất cao, như dòng sản phẩm sữa US Sure chiết khấu lên tới 45%. Nếu áp mức bán lẻ chênh so với bán buôn 15% thì sữa nội “hết cửa” về nông thôn (vì các đại lý không nhập hàng khi mà lãi suất quá thấp, công vận chuyển cao).  Phong Lê

Thực tế qua khảo sát thị trường những ngày gần đây, một số sản phẩm của Hãng Abbott sau khi tính theo giá trần của Bộ Tài chính không những không giảm giá mà còn cao hơn mức giá các cửa hàng bán lẻ đang áp dụng cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, với sản phẩm sữa Abbott Grow 3 dành cho trẻ trên 1 tuổi, các cửa hàng đang bán lẻ giá 295.000 đồng/hộp 900g. Với mức giá trần bán buôn được Bộ Tài chính áp cho mặt hàng này 258.000 đồng/hộp thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng (được phép tăng tối đa 15%) là 296.700 đồng/hộp, tăng gần 2.000 đồng so với giá hiện tại.

Đáng nói hơn, có DN sữa ngoại còn lách luật bằng cách giảm trọng lượng hộp 900g nay còn 850g. Chẳng hạn nhãn sữa Pediasure của Abbott loại 900g giá 580.000 đồng, mức giá này sau khi áp giá trần vẫn giữ nguyên như cũ nhưng trọng lượng hộp sữa chỉ còn 850g. Chị Hồ Thị Lợi, mua sữa ở chợ Bà Chiểu (TP.HCM) cho biết: “Tôi cũng như nhiều bà mẹ khác bức xúc bởi giá sữa không giảm như mong mỏi, ngay cả khi chính sách đã được áp dụng”.


Theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, mức giá bán buôn tối đa của 25 sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10-15%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn 20% so với giá bán buôn hiện hành trên thị trường.

Ngoài ra, cũng có nhiều hình thức lách giá trần khác là rút dần những mặt hàng đang trong diện bị áp giá trần khỏi thị trường và đưa các sản phẩm thay thế chưa bị áp giá trần vào. Cụ thể, các sản phẩm của Hãng sữa Mead Johnson như: Enfamil A+1,2 và Enfagrow A+3 sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+1 360* Brain Plus và Enfagrow A+2 360* Brain Plus… Các sản phẩm mới này đều có giá bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem