"Bà trùm" hô biến vùng hạn mặn thành mỏ muối "vàng" trắng tinh

Công Tâm Thứ năm, ngày 23/08/2018 06:40 AM (GMT+7)
Nhờ vào tính quyết đoán, mạnh dạn làm ăn mà bà Trần Thị Tân (xã Tri Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) đã làm thành công với mô hình sản xuất muối sạch. Hiện nay, mô hình đang được nhân rộng đến nhiều diêm dân.
Bình luận 0

“Bà trùm” sản xuất muối sạch

Sinh ra lớn lên ở vùng đất (thôn Tri Thủy 2, Tri Hải, Ninh Hải), một địa phương nổi tiếng của cả nước với nghề sản xuất muối. Tuy nhiên, bà Tân nhận thấy nhiều diêm dân vẫn cho thu nhập rất thấp, năng suất không cao, một số người trước đây muốn từ bỏ nghề này, nguyên nhân chính do diêm dân còn sản xuất theo cách truyền thống, dẫn đến chất lượng muối chưa được nâng lên.

img

Các công nhân đang tận dụng thời tiết thuận lợi để thu hoạch muối

Bà Trần Thị Tân cho biết: “Trong một lần tình cờ tôi thấy một diêm dân áp dụng mô hình kê bùn trên cát để sản xuất muối, tuy nhiên mô hình trên chưa hiệu quả. Lúc ấy, tôi thấy cách làm này rất hay và còn nhiều bất cập ở khâu kỹ thuật. Nhiều ngày đêm, tôi trăn trở nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm 20m2 ngay diện tích tại khu vực gần nhà. Kết quả, thành công ngoài mong đợi, muối cho năng suất cao, hạt muối lại sạch hơn so với cách làm truyền thống”.

img

Bà Trần Thị Tân (xã Tri Hải, Ninh Hải) là một phụ nữ tiên phong trong việc đưa các mô hình sản xuất muối sạch

Ngay sau đó, bà Tân liên hệ vay vốn của ngân hàng và tiến hành thuê 2,4ha để làm muối theo mô hình kê bùn trên cát. Thời điểm ấy, cả chồng và những người xung quanh phản đối kịch liệt, bởi đây là một ý tưởng khó thực hiện, thành công rất ít. Trong khi đó, rủi ro thì nhiều…Không ngại gian khó, bà Tân vẫn lao mình vào làm.

Bà kể: “Để có được thành công là chuyện không hề dễ dàng chút nào, tôi phải thuê hàng chục chiếc xe bò vận chuyển cát, sau đó xử lý mặt bằng trước khi cho cát vào. Việc này được tôi xăn tay áo xuống tận ruộng làm”.

img

Muối sạch của bà Tân không chỉ cung cấp TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và mà còn mở rộng cho các tỉnh lân cận

Chỉ sau 3 tháng thử nghiệm mô hình kê bùn trên cát sản xuất muối đã có kết quả với muối kết tinh cao, chất lượng hạt muối được nâng lên rõ rệt, muối vừa trắng, vừa sạch. Mô hình làm muối này đã giúp cho bà có nguồn thu nhập kha khá. Sau khi có được thành công, những hộ xung quanh ùn ùn kéo nhau đến học tập và bà liền chia sẽ kinh nghiệm của mình cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ý tưởng điên rồ đưa hàng ngàn ngàn mét ống dẫn nước lên núi

Bà Tân quan sát thấy một số vùng đất gần chân núi bị bỏ hoang quanh năm gây lãng phí. Một lần nữa, bà thử tài bằng cách đưa nước từ dưới biển lên núi để sản xuất muối. Bắt tay vào thực hiện, mọi người đàm tiếu về ý tưởng hoang đường này. Bà nhớ lại, ở các vùng đất trên tây nguyên nhiều hộ nông dân đưa nước lên đỉnh tưới cho cà phê, điều, cây tiêu… thì tại sao mình lại không đưa nước mặn lên núi làm muối.

img

Cách làm của bà Tân vừa giúp năng cao năng suất, hạt muối đạt chất lượng và rút ngắn được thời gian sản xuất

Nghĩ là làm, bà mua 10.000m ống và máy móc dẫn nước từ biển lên núi để phục vụ cho cánh đồng muối 1ha, chiều cao trên 20m so với mặt nước biển. Khi lắp đặt xong, nhìn máy hoạt động nước chảy phun lên vù vù, cảm xúc lúc đó mừng lắm, không thể tả hết…Nước đã được đưa lên núi thế là mô hình sản xuất muối tiếp tục thành công, hàng chục hộ dân hoan hô và chúc mừng – bà Tân cho biết thêm.

img

Mô hình đưa nước từ biển lên núi để sản xuất muối đã được áp dụng thành công

Đến nay, bà Tân đã có 5,8ha muối, mỗi năm sản xuất khoảng 9 tháng, thu hoạch từ 3- 4 đợt/tháng. Mô hình kê bùn trên cát sản xuất muối có nhiều ưu điểm vượt trội, rút ngắn thời gian sản xuất khoảng 3 ngày/đợt, năng suất tăng gấp đôi và giá thành bán ra cao hơn 200.000 đồng/tấn, so với cách làm truyền thống. Kỹ thuật kê bùn trên cát được bà chia sẻ, đầu tiên làm mặt bằng thật kỹ, đây là một trong những khâu rất quan trọng. Tiếp theo, kê bùn dày 10cm, tiếp tục rải cát dày khoảng 3cm rồi trải bạt và cuối cùng đưa nước vào. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, bà đã sản xuất được 1.200 tấn muối, doanh thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 700 triệu đồng. Nhờ vào sản xuất muối mà bà cất căn nhà trên 2 tỷ đồng.

img

Bà Tân đang ứng dụng máy móc phục vụ thu hoạch, rút ngắn được công lao động, giảm chi phí

Muối của gia đình bà hiện đã được mở rộng, không chỉ cung cấp TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn mở rộng thị trường cho một số tỉnh lân cận. Bà bật mí, sẽ đầu tư nhà xưởng làm một số sản phẩm sau muối. Cơ sở của bà đang tạo việc ổn định cho 15 - 20 lao động có thu nhập, với mức lương từ 4- 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lê Văn Nghĩa (một công nhân đang làm việc tại cơ sở của bà Tân) cho biết: “Tôi đã gắn bó làm ở đây được 5 năm, lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống ở đây ổn định hơn so với nghề làm tôm trước đây, công việc đều đặn, không còn lo bữa đói bữa no nữa”.

img

Sản phẩm sau muối đang được bà Trần Thị Tân thử nghiệm

Theo Hội Nông dân huyện Ninh Hải, hộ bà Tân rất tích cực tham gia các phong trào điển hình, vận động nông dân sản xuất muối sạch, tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt, là hộ tiên phong trong việc mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật kê bùn trên cát vào sản xuất muối giúp nâng cao thu nhập

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem