Xu hướng tách biệt tương đối giữa việc kiểm soát nội dung truyền hình và quản lý việc truyền dẫn các nội dung đó tới với người xem là hợp lý và đang phát huy tác dụng tích cực và có hiệu quả.
Để thực hiện nghị quyết của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Thường trực Chính phủ đã bàn và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 vào ngày 16.2.2009. Theo đó, đến năm 2020, sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình tương tự (analog) để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số.
|
Giám sát, điều khiển mạng phân phối và vùng phủ sóng DTT trên toàn quốc |
Phân định sản xuất nội dung và truyền dẫn
Xã hội đang từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình trên cơ sở phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng để đảm bảo thực hiện đúng cơ chế quản lý của Nhà nước. Theo đó, hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình của các đài phát thanh, truyền hình thực hiện theo Luật báo chí và quy hoạch phát thanh, truyền hình; hoạt động truyền dẫn phát sóng của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng thực hiện theo pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và quy hoạch truyền dẫn phát sóng.
Như vậy, với một hành lang pháp lý chặt chẽ, thích hợp, các đơn vị tham gia truyền dẫn, phát sóng sẽ triển khai phủ sóng truyền hình một cách hiệu quả và thuận lợi cho người dân thu xem được các kênh truyền hình; khuyến khích các đài phát thanh, truyền hình địa phương sử dụng mạng truyền dẫn, phát sóng số của các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai trên địa bàn để truyền tải các nội dung, chương trình.
Cuối tháng 4.2011 vừa qua, Công ty cổ phần Điện tử và truyền hình cáp Việt Nam (CEC) - một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đa phương tiện VTC đã ký kết hợp tác về trao đổi tín hiệu truyền hình cáp kỹ thuật số và sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn tín hiệu truyền hình với nhiều đối tác kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp trong nước như Trung tâm truyền hình cáp thành phố Hồ Chí Minh - HTVC, Công ty Dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội – BTS, Công ty Cổ phần Truyền hình cáp Sông Thu – Arico CaTV, Công ty Cổ phần Điện tử tin học Viễn thông Eliteco, Công ty Truyền hình cáp Alpha Quảng Ninh, Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Hữu Nghị…
Với việc hợp tác này, tín hiệu truyền hình kỹ thuật số từ Trung tâm phát sóng của công ty CEC được truyền đến các trung tâm phát sóng của các công ty đối tác thông qua hệ thống cáp quang. Các công ty này tiếp nhận tín hiệu truyền hình số, điều chỉnh và cung cấp đến các hộ gia đình trên địa bàn của mình.
Như vậy, các công ty này không cần phải đầu tư trung tâm phát sóng với thiết bị số hóa mà vẫn có được tín hiệu truyền hình kỹ thuật số để cung cấp cho người dân, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh nói chung cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp.
AVG - Đầu tư mạnh mẽ và chặt chẽ
Cho đến nay, thị trường cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình tại Việt Nam đã có xấp xỉ 10 doanh nghiệp tham gia. Sự sôi động của thị trường này hứa hẹn sẽ có những chuyển biến tích cực khi tới đây, AVG - một đơn vị cung cấp được đầu tư bài bản sẽ chính thức đi vào hoạt động.
|
Trung tâm Giám sát và Điều độ Vận hành mạng từ xa của AVG |
Dự án thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG đã được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005. Trong suốt quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, AVG đã được Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật và có sự ủng hộ.
Mới đây, AVG đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép số 621/GP-BTTTT ngày 29.4.2011 về thiết lập mạng viễn thông công cộng; Giấy phép số 717/GP-BTTTT ngày 13.5.2011 về cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền; Giấy chứng nhận đăng ký số 07/GCN-PTTH&TTĐT ngày 28.6.2011 của Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử với việc đăng ký cung cấp danh mục các kênh chương trình trên dịch vụ truyền hình trả tiền trực tiếp qua vệ tinh, bao gồm 24 kênh.
Để thực hiện các kế hoạch hoạt động truyền dẫn, phát sóng truyền hình, ngoài khả năng về tài chính, AVG đã chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, biên tập viên, kỹ thuật viên truyền dẫn phát sóng, cộng tác viên có chuyên môn giỏi được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm lâu năm trong việc sản xuất các chương trình nội dung…
Cho đến nay, với việc đầu tư công nghệ theo tiêu chuẩn kỹ thuật MPEG4-DVBT của châu Âu (là công nghệ hiện đại nhất thế giới), AVG đã hoàn thành việc ấn định tần số cho mạng truyền hình kỹ thuật số mặt đất trên toàn quốc; đã hoàn thành 85% thiết kế bản đồ kỹ thuật vệ tinh tiên tiến, chất lượng cao trên toàn quốc. AVG dự kiến đến năm 2012 sẽ phủ sóng 100% bằng DTH (thực hiện ngay khi phát sóng) và 85% vùng lãnh thổ bằng DTT sẽ được phủ sóng truyền hình.
Các công việc có liên quan như thỏa thuận với các hãng, đối tác lớn trong và ngoài nước để có những sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc về cơ bản đã được AVG hoàn tất.
Hiện tại, AVG đã và đang tiếp tục hoàn thiện việc đàm phán, ký kết mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài được phép phát sóng tại Việt Nam, tiếp sóng nguyên vẹn các kênh của Đài truyền hình Việt Nam và các đài địa phương. Bên cạnh đó, AVG cũng đã triển khai dự án hợp tác xây dựng và phát triển kênh truyền hình Công an nhân dân với Bộ Công an; kênh văn hóa - thể thao với Đài phát thanh và truyền hình Bình Dương…
Sự tham gia của những nhà đầu tư lớn trên thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình sẽ giúp việc khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình được tối ưu hóa; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số, tăng số luợng kênh chương trình truyền hình; nâng cao chất lượng và dịch vụ các chương trình truyền hình và đặc biệt là, phát triển dịch vụ truy nhập thông tin vô tuyến băng rộng, đáp ứng nhu cầu truy nhập đa dạng của người dân.
Khánh Linh - Hữu Quang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.