Gọi tôi là “bà Mơ bán cá”
Về xã An Ngãi - một xã nghèo của huyện Long Điền, hỏi bà Mơ bán cá ai cũng biết bởi cơ sở chế biến và kinh doanh hải sản của gia đình bà lớn nhất nhì trong vùng. Đặc biệt, bà Mơ còn là gương nông dân điển hình của xã khởi nghiệp thành công với nghề chế biến cá khô, sản phẩm của bà đang dần “chiếm lĩnh” khắp các thị trường khu vực miền Bắc.
“Bà bán cá” Nguyễn Thị Mơ (trái) đang giới thiệu với khách về các công đoạn chế biến sản phẩm cá khô chỉ vàng. Ảnh: Q.H
Bà Mơ kể: “Năm 2006, tôi bắt đầu lập nghiệp với nghề thu gom, chế biến cá, tôm thành sản phẩm khô để bán. Lúc đó đồng vốn còn khó khăn, tôi đã mạnh dạn thế chấp tài sản của gia đình để vay vốn phát triển kinh doanh từ Ngân hàng NNPTNT (Agribank), sau đó thu mua cá, tôm từ các xã biển mang về chế biến, phơi khô bán lại cho thương lái trong vùng. Dù lãi lời không cao, lại phải đi nhiều nơi thu gom cá, tôm nên lúc nào tôi cũng bận rộn. May được chồng ủng hộ, các con phụ giúp nên tôi cũng yên tâm với nghề”.
Rồi cơn khủng hoảng ngành cá vào năm 2008-2010 đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm cá khô của gia đình bà Mơ khi thương lái hoặc chậm mua, hoặc chậm thanh toán. Lúc này, bà quyết định mở rộng thị trường ra miền Bắc. “Khi đó nhu cầu về vốn rất lớn, cũng may Agribank thấu hiểu hoàn cảnh nên duyệt cho tôi vay mỗi đợt từ 1 - 2 tỷ đồng” - bà Mơ kể.
Năm 2013, gia đình bà quyết định mở rộng thêm nhà xưởng, thuê thêm nhân công để phát triển sản xuất, lại có cơ may gặp những mối làm ăn tốt bụng nên việc làm ăn ngày càng phát đạt. “Khoảng 2 ngày tôi xuất sản phẩm 1 lần, trung bình mỗi tháng tôi xuất bán hơn 100 tấn cá khô, khoảng 400 tấn cá tươi, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/tháng” - bà Mơ cho biết.
Hiện sản phẩm cá khô, tôm khô của bà Mơ chủ yếu xuất bán ra các tỉnh miền Bắc theo đơn đặt hàng, mỗi năm thu trên 3 tỷ đồng lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho 80 lao động nghèo tại địa phương và trở thành một trong những “đại gia” ngành cá, tôm khô huyện Long Điền. Bà Mơ hóm hỉnh: “Ở đây chẳng ai gọi tôi là đại gia hay chủ doanh nghiệp, tôi chỉ làm kinh tế hộ gia đình thôi. Cứ gọi tôi là “bà Mơ bán cá” được rồi…”.
Ấp ủ xây dựng thương hiệu
Kể về bí quyết làm ăn, bà Mơ nói: “Với bất cứ đối tác nào, việc giữ chữ tín phải đặt lên hàng đầu, bản thân tôi có được nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất là vì sau khi thu gom được cá nguyên liệu từ ngư dân, tôi lập tức trả tiền để họ có chi phí tiếp tục ra khơi. Nhiều khi nguồn nguyên liệu tăng lên do ngư dân trúng mùa, nếu không đủ tiền để trả thì tôi lại đến “gõ cửa” Agribank để vay trả đúng hẹn cho ngư dân”.
Năm 2015, dự kiến lợi nhuận của gia đình bà Mơ đạt khoảng 5 tỷ đồng do lượng sản phẩm nhiều hơn, thị trường rộng mở hơn. Bà cho biết: “Mới đây tôi đã vay khoảng 3 tỷ đồng để thu gom sản phẩm và trả tiền cho ngư dân đúng hạn. Dự kiến năm 2016, tôi sẽ xây dựng thương hiệu riêng cho mình, lấy tên là Cá khô bà Mơ”.
Ngoài kinh doanh cá, tôm khô, bà Mơ còn sở hữu hơn 100ha rừng tràm ở tỉnh Bình Thuận. Bà tiết lộ: “Số đất trên tôi tích cóp từ lợi nhuận của việc buôn bán hải sản hằng năm. Hiện tôi đã trồng tràm được vài năm tuổi, mới rồi có người trả hơn 30 tỷ đồng nhưng tôi chưa muốn bán…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.