Ba từ khóa quan trọng để phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mê Kông

Mạnh Tiến Thứ sáu, ngày 07/06/2024 12:55 PM (GMT+7)
Sự khác biệt của các quốc gia khu vực sông Mê Kông về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước đã đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao khu vực
Bình luận 0

Ngày 7/6, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo quốc tế về "Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông" nhằm tìm ra các giải pháp phát triển bền vững ở khu vực giàu tài nguyên này.

Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu cả trong nước và quốc tế. 

Phát biểu khai mạc, TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, với sự phát triển kinh tế nhanh trong khu vực sông Mê Kông đã gây ra những tác động đến môi trường, nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của người dân khu vực. 

Bên cạnh đó, sự khác biệt của các quốc gia khu vực sông Mê Kông về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước đã đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao khu vực....

Ba từ khóa quan trọng để phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mê Kông - Ảnh 1.

TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng sự hiện diện của đông đảo các khách mời, nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước là minh chứng cho sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với khu vực sông Mê Kông. Ảnh: Mai Hương

TS Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tư pháp nhấn mạnh ba từ khóa quan trọng: Hợp lý, Công bằng, Bền vững trong việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mê Kông trước nhiều thách thức về sự khai thác không hợp lý nguồn tài nguyên và vấn đề an ninh vùng sông nước Mê Kông.

Ba từ khóa quan trọng để phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mê Kông - Ảnh 2.

TS Nguyễn Hữu Huyên nhận định, hội thảo có ý nghĩa rất lớn và hy vọng các kết quả đạt được sẽ góp phần cải thiện chính sách nhằm bảo vệ lợi ích của người dân khu vực sông Mê Kông. Ảnh: Mai Hương

Mở đầu hội thảo là bài tham luận về vấn đề "Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông theo quy định của luật quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" của GS.TS Nguyễn Hồng Thao – thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc. 

Tác giả đã đưa ra khung pháp lý quốc tế và khu vực về phát triển bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu tại tiểu vùng sông Mê Kông. Đặc biệt, GS Thao nhấn mạnh nguyên tắc phát triển bền vững an toàn hiệu quả và không được ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác.

Ba từ khóa quan trọng để phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mê Kông - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và các nước như Thái Lan, Campuchia, Nga,... đã trao đổi sôi nổi tại hội thảo. Ảnh: Mai Hương

Tham luận thứ hai về "Thách thức biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long: Chiến lược quản lý tài nguyên nước và bảo vệ sự bền vững của cộng đồng" của PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí – Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ.

TS Trí đã đặt vấn đề về việc nước biển dâng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hậu quả của nó đối với cuộc sống của người dân khu vực. Từ đó tác giả đưa ra các giải pháp như: Khung nghiên cứu mang tính tổng thể để giải quyết vấn đề phức tạp từ các cơ quan có thẩm quyền Trung ương đến địa phương; Các biện pháp gắn liền giữa tự nhiên với phát triển kinh tế - xã hội... Ngoài ra, cần chủ động liên kết quốc tế để giải quyết các vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận về Khai thác tài nguyên nước trên sông Mê Kông, Đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư bảo đảm quyền con người nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mekong,... 

Hội thảo dự kiến kéo dài đến chiều ngày 7/6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem