Bà Trương Mỹ Lan và cú lừa lớn nhất trong lịch sử tố tụng
Đại án Vạn Thịnh Phát: Từ "cú lừa" 42.000 trái chủ đến trong sạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp
H.Anh
Thứ ba, ngày 05/03/2024 10:56 AM (GMT+7)
Con số 42.000 trái chủ trong đại án Vạn Thịnh Phát. Đây cũng là vụ án có số bị hại lớn nhất trong lịch sử tố tụng, lớn gấp gần 10 lần số nạn nhân vụ án lừa đảo tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và gấp 6 lần với con số 6.600 nhà đầu tư "bị lừa" trong vụ án Tân Hoàng Minh.
Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử bà Trương Mỹ Lan từ ngày hôm nay (5/3) và dự kiến kéo dài đến 29/4 (giai đoạn 1).
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố các tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tội Tham ô tài sản.
Ngoài 3 tội danh trên, bà Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều tra, truy tố, xét xử các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thuộc giai đoạn 2 của đại án Vạn Thịnh Phát.
Trước đó, theo cơ quan điều tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư thông qua việc phát hành trái phiếu.
Cụ thể, cơ quan điều tra xác định từ năm 2018 - 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức đã thực hiện các hành vi gian dối, vi phạm quy định pháp luật để tạo ra 25 gói trái phiếu. Các mã trái phiếu bao gồm ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã khác từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20.
Đại án Vạn Thịnh Phát: Bị hại lớn nhất lịch sử, "cú bồi" cho khủng hoảng thị trường trái phiếu
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như một kênh cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế là trọng tâm chính sách trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Thị trường TPDN không chỉ giúp giảm tải cho thị trường tiền tệ (tín dụng từ các ngân hàng) mà còn giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, Chính phủ đã đặt mục tiêu dư nợ thị trường TPDN phải đạt 20% GDP vào năm 2025 (hiện nay vào khoảng 10%GDP).
Thế nhưng, sau "vụ bê bối" trái phiếu Tân Hoàng Minh vào tháng 4/2022, thị trường TPDN chính thức rơi vào đỉnh điểm của khủng hoảng với "cú bồi" 30.000 tỷ đồng trái phiếu trong vụ Vạn Thịnh Phát – SCB của bà Trương Mỹ Lan. Nhà đầu tư "sốc" tâm lý, thị trường TPDN bị ảnh hưởng, gần như đóng băng trong quý IV/2022 và quý I/2023 khi không có TPDN nào phát hành.
Hiện tượng "chưa từng có trong lịch sử" của thị trường này đó là làn sóng bán tháo TPDN bằng mọi giá, bất chấp doanh nghiệp phát hành khỏe hay yếu. Việc tháo chạy khỏi trái phiếu thậm chí lan sang các quỹ trái phiếu và đẩy nhiều quỹ đầu tư trước nguy cơ mất thanh khoản tạm thời, hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Đối với các doanh nghiệp phát hành, câu chuyện "bán mình" trả nợ trái phiếu cũng trở thành làn sóng "không thể cưỡng lại". Danh sách các "đại gia" không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, tìm cách giãn, hoãn với trái chủ không ngừng gia tăng. Chưa khi nào, những cụm từ doanh nghiệp cạn tiền, "thiếu máu", "tắc" dòng tiền lại được nhắc nhiều đến thế. Nợ xấu trái phiếu có thời điểm theo ước tính của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm, có thể lên tới 40%. Đây đều là hệ lụy khi niềm tin của các thành viên tham gia thị trường suy giảm mạnh khi các sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị phanh phui.
Thị trường phát đi cảnh báo rằng, bong bóng nợ trái phiếu doanh nghiệp "phát nổ", dẫn đến mối lo ngại về sự đổ vỡ dây chuyển của thị trường này trong năm 2023.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Ngay cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng lùi thời hạn áp dụng 1 năm đối với các quy định: xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm; và bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu…
Tới ngày 5/3/2023, Chính phủ ra Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65, trong đó có quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đó là thời điểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu ấm dần lên.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2023 là sự ra đời của sàn TPDN riêng lẻ. Trong đó, lợi ích đầu tiên và rõ nét nhất của sàn giao dịch thứ cấp, đó chính là sự minh bạch cho thị trường và tăng cường thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp. Đây là điểm cốt yếu cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường trái phiếu trong giai đoạn tới.
Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường như chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sở Giao dịch chứng khoán chịu trách nhiệm rà soát việc chấp hành quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp,... Đồng thời, Bộ này cũng đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này.
11 ngân hàng cũng rơi vào tầm ngắm và bị thanh tra đột xuất về hoạt động trái phiếu doanh nghiệp. Cuộc thanh tra đã "chỉ mặt điểm tên" các ngân hàng có vi phạm.
Ngoài ra, để tăng cường tính minh bạch cho thị trường TPDN, tháng 9/2023, Bộ Tài chính đã cấp phép hoạt động thêm 1 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, nâng số doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam lên con số 3 (là: FiinRatings, Saigon Ratings, VIS Rating). Hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Niềm tin nhà đầu tư đang trở lại
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã đạt hơn 9.400 tỷ đồng, con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Một thống kê khác thể hiện, trong năm 2023, tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu toàn thị trường đạt đỉnh ở mức 15% vào tháng 10 sau đó giảm dần về mức 14,7% vào cuối tháng 12.
Như vậy có thể thấy, mặc dù các sự kiện vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình giải quyết, nhưng những con số này là tín hiệu cho thấy cuộc "gạn đục khơi trong" trên thị trường trái phiếu đã giúp cho niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện.
Niềm tin trở lại, nhưng giới phân tích cho rằng, để niềm tin này đủ lớn khỏa lấp phần còn thiếu trên bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ cần thêm những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, Nghị định 08/2023/NĐ-CP là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền - hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản hoặc các tài sản khác. Đây là chính sách chưa từng có, không những gỡ khó cho thị trường TPDN mà còn là mấu chốt rất quan trọng tháo gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản. Thời gian tới, theo ông Lực cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách kiến tạo cho thị trường phát triển.
"Chúng ta phải bắt đầu sớm để thực hiện tốt hơn Nghị định 65 thời gian tới, như sớm cấp phép cho các công ty xếp hạng tín nhiệm để họ bắt đầu vận hành, cởi mở hơn với kênh phát hành ra công chúng và củng cố nền tảng nhà đầu tư", TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Ông Lực cũng cho rằng, dù đã rất nỗ lực song rõ ràng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt năng lực, công cụ cho đội ngũ này vẫn có hạn chế nhất định. Vì vậy, thời gian tới cần củng cố thêm năng lực cho đội ngũ thanh tra, giám sát đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không, đồng thời cần có giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán vào năm 2024, từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.