Bà Rịa - Vũng Tàu: Dựa vào cấp độ dịch, số F0 trong lớp để chuyển đổi hình thức dạy và học
Bà Rịa - Vũng Tàu: Dựa vào cấp độ dịch, số F0 trong lớp để chuyển đổi hình thức dạy và học
Nha Mẫn
Thứ ba, ngày 01/03/2022 09:12 AM (GMT+7)
Hiện tại, tình hình dịch bệnh đã phức tạp trở lại nên ngành giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ căn cứ theo số lượng F0 ở từng lớp, từng trường để đưa ra phương án, hình thức dạy và học phù hợp.
Ngày 1/3, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý với đề xuất của ngành giáo dục về quy định chuyển đổi hình thức học trực tiếp, trực tuyến tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình phòng chống dịch trên địa bàn hiện nay. Theo đó, địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định hình thức dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, đối với các xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch 1, 2, ở các trường (nhóm) mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca F0 thì cho toàn bộ trẻ trong lớp cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại nhưng phụ huynh và giáo viên sẽ phải tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… hoặc triệu chứng nghi ngờ khác thì báo cho y tế địa phương để hỗ trợ.
Đối với các trường phổ thông, nếu có 2 ca dương tính với SARS-CoV-2/1 lớp học/1 ngày, kể cả học sinh được phát hiện thành F0 bên ngoài nhà trường đã đi học trực tiếp (tính từ thời điểm kết thúc buổi học ngày hôm trước đến đầu buổi học ngày hôm sau) thì giao hiệu trưởng các trường học ra quyết định chuyển sang hình thức học trực tuyến cho buổi học tiếp theo, cho đến khi có thông báo mới.
Nếu có 10% số lớp học trong một trường của cấp tiểu học hoặc của các trường liên cấp mỗi lớp ít nhất có 2 F0, kể cả học sinh F0 phát hiện ở ngoài nhà trường đã đi học (tính từ thời điểm kết thúc buổi học ngày hôm trước đến đầu buổi học ngày hôm sau) thì giao UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định chuyển toàn trường đó sang hình thức học trực tuyến cho buổi học tiếp đối với trường tiểu học đó cho đến khi có thông báo mới.
Trường hợp có 20% số lớp học trong một trường THCS hoặc THPT, GDTX, mà mỗi lớp ít nhất có 2 F0, kể cả HS F0 phát hiện ở ngoài nhà trường đã đi học thì UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở GDĐT sẽ quyết định chuyển toàn trường đó sang hình thức học trực tuyến cho buổi học tiếp cho đến khi có thông báo mới.
Riêng đối với các trường chuyên biệt như Trường Khiếm thị Hữu Nghị, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa, do đối tượng học sinh có tính chất đặc thù nên căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, các nhà trường có thể áp dụng theo mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ. Các trường hợp học sinh là F0 điều trị tại nhà, F1 được chuyển sang học trực tuyến theo hướng dẫn, thời khóa biểu cụ thể của nhà trường.
Nếu giáo viên là F0, F1, hiệu trường các đơn vị bố trí giáo viên dạy thay phù hợp nhằm bảo đảm tối đa thời lượng dạy học trực tiếp của nhà trường. Trong trường hợp số giáo viên thuộc diện F0, F1 nhiều hơn 50% số giáo viên phụ trách môn học đó thì hiệu trưởng nhà trường xem xét quyết định một số lớp hoặc một số môn chuyển sang học trực tuyến. Giáo viên là F0 điều trị tại nhà, giáo viên thuộc diện F1 chuyển sang dạy trực tuyến theo thời khóa biểu cụ thể của nhà trường.
Đối với xã, phường, thị trấn dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông, CĐ, ĐH. Đối với bậc học mầm non, giáo viên hướng dẫn phụ huynh, người chăm sóc trẻ hỗ trợ, giúp đỡ trẻ học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp.
Còn với địa bàn được các định cấp độ dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình, giao bài tự học với bậc phổ thông, CĐ, ĐH. Riêng bậc mầm non thì giáo viên hướng dẫn bài học để phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.