Cho đến thời điểm này, dù dư luận xã hội đang lên cơn sốt, nhưng chưa ai có thể đánh giá về khoản tài sản kêch xù của bà thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình gồm 2 con gái, bà mẹ và em trai. Gần 700 tỷ đồng ở đâu ra? Chính đáng hay bất chính? Tiền bẩn hay tiền sạch? Mọi sự đang được nhiều Bộ điều tra theo lệnh của Thủ tướng và chắc một ngày không xa chúng ta sẽ biết sự tình sau cuộc điều tra được tiến hành nghiêm minh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: KTĐT
Dân gian, những người có rất ít thông tin, khi phát hiện một quan chức giàu sụ bất ngờ, thường có thói quen đặt câu hỏi: lương thế, phụ cấp thế, xã hội đang nghèo thế, họ lấy tiền đâu để mua nhà mua đất, mua hàng chục tỷ tiền cổ phiếu nếu không tham nhũng? Cũng như xa xưa Chúa Giê-su hỏi nhà giàu Pharasi: “Các người làm ăn lương thiện mà xây lâu đài bằng đá ư?”. Phía người bị hỏi thường có câu trả lời rất giống nhau: Nuôi heo; Dán hộp giấy; Lao động thối cả móng tay; Cô em gái biếu tặng… tuy vô duyên và cả vô lý nữa nhưng lại rất hiệu quả. Mọi nghi ngờ bế tắc, thiên hạ bó tay. Nếu nhà giàu Pharasi cũng biết trả lời như thế thì chắc Đức Chúa cũng đành. Và nạn tham nhũng cứ hoành hoành.
Trong báo cáo quản trị doanh nghiệp của Công ty Điện Quang, tính đến ngày 30/11/2016, số cổ phiếu mà bà Thoa nắm giữ là 1,68 triệu cổ phiếu.
Nhiều thành viên trong gia đình bà Thoa cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu tại Công ty Điện Quang.
Đứng vị trí thứ nhất là Nguyễn Thái Nga (con gái lớn bà Thoa) đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 12,01%. Với hơn 4,1 triệu cổ phiếu DQC, Nguyễn Thái Nga có hơn 235 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, ái nữ của bà Hồ Thị Kim Thoa nằm ở vị trí thứ 108 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Một người con gái khác của bà Hồ Thị Kim Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 6,49%, với giá trị đạt hơn 131,5 tỷ đồng tính theo giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, được bổ nhiệm chức Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty này chỉ sau 5 ngày bà Thoa được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương (tháng 5/2010), nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 7,33%. Theo thị giá cao nhất sáng 13/2/2017 của DQC, lượng cổ phiếu này của ông Hưng có giá trị gần 144 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Hưng lọt vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý, mẹ của bà Thoa là bà Trần Thị Mỹ Xuân cũng nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu, tương đương 3,83%.
Tóm lại, 5 thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ lượng cổ phiếu lên tới trên 34%. Với thị giá cổ phiếu DQC đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/2/2017 là 58.400 đồng/cổ phiếu, trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Thoa nắm giữ ước khoảng 668 tỉ đồng.
Như vậy, tài sản của bà Thoa có vẻ lớn hơn rất nhiều lần những người bị nghi ngờ trước đây. Bà lại là một quan chức cao cấp, ở một cái Bộ từng có nhiều tai tiếng về bổ nhiệm cán bộ (à cũng có thể về nhiều thứ khác). Lần này, Đảng, Nhà nước, người dân (đại diện là báo chí) không chịu “bó tay” mà yêu cầu điều tra truy tìm minh bạch. Cuộc truy tìm đã bắt đầu.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và con gái Nguyễn Thái Nga trong một lần trao giải. Ảnh: VNN
Làm giàu chính đáng đang được khuyến khích, ủng hộ, ngợi ca. Dân giàu nước mới mạnh. Cô Hằng ở ngoại thành Hà Nội trồng 3ha hoa hồng trên đồi trọc, mỗi năm thu lãi hàng mấy tỷ đồng là một cách làm giàu thơm tho…như hoa hồng. Có những trại chủ nuôi những thứ “tanh tưởi” như trùn quế, dế mèn, nhưng tiền làm giàu của họ cũng rất thơm. Có người từng xây được lâu đài bằng đá. Dân không nghi ngờ, Đảng không đặt dấu hỏi vì những người đó không dính dáng đến quyền lực. Đằng này bà Thoa, câu chuyện có khác, bà là một thứ trưởng.
Quyền lực là thứ thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Dân giao cho một số người thực thi qua hệ thống chính trị. Lành mạnh thì quyền lực được sử dụng đúng ý dân vì dân. Rệu rã, xuống cấp thì quan “ăn của dân không chừa thứ gì”, quyền lực được mua bán vì lợi ích nhóm. Một số tập đoàn quốc doanh một thời được coi là “quả đấm thép” của nền kinh tế, được trao khối lượng vốn khổng lồ, người lãnh đạo được cử ra kinh doanh được giao nhiều quyền lực mà bất kỳ nhà tư bản nào chỉ nằm mơ mới thấy. Quyền của họ to, lại càng to khi họ là mắt xích của những nhóm quyền lực lớn hơn, mạnh hơn.
Cho nên, từ ngày có đổi mới, chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp to nhỏ của Nhà Nước là một chủ trương đúng đắn, tích cực. Nhà nước chỉ giữ một số vốn chủ đạo, có chỗ hoàn toàn thoái vốn, giao doanh nghiệp lại cho người chủ thật sự của nó là những người có cổ phần. Quyền lực được giao cho những ai có vốn lớn nhất, họ phải được tôn trọng trong kinh doanh theo mức vốn góp vào.
Nhưng cũng như bất kỳ chủ trương đúng đắn nào, chỉ đến khi thực hiện mới ngả ngũ thắng thua, đúng sai. Cổ phần hóa là đúng, là cắt giúp nhà nước những “con đỉa” ăn bám, dựa dẫm, lợi dụng. Là bảo tồn được đồng vốn rất lớn của toàn dân bỏ ra cho doanh nghiệp như đất đai, trụ sở, trang thiết bị, thương hiệu quốc gia và quốc tế. Những giá trị “quốc doanh” này phải được đánh giá đúng và đủ để bảo vệ quyền lợi của quốc gia. Nhưng khốn thay, việc đánh giá “đúng và đủ” này không dễ. Có những thứ trị giá thay đổi từng ngày, từng tháng như đất đai. Có những thứ mơ hồ khó lượng giá như thương hiệu. Và khốn thay, thường người bán định giá cho người mua là chính mình. Và đó là khe hở lớn nhất của công cuộc cổ phần hóa, khi về thực chất là chuyển tài sản quốc gia thành vốn của doanh nghiệp và giá trị của cổ phần.
Có không ít kẻ ranh ma, do có quyền nắm được thông tin hoặc có nhiều mối quan hệ khó nói đã lợi dụng được tối đa khe hở đó. Doanh nghiệp được bán rẻ đến mức không ngờ nhưng vì không minh bạch, không công khai và công bằng nên khi mọi người biết thông tin thì đa số cổ phần bị định giá rẻ mạt một cách cố ý đã nằm trong túi những kẻ biết “lợi dụng cách mạng một cách tối đa” (Lênin) mà chúng ta thấy nhan nhản khắp nơi. Trong sự nghiệp cấp bách cổ phần hóa để điều chỉnh thành phần kinh tế quốc doanh, chúng ta hiện thiếu những quy định nghiêm ngặt, công khai hóa các giá trị tài sản, tham khảo mặt bằng giá từng thời điểm, niêm yết rộng rãi việc mua cổ phần. Chúng ta vẫn mất cảnh giác với những kẻ đóng vai “vừa bán vừa mua”, những quan chức có quyền lực của doanh nghiệp. Tài sản của Nhà nước rất dễ thất thoát qua cái túi tham không đáy của chính họ. Để tránh lộ liễu, họ đưa ra “sân khấu” cổ phần hóa những khách mua như mẹ đẻ, con gái con trai, em gái em trai, họ hàng của chính họ.
Đó là thời kỳ “tranh tối tranh sáng”, làm giàu quá dễ! Trong dân gian, những người đi câu cá thường nói phải tranh thủ lúc “tắt quáng, rạng đông”, thời gian ấy cá dễ cắn câu vì ngái ngủ, chúng ta dễ mất tỉnh táo với bọn cơ hội đục khoét đó.
Sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế to lớn tích lũy được bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân Xô Viết đã bị rơi vào tay bọn “cá mập” biết lợi dụng thời điểm “tắt quáng rạng đông” thời Boris Yeltsin. Các ông chủ mới của doanh nghiệp tư nhân Nga vẫn được cho là hoạt động dựa trên những mối quan hệ quen thân của chủ nghĩa tiền tư bản thân hữu và những luật lệ ngầm họ xây dựng được trong thời kỳ chuyển tiếp đầy nhiễu nhương đó. Cho nên, đa số nhà doanh nghiệp phải nuôi dưỡng mối quan hệ với quyền lực, khi mua và bán tài sản quốc gia cũng như sau này khi tiến hành kinh doanh tìm lợi nhuận. Họ gắn bó tình “đồng chí mới” với các nhà chính khách, nhà làm luật cho tới công an kinh tế và cán bộ thuế…Và đó là môi trường thuận lợi cho “nấm” tỷ phủ đô la nẩy nở như “bố già Điện Kremlin", tỉ phú Berezovsky, người đóng góp không nhỏ trong quá trình vươn lên đỉnh cao quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin và đã bị triệt hạ. Hay như Khodorkovsky - ông vua dầu mỏ sở hữu tập đoàn Yukos Oil, cũng đang bị bỏ tù.
Nhìn từ câu chuyện tài sản gần nghìn tỷ của gia đình bà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu rằng còn bao nhiêu câu chuyện như cổ phần hóa tại Điện Quang với toàn người trong gia đình nắm vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa?
Với Việt Nam, cổ phần hóa đang tiến hành với hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta không được quên thời điểm “tắt quáng rạng đông”, làm giàu rất dễ, không phải làm giàu nhờ lao động “thối móng tay” mà bằng mưu mô xảo quyệt của kẻ cơ hội và tận dụng được sự ngu ngơ, mất cảnh giác của tất cả chúng ta!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.