Ba người đàn bà trong “ngôi nhà không chồng”

Thứ ba, ngày 06/08/2013 14:43 PM (GMT+7)
Suốt mấy chục năm qua, trong căn nhà nhỏ ấy, 3 chị em ruột không chồng vẫn cố gắng, gồng gánh nhau mưu sinh để tồn tại qua ngày. Cái đói, cái khổ cùng bệnh tật theo thời gian cứ bám riết vào họ khiến cho giọt nước mắt bi thương của những người đàn bà bạc phận
Bình luận 0
Suốt mấy chục năm qua, trong căn nhà nhỏ ấy, 3 chị em ruột không chồng vẫn cố gắng, gồng gánh nhau mưu sinh để tồn tại qua ngày. Cái đói, cái khổ cùng bệnh tật theo thời gian cứ bám riết vào họ khiến cho giọt nước mắt bi thương của những người đàn bà bạc phận này luôn phải chực trào, tủi phận trước cảnh đời quá nhiều éo le cay đắng…

Nước mắt của 3 chị em ruột không chồng

Dưới cái nắng chói chang rát mặt, chúng tôi lại tìm đến thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nhưng lần này không giống như những lần khác, một cuộc gặp gỡ đã để lại trong tôi nhiều xúc động, nhiều thương cảm.
Ba chị em bà Nghiên, bà Út, bà Lịch (từ trái sang) trong căn nhà tuềnh toàng
Ba chị em bà Nghiên, bà Út, bà Lịch (từ trái sang) trong căn nhà tuềnh toàng
Ngồi nghỉ chân dưới gốc cây đa làng, uống một ngụm trà đá chúng tôi được nghe bà Thắm, chủ quán nước, kể về tình cảnh éo le, nỗi vất vả của 3 chị em ruột không chồng ở đây: “Mấy chị em bà ấy thì khổ nhất ở xã tôi rồi. Người nọ bám víu vào người kia chú ạ! Ai cũng bệnh tật nan y. Khổ! Yếu đau là vậy nhưng vẫn cứ phải làm lụng kiếm cái ăn, nghĩ mà tội! Ngày qua ngày chị em vẫn bên nhau đùm bọc, chan gắp cho nhau từng cọng rau, muỗng cháo mà sống thôi”.

Theo lời bà Thắm, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của 3 bà lão không chồng. Cũng không khó lắm, đến cuối xóm rồi tắt ngang qua cánh đồng là đến được nơi trú ngụ của các bà. Nhìn từ xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng hom hem của từng bà một, họ đang đỡ đần dắt díu nhau trong căn nhà nhỏ.

Bà Lưu Thị Nghiên năm nay đã 63 tuổi, là người chị cả, khi thấy khách lạ đến chơi nhà, bà chầm chậm bước ra sân, rồi nở một nụ cười hiền hậu. Giữa bốn bề xóm làng, những rặng cây xà cừ cao lớn tiếng ve sầu đậu trên ngọn kêu inh ỏi cũng không đủ để che lấp đi tiếng rên của người đàn bà với nước da xanh nhợt đang nằm yếu ớt trên giường vì bệnh tật hành hạ. Thấy vậy chúng tôi nhanh nhẹn hỏi, bà Nghiên cất lời: “Kia là Lịch, em gái thứ 2 của tôi. Ngày nào cũng lên cơn sốt rét 2 – 3 lần, lại còn đau tim nữa. Mỗi ngày phải tiêm 4 - 5 mũi thuốc kháng sinh vào người”.

Bà Lưu Thị Lịch (SN 1953), thời trẻ từng tình nguyện tham gia làm công nhân quốc phòng ở Phong Thổ (Lai Châu). Sau trận sốt rét ác tính bà bị mất sức lao động, rồi trở về địa phương. Do giấy tờ bị thất lạc, đến nay bà không được hưởng chế độ gì. Cũng vì bệnh tật, 30 năm qua bà chưa một lần bước chân ra khỏi nhà. Ngày qua ngày bà luôn phải chịu những cơn đau tim hành hạ đến tím tái cả mặt, rồi cả những trận sốt rét gai người không ngừng “ tấn công” âm ỉ vào thân thể gầy còm.

Bà tâm sự với chúng tôi bằng cái giọng yếu ớt, chốc chốc lại nghẹn lại nơi cổ họng: “Các chú đến chơi là quý lắm rồi, còn quà cáp làm gì. Sức khỏe tôi mấy bữa nay cũng yếu hơn nhiều, tim nó đau liên hồi chú ạ”. Nói xong bà thở yếu hơn trước, rồi dồn chút sức lực cố gắng gượng dậy, bà đưa tay lấy ở phía đầu giường ra vỏ một hộp bánh, bên trong có đựng vài ống thuốc kháng sinh và kim tiêm. Chúng tôi thấy bà phải gắng gượng lắm mới điều khiển nổi việc tự tiêm vào bắp tay của mình để “trị bệnh”. Nhìn bà chịu đau, chúng tôi chỉ ước sao được gánh thay phần nào sự đau đớn của bà.

Vì nhà nghèo không có tiền gọi bác sĩ, suốt mấy chục năm qua, một mình bà Lịch ở nhà vẫn tự mình làm như vậy. Lâu dần rồi cũng quen, vì vậy mà trên cánh tay bà giờ nổi đầy những đường gân xanh, nhiều cục u, chi chít mẩn đỏ và những vết sẹo theo thời gian. Khi có người em út ở nhà tiêm giúp, bà bớt đau hơn. Bà sợ hãi nhớ lại về lần đầu khi người em út liều tiêm: “Lần đầu tiên bà ấy chọc bừa làm cong cả mũi kim, không trúng ven, máu tràn ra ngập cả xi-lanh. Tôi đau quá cắn răng chịu đựng, cố gắng không khóc song vẫn không kìm được. Thấy tôi khóc, bà ấy cũng khóc theo” - bà Lịch bật khóc tâm sự.
Bà Lưu Thị Lịch đang tự tiêm thuốc
Bà Lưu Thị Lịch đang tự tiêm thuốc
Nhà chỉ có 3 chị em gái, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, lại mang bệnh tật nên cuộc sống càng túng quẫn. Năm 2005, bà Nghiên bị thiên đầu thống, đi mổ ở bệnh viện tỉnh Thái Bình. Nhưng khi mới mổ mắt được vài ngày, nghe đài báo bão bà lại phải vội vã ra đồng gặt lúa. Đến ngày đi cắt chỉ, nhưng vì chưa gặt xong, sợ bão rụng hết lúa nên bà cố gắng gặt hết.

Thế rồi khi lên viện, bác sĩ cho biết đã quá ngày hẹn nên không thể cắt được. Bà đành ra về “nuôi” sợi chỉ khâu trong mắt. Cho đến một ngày phải nhập viện vì đôi mắt mờ hẳn đi, không còn nhìn được như trước nữa. Năm 2008 may mắn nhờ có sổ bảo hiểm hộ nghèo, bà Nghiên được đi mổ. Nhưng cũng không kết quả mấy, đôi mắt vẫn cứ ngày một mờ, mọi công việc đều cần phải bà Út giúp đỡ.

Đói nghèo, bệnh tật, 3 chị em ôm nhau khóc thương cho phận đời


Ông Bùi Quang Nguyễn, trưởng thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo cho biết: “Hoàn cảnh 3 chị em bà Nghiên rất thương tâm, thuộc diện khó khăn nhất của xã trong suốt hơn 10 năm qua. Mới đây chính quyền xã cùng bà con lối xóm đã giúp đỡ dựng lại căn nhà. Tuy nhiên mới chỉ là bước khắc phục ban đầu cuộc sống đói nghèo, chứ bệnh tật thì vẫn còn. Chúng tôi mong sao qua báo chí đưa tin sẽ có nhiều tổ chức cá nhân, đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm biết đến cùng chung tay giúp đỡ mấy bà có điều kiện trị bệnh, kéo dài thêm sự sống, bớt nhọc nhằn ở tuổi xế chiều”.
Trong nhà duy nhất chỉ có bà Lưu Thị Út sức khỏe phần nào khá hơn 2 chị. Năm nay bà 51 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn ngược xuôi lo kiếm tiền thuốc thang cho chị. Mang trong người căn bệnh viêm khớp nhưng bà vẫn gắng gượng đảm nhiệm cấy 5 sào ruộng: “Bệnh tình của các chị như vậy, tôi không quản nắng mưa, quần quật làm thuê trên mọi thửa ruộng, phụ hồ, chỉ mong sao kiếm được chút tiền công ít ỏi. Nhớ năm kia nhà cửa dột nát, hôm đấy tôi và bà cả mải đi cấy thuê, bà Lịch ốm đau nằm nhà. Tối về nhìn thấy chị rét run co ro ở trên giường mà xót. Mưa to quá, lại ốm mệt nên không biết chạy đi đâu đành chịu ướt lạnh cả người chú ạ”.

Rồi bà kể về những đêm đông rét buốt, để chống chọi với cái khắc nghiệt của thời tiết, 3 chị em bà vẫn thường xuyên phải lót rơm khô trên giường cho ấm. Lọm khọm xách thùng bột sắn từ phía trong buồng ra, bà Nghiên nhẹ nhàng lấy tay bóp từng nắm bã sắn lấy tinh bột, đợi nắng lên, bà đem số bột ấy phơi khô nấu ăn dần thay cơm cho những ngày sắp tới.

Đang làm việc, nghe tiếng bà Lịch kêu yếu ớt ở trên giường, bà lại hốt hoảng bỏ nắm bã sắn, vội vã chạy vào xoa ngực cho người em để giảm bớt cơn đau tim đang hành hạ. Gần đây bà Lịch lại mắc thêm bệnh suy thận, thế nên bà Út làm vất vả được đồng nào đều chắt chiu mua thuốc dành riêng cho hai người chị, còn bà Lịch thì cố gắng đỡ đần em những công việc nhẹ.

Nhà có mảnh vườn nhỏ, bà Út căng lưới nuôi 3 con gà mái đẻ lấy trứng, thỉnh thoảng cũng cải thiện được bữa ăn. Bữa ăn hằng ngày của 3 chị em vẫn là nước mắm hay lá su hào hàng xóm mang cho, lá su hào bà cắt nhỏ để nấu cháo ăn. Thời gian rảnh rỗi chưa vào vụ, bà dọn dẹp cho các hộ chăn nuôi trong xã hoặc đi bế trẻ thuê. Mỗi lần như thế thù lao kiếm được chừng vài chục ngàn đủ mua thuốc thang.

Bà kể, nhiều hôm nhà hết gạo, ba chị em đói quá không có gì vào bụng. Bà con lối xóm thương tình cho vay một ít, nhưng đến giờ vẫn chưa có mà trả. Chị em bà đành chịu đói, không dám hỏi vay mượn thêm của ai nữa. Ngồi đến quá trưa, 3 bà chỉ có vẻn vẹn một niêu cháo hoa “nguội lạnh” từ lâu, để dành cho bữa ăn chiều. Nhìn thấy thế, chúng tôi không khỏi xót xa.

Cuộc sống lắm gian nan, bà Út tâm sự trong làn nước mắt: “Sức khỏe của tôi giờ không còn được như trước, càng ngày càng yếu, chỉ có thể loanh quanh trong làng kiếm việc. May mà có được góc vườn cằn cỗi để trồng luống rau, luống cỏ sống qua ngày”. Hằng ngày khi nhìn mọi người sum vầy bên mâm cơm cùng con cháu, ba bà lại thèm khát một mái ấm gia đình. Nghĩ đến cuộc đời cô quạnh của mình, đôi ba lần các bà lại ôm nhau khóc, tủi thân cho số phận éo le và cay đắng.
Thanh Tuyền- Lưu Minh (Dòng Đời) (Thanh Tuyền- Lưu Minh (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem