Ba cùng với nông dân

Thứ sáu, ngày 29/06/2012 05:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Bà con vùng sâu, dân tộc thiểu số phải được cầm tay chỉ việc một cách cụ thể mới có thể nắm bắt được những kiến thức sản xuất và sinh hoạt, đời sống".
Bình luận 0

Ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch Hội ND huyện Mường Tè, Lai Châu chia sẻ về việc Hội sát cánh cùng hội viên.

Huyện Mường Tè cách trung tâm tỉnh 200km, là địa bàn còn nhiều khó khăn nhất so với các huyện nghèo trong toàn quốc. Tuy chỉ có hơn 50 vạn dân nhưng Mường Tè có tới 13 dân tộc anh em; trong đó có nhiều dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, như La Hủ, Cống, Kháng, Mông, Dao...

img
ND xã Kan Hồ, Mường Tè, Lai Châu chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.

Học cán bộ hội làm ăn

Trước thực trạng đó Hội ND huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực trong tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên ND vươn lên xoá đói, nghèo; làm giàu chính đáng.

Bà Tống Thị Khỏ - hội viên chi hội khối 2, thị trấn Mường Tè, cho biết: Cán bộ hội ND ở đây thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tập huấn khuyến nông và đến thăm các gia đình hội viên, hướng dẫn chúng tôi cách làm ăn hiệu quả. Các mô hình làm ăn giỏi như gia đình tôi Vàng Thị Xô ở khu 5, Lò Thị Phước ở khu 3, Lùng Văn Thơi ở khu 9… vẫn được cán bộ hội chỉ dẫn thêm những điểm cần khắc phục để đạt kết quả cao hơn.

Đồng thời, cán bộ hội lại lấy những mô hình này để trao đổi, hướng dẫn các hộ khác làm theo. Chính gia đình ông Trần Văn Toàn cũng là một mô hình SXKD giỏi với nhiều loại hình: Chăn nuôi lợn, nuôi ong lấy mật, nuôi cá, trồng rau, màu… Ông Toàn say mê nông nghiệp nên rất hay đến cơ sở, lại có nhiều kinh nghiệm truyền đạt lại cho dân. Chúng tôi cũng học cách nuôi lợn, nuôi ong, làm rau xanh từ ông ấy.

Hỗ trợ những cái ND cần

Chính sự gắn bó của cán bộ hội với ND đã giúp Hội ND huyện Mường Tè hiểu được những gì người ND đang thiếu, đang cần được đầu tư, hỗ trợ. "Trong tháng 5 vừa qua, nhiều xã trong huyện xảy ra dịch tụ huyết trùng ở trâu, bò, các cấp hội trong huyện đã tham mưu kịp thời với ngành chức năng, tổ chức dập dịch kịp thời; chữa trị khỏi bệnh cho hàng chục con gia súc" - ông Toàn cho biết.

“Hiểu được khó khăn của chúng tôi, Hội ND đã cung ứng 2 loại bếp tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ vậy khó khăn về chất đốt hàng ngày đã được giải quyết và còn giúp người dân tư duy mới về tiết kiệm củi đun”.

Cũng từ những thông tin của ND, vừa qua Hội ND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh cung ứng hàng chục bếp đun tiết kiệm nhiên liệu cho ND các bản Nậm Ty, Phiêng Luông 1, Phiêng Luông 2 của xã Nậm Hàng. Anh Hoàng Văn Len- Trưởng bản Phiêng Luông 1, bảo:

Bà con ở đây chủ yếu là các hộ tái định cư Thuỷ điện Sơn La chuyển đến nên không có rừng, rất khó khăn về chất đốt. Hiểu được khó khăn của chúng tôi, Hội ND đã cung ứng 2 loại bếp tiết kiệm nhiên liệu bằng chất đốt than hoặc củi. Nhờ vậy khó khăn về chất đốt hàng ngày đã được giải quyết và còn giúp người dân tư duy mới về tiết kiệm củi đun cũng như những lãng phí khác trong cuộc sống.

Đặc biệt, với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao thì những hoạt động sản xuất "thường ngày" của ND vùng thấp như: Chăn nuôi dê, lợn, gia cầm; cấy lúa nước, ngô, đậu, lạc giống mới hay làm vườn rau xanh… cũng cần được "cầm tay chỉ việc" nhiều lần. Cán bộ hội luôn bám sát ND để hướng dẫn, làm mẫu, làm điểm.

Ông Thàng Xuân Ly - Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, tâm sự: “Cán bộ hội ND biết người dân cần gì và phải giúp như thế nào. Người dân Pa Ủ biết nuôi dê, trồng lúa nước, làm vườn rau, dùng nước sạch trong sinh hoạt cũng là nhờ một phần công sức của cán bộ Hội ND đấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem