Bà mế của núi rừng

Thứ tư, ngày 02/11/2011 20:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuổi đã gần 90 nhưng mế Sung vẫn minh mẫn và tinh nhanh lắm. Mới vài năm trước cụ còn trèo đèo lội suối tìm hái những lá thuốc quý giữa đại ngàn Tuyên Quang mang về trị bệnh cứu người.
Bình luận 0

Đó là cụ Phan Thị Sung (dân tộc Cao Lan, ở thôn Hải Thành, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Người dân nơi đây thường trìu mến gọi cụ với cái tên bà mế của núi rừng.

img
 

Bà lang “rắn cắn”

Bán tín bán nghi, trước khi lên núi tìm gặp mế Sung, tôi đã gặp một bệnh nhân của mế, đó là anh Bùi Văn Đông ở TP.Tuyên Quang. Anh Đông thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ phương thuốc kỳ diệu của mế Sung. Một lần trong lúc mải miết đào măng, anh Đông bị một con rắn hổ mang lao từ trong bụi ra cắn một nhát ngay đùi.

Sau khi sơ cứu tại chỗ, mọi người vội khiêng anh Đông về nhà mế Sung. Về tới nhà mế Sung, anh Đông gần như mê man bất tỉnh. Mế Sung thăm mạch bệnh nhân rồi vội dùng con dao bạc hơ vào lửa gí vào vết thương, sau đó dùng bài thuốc bí truyền đắp thuốc lá vào nơi rắn cắn.

Anh Đông kể, sau khi tỉnh lại, mỗi lần mế Sung bóc thuốc cũ thay thuốc mới, anh thấy một đám máu đen với mùi hôi tanh khủng khiếp đã được các loại lá rừng hút ra.

Nhà mế Sung nằm cheo leo trên một ngọn đồi. Hôm tôi đến hú họa nhưng may mắn gặp mế ở nhà. Mế Sung kể, ở chốn rừng thiêng nước độc này nếu có rắn thì chỉ toàn rắn độc, nhiều nhất là các loại rắn hổ mang, hổ chúa, rắn lục, rắn cạp nong, cạp nia... nghe qua đã không khỏi rùng mình ớn lạnh.

"Nếu nạn nhân bị rắn cạp nia cắn phải chỗ hiểm như cổ, mặt, nhanh thì chết sau một tiếng còn chậm thì khoảng một ngày. Hổ mang mặc dù nọc không độc bằng cạp nia nhưng lượng nọc lại nhiều hơn, vì thế khả năng sát thương cũng chẳng khác là bao" - mế Sung nói.

Trong số những ca bệnh từng chữa, có một vài ca khiến mế Sung nhớ tới bây giờ. Trong đó có trường hợp của anh Cao Lộc ở huyện Sơn Dương. Anh Lộc vốn làm nghề bắt rắn, cách đây gần chục năm, trong một lần “tác nghiệp”, anh bị một con rắn cạp nia phi tới đớp trúng bắp chân. Anh Lộc được người nhà đưa tới bệnh viện nhưng vết thương đã trở nên nghiêm trọng nên bệnh viện trả về. Còn nước còn tát, vợ con anh vội khiêng đến nhà mế Sung.

“Lúc ấy có tới hàng chục thanh niên chầu chực ở nhà tôi, họ chờ để lỡ bệnh nhân không qua khỏi thì đưa về luôn” - mế Sung kể. Thế nhưng may mắn là anh này còn nuốt được nước. Suốt một đêm thức trắng cạy răng bệnh nhân đổ thuốc vào miệng, thay cả chục lần thuốc hút độc từ vết thương, sáng sớm hôm sau, anh Lộc đã hồi tỉnh...

“Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”

Ngoài bài thuốc tổ truyền trị độc xà cắn, mế Sung còn có một phương thuốc quý giá khác đó là phương thuốc chữa hiếm muộn.

Mế Sung tâm sự, theo quy định tổ truyền, những người kế thừa bài thuốc phải là con dâu để nghề thuốc không truyền sang dòng họ khác. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng tên thuốc, cách pha chế, công dụng, liều dùng, mế Sung vẫn nhớ như in.

img
Mế Sung đang truyền nghề cho con dâu.

Hàng ngày cụ đều dạy nghề thuốc cho con dâu theo kiểu truyền miệng. Mế Sung bảo, mỗi lần đi lấy thuốc mế thường đưa con dâu lên rừng để nhận biết các loại cây thuốc, hướng dẫn tỉ mỉ cách duy trì, bảo vệ nguồn giống cây thuốc quý.

Rễ, cành cây thuốc khi đã lấy về đều được cạo sạch vỏ ngoài, cắt nhỏ. Các bài thuốc của người Cao Lan rất đa dạng, thường được kết hợp từ nhiều loại lá, thân, rễ... của nhiều cây thuốc khác nhau. Ở thôn chưa có ai trồng cây thuốc nam mà chỉ khai thác trong tự nhiên.

Suốt mấy chục năm qua, mế Sung không nhớ mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu người nữa. Chỉ vào đống vỏ chai khổng lồ chất đầy từ ngoài cổng đến chân cầu thang nhà sàn, mế bảo: “Mỗi người đến mang theo một chai rượu, nhìn vào số chai là biết được lượng khách đến đây. Tôi chữa bệnh chẳng phải tiền bạc gì nhưng chai rượu là thứ không thế thiếu để làm lễ”.

Không chỉ vận dụng các bí pháp tổ truyền, mế Sung còn kết hợp cả các phương thức chẩn bệnh hiện đại như yêu cầu bệnh nhân mang theo kết quả siêu âm, xét nghiệm rồi với kinh nghiệm lâu năm của mình, mế đưa ra bài thuốc “chuẩn”. Nếu thấy khả năng không chữa được, mế từ chối ngay chứ không chần chừ giữ người bệnh để thử thuốc.

Mế Sung bảo, người làm thuốc nam rất thận trọng, dù biết cây thuốc và bài thuốc, nhưng nếu chưa tự chữa khỏi được cho mình, hoặc người trong gia đình mình thì không dám đem thuốc ấy bốc cho bệnh nhân.

Cầm trên tay tấm giấy chứng nhận đỏ chói, chị Đỗ Thị Thủy - con dâu mế Sung hồ hởi “khoe”: "Mới đây Hội Đông y TP. Tuyên Quang đã kết nạp gia đình chúng tôi vào hội. Đó là một niềm vui lớn bởi điều đó khẳng định giá trị của việc lấy thuốc chữa bệnh cứu người mà gia đình chúng tôi đang theo đuổi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem