Ba cây cổ thụ đất Bình Dương là cây di sản, có cây trôm, lại có cây đa "ôm" cây kơ nia lạ mắt

TTXTDL (Trung tâm xúc tiến Du lịch Bình Dương) Thứ ba, ngày 09/04/2024 09:37 AM (GMT+7)
Những ngày đầu năm 2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 3 cây cổ thụ đất Bình Dương là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây trôm trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương; cây cổ thụ kơ nia và cây đa của đình thần Tương Bình Hiệp.
Bình luận 0

Cây trôm-cây cổ thụ trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương

Theo các tư liệu về hình ảnh và nhân chứng xác định cây trôm này có khoảng 150 năm tuổi. Cây có chu vi thân chính 3,2m; chu vi gốc cây 5,2m; chiều cao khoảng 25m; đường kính tán khoảng 25m. 

Thân cây với bề mặt gồ ghề, sần sùi được bao bọc xung quanh bởi rất nhiều loại cây sống tầm gửi, cây có nhiều nhánh rất to. 

Cây trôm nằm sát bờ sông Sài Gòn nên phần rễ bám vào đất liền. Sau khi đường Bạch Đằng nối dài hoàn thành, cây trôm vẫn phát triển, xanh tốt và được các thế hệ thầy và trò, nhà trường chăm sóc và gìn giữ, bảo vệ.

Ba cây cổ thụ đất Bình Dương là cây di sản, có cây trôm, lại có cây đa "ôm" cây kơ nia lạ mắt- Ảnh 1.

Cây cổ thụ-cây trôm hơn 150 tuổi.

Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tiền thân là Trường Mỹ nghệ bản địa Thủ Dầu Một, đây là trường Mỹ nghệ ứng dụng ra đời sớm nhất ở khu vực 3 nước Đông Dương, do chính quyền Pháp thành lập từ năm 1901. 

Trải qua hơn 120 năm tồn tại và phát triển, trường đã đào tạo nhiều lớp nghệ nhân giỏi nghề, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, từ thủ công đến thợ thủ công lành nghề, nhà thiết kế... đã có đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội ở trong và ngoài nước.

Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương được công nhận là di tích cấp tỉnh, thành phố theo Quyết định số 3135/QĐ-UBND ngày 07/07/2006 của UBND tỉnh Bình Dương.

Cây Kơ nia cổ thụ trong khuôn viên đình thần Tương Bình Hiệp

Tính đến thời điểm năm 2023, Cây Kơ nia có khoảng 200 năm tuổi. Thân cây to, thẳng tắp sừng sững, vươn cao, có nhiều cành vươn rộng ra bốn phía. Các tán cây vươn xa phủ bóng mát. Chu vi vòng quanh thân cây tại vị trí ngang ngực (cao 1,3m) để tính ra đường kính thân cây được 1,38m; chiều cao cây ước tính 37m; chiều rộng tán cây đo bằng thước dây theo 2 hướng Đông – Tây là 30m và Nam - Bắc là 32m.

Cây đa cổ thụ dính liền thân Cây Kơ nia trong khuôn viên đình thần Tương Bình Hiệp

Cây đa được xác định có khoảng 140 năm tuổi, có hệ thống rễ buông cắm sâu xuống đất, ôm bám sát xung quanh thân. 

Cây cổ thụ có nhiều cành, tán vươn rộng tỏa bóng mát. Thân cây tại vị trí ngang ngực có đường kính 9,6m; chiều cao cây ước tính khoảng 27m; chiều rộng tán cây đo bằng thước dây theo 2 hướng Đông - Tây là 42m và Nam - Bắc là 30m.

Nhờ được chăm sóc và bảo vệ tốt bởi nhiều thế hệ người dân trong vùng nên hiện nay cây cổ thụ Kơnia và cây Đa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, tỏa bóng mát tại khuôn viên Di tích lịch sử cấp tỉnh đình thần Tương Bình Hiệp (khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Ba cây cổ thụ đất Bình Dương là cây di sản, có cây trôm, lại có cây đa "ôm" cây kơ nia lạ mắt- Ảnh 2.

Cây cổ thụ-cây đa khoảng 140 năm tuổi ở khuôn viên Di tích lịch sử cấp tỉnh đình thần Tương Bình Hiệp (khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Cây cổ thụ Kơ nia và cây đa của đình thần Tương Bình Hiệp như một minh chứng lịch sử hàng trăm năm qua với nhiều thăng trầm. 

Việc cây Kơ nia và cây đa được công nhận là Cây di sản Việt Nam tạo điều kiện cho các thế hệ người dân, du khách, học sinh, sinh viên tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học. Đây là điểm đến lý tưởng đối với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch hướng về cội nguồn.

Đình thần Tương Bình Hiệp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Và, được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 5033/QĐ-UBND ngày 19/11/2007.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem