|
Ông Nở (phải) đang chỉ đạo công nhân thi công làm đường giao thông. |
Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1971 đến năm 1977 anh lính Nguyễn Duy Nở phục viên, trở về với con trâu, gốc rạ, đồng đất quê mình.
Khao khát làm giàu
Ở quê ông Nở thời bấy giờ, cả làng, cả xã nhà nào cũng đói ăn, thiếu mặc. Gia đình ông, lúc ấy cũng chẳng khá giả hơn ai. Ông bảo, trong ông lúc đó chỉ có "cái chất của người lính" mà thôi.
Vốn liếng của ông Nở ngày ấy là sự "bạo gan"- lăn lộn với 6 sào ao nuôi cá (nhận thầu lại của HTX đã bỏ hoang). Hàng ngày, ông xắn quần, đánh trần "vật lộn" cải tạo lại khu ao nuôi cá. Từ 6 sào ao này, năm đầu tiên ông thu được 15 triệu đồng.
Từ năm 2005 đến nay, ông Nguyễn Duy Nở hai lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc".
Có chút vốn nho nhỏ, ông tiếp tục nhận thầu thêm ruộng của HTX để cấy lúa, nuôi vịt và đầu tư nuôi bò lai Sind. Vài năm mở rộng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nguồn thu của gia đình ông tăng lên đôi, ba chục triệu đồng mỗi năm. Với thu nhập này, ở quê ông lúc bấy giờ không phải ai cũng làm được.
Hàng đêm, nằm ở ngoài chòi canh cá, giữ vịt giữa đồng, ông không nguôi ngoai khao khát làm giàu. Vẫn "chiến lược" lấy ngắn nuôi dài, ông vay vốn ngân hàng để xây lò nung vôi.
Ông lên tận khu nung vôi nổi tiếng núi Nhồi (huyện Đông Sơn), xin gia nhập đội quân bốc vác đá, than vào lò để học kỹ thuật xây lò và nung vôi. Trở thành ông chủ lò vôi, với hơn 30 lao động, ông Nở lại nghĩ đến chuyện kinh doanh cát, than và vật liệu xây dựng.
Hàng ngày, ông lái xe công nông chở than, đá về nung vôi cùng với công nhân… Cứ như vậy, ông tích cóp vốn liếng mua ô tô chuyên phục vụ chở vật liệu xây dựng cho các công trình… Đầu năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn với số vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng, chuyên phục vụ các công trình xây dựng.
“Bà đỡ”của ND nghèo
Với suy nghĩ "Công ty là của mình, sống được là nhờ công nhân", ông Nở tiếp nhận con em của đồng đội năm xưa, thanh niên trong làng, trong xã. Người nào có nhu cầu học lái xe, điều khiển máy móc công trình, ông liên hệ với các trường đào tạo nghề và gửi công nhân đi học.
Học xong, có nghề trong tay, công nhân trở về làm việc cho công ty ông mới trừ dần tiền học phí vào lương tháng của họ. Cách làm của ông được nhiều người trong làng, ngoài xã ủng hộ. Công ty của ông ngày càng phát triển. Sau ba năm hoạt động, số vốn của công ty đạt trên 10 tỷ đồng; năm 2007 tăng lên 15 tỷ đồng, rồi 30 tỷ vào năm 2009, với tiền lãi 2,2 tỷ đồng/năm. "Tôi luôn tâm niệm, những thành quả của ngày hôm nay là do tất cả anh em, chú cháu trong công ty gắng sức mà có. Tôi chỉ là người khởi xướng nên mà thôi" - ông Nở bộc bạch.
Hiện, Công ty TNHH Hoàng Tuấn có 233 công nhân, lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng. Cán bộ quản lý, kỹ thuật, lái xe, lái máy công trình lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Tất cả lao động đều được công ty đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, hưởng mọi quyền lợi theo Luật Lao động quy định.
Hiệu quả kinh doanh của công ty ngày càng cao, song trong lòng ông luôn canh cánh một điều: Làm thế nào để giúp đỡ các em học sinh nghèo đạt được ước mơ của mình và những gia đình ND nghèo, đồng đội khó khăn có điều kiện làm ăn.
Từ năm 2003 đến nay, công ty của ông đã nhận đỡ đầu 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tạo vốn làm ăn cho nhiều gia đình ND nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội cựu chiến binh khó khăn… với tổng số tiền hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn nhận tài trợ 8 năm học bổng cho em Trịnh Minh Đức, học sinh nghèo đoạt giải Nhì quốc gia về sáng tạo khoa học (mỗi năm 2 triệu đồng); tặng 25 triệu đồng học bổng cho em Trịnh Thị Mai Quê, ở thôn Hoằng Lộc, xã Hoằng Phúc (trong vòng 5 năm đại học); hỗ trợ một gia đình có 3 con tàn tật 12 triệu đồng trong 5 năm; đóng góp quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện 50 triệu đồng…
Thế Lượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.