Baby Reindeer: Từ đời thực đến phim ảnh, liệu tất cả chúng ta đều cần một “cốc nước chữa lành”?

Thế Hiển (Theo Forbes, The Times, The Edit, Daily Mail) Thứ ba, ngày 07/05/2024 13:30 PM (GMT+7)
41.071 email, 350 giờ thư thoại, 744 tweet, 106 trang thư và nhiều món quà kỳ lạ là trải nghiệm kinh hoàng của nhân vật Richard Gadd khi bị một người phụ nữ đeo bám. Từ đời thật đến phim ảnh, bộ phim là hồi chuông cảnh báo về quyền riêng tư, nạn xâm hại tình dục khi bất kì ai đều có thể là nạn nhân.
Bình luận 0

Cảnh báo: Bài viết có chứa một số nội dung liên quan bao gồm cốt truyện và các tình tiết diễn ra trong series “Baby Reindeer”.

Baby Reindeer: Từ một câu chuyện có thật

“Baby Reindeer” (Tên tiếng Việt: Tuần lộc bé con) là series ngắn tập thuộc thể loại hài kịch đen được phát trên nền tảng xem phim trực tuyến Netflix. Trình làng vào giữa tháng 4, bộ phim nhanh chóng nhận về phản hồi tích cực trên chuyên trang Rotten Tomato với 98% trong số 43 nhà phê bình đánh giá tích cực và điểm trung bình đạt 8,8/10. 

Theo số liệu do chính Netflix cung cấp cho thấy, “Baby Reindeer” đã có tổng 140,2 triệu giờ xem và tổng cộng 35,3 triệu người xem trong 2 tuần kể từ ngày ra mắt. Với tống số giờ xem, và lượt xem khủng, series là một điểm sáng trong những bộ phim phát hành độc quyền trên nền tảng này trong năm nay.

Baby Reindeer: Từ đời thực đến phim ảnh, liệu tất cả chúng ta đều cần một “cốc nước chữa lành”?- Ảnh 1.

Poster cho bộ phim “Baby Reindeer” đang “làm mưa làm gió” tại nhiều quốc gia. Ảnh: IMDb

“Baby Reindeer” xoay quanh nhân vật Donny Dunn (do Richard Gadd thủ vai, cũng là nhân vật trong câu chuyện có thật) với ước mơ trở thành một nghệ sĩ hài độc thoại chuyên nghiệp đang mắc kẹt với công việc nhàm chán tại một quán rượu ở London. Sự xuất hiện của Martha (do Jessica Gunning thủ vai) đã đảo lộn cuộc sống của Donny sau khi cô đến quán bar và được anh chàng mời một cốc trà miễn phí. Cốc trà đó như liều thuốc chữa lành tâm hồn người phụ nữ trung niên với nội tâm phức tạp, kể từ đó, Martha đến quán bar mỗi ngày và liên tục gửi những tin nhắn với nội dung gợi dục khiến Donny đứng ngồi không yên.

Martha - người lúc bấy giờ tự xưng là luật sư vốn từng đi tù vì tội quấy rối đã cản trở mối quan hệ đang trên đà phát triển của Donny với bạn gái chuyển giới Teri. Sau mọi nỗ lực với sự giằng xé nội tâm về việc công khai việc hẹn hò với người phụ nữ chuyển giới, Donny đã tạm thời kéo Martha ra khỏi cuộc sống của mình.

Baby Reindeer: Từ đời thực đến phim ảnh, liệu tất cả chúng ta đều cần một “cốc nước chữa lành”?- Ảnh 2.

“Tuần lộc bé con” do Richard Gadd - chính nhân vật có trải nghiệm ngoài đời thật viết kịch bản và thủ vai nam chính. Ảnh: Den of Geek

Trong nỗ lực báo cảnh sát về Martha, khi viên cảnh sát hỏi tại sao anh ta lại mất nhiều thời gian như vậy để báo cáo cô ấy, Donny nhớ lại vài năm trước, lúc đang tìm cho mình một chỗ đứng trong lĩnh vực hài kịch, anh có cơ hội gặp Darrien, biên kịch của một chương trình truyền hình thành công. Darrien nhận cố vấn cho anh nhưng thực chất sự giúp đỡ đó là một cái bẫy. Darrien khuyến khích Donny sử dụng chất kích thích và tấn công tình dục anh trong lúc phê pha. Những tổn thương trong quá khứ khiến Donny vừa đồng cảm với Martha vừa cảm thấy sợ hãi trước sự quấy rối vô độ mà người phụ nữ trung niên này mang đến.

Bộ phim kết thúc bằng cảnh Donny khóc sướt mướt ở một quán rượu sau những biến cố. Chia sẻ với nỗi thống khổ anh chàng đang trải qua, người phục vụ đã mời Donny một cốc nước miễn phí. Liệu pháp chữa lành này khiến anh chàng nhớ lại ngày đầu gặp lại Martha. Có lẽ, cô ấy cũng từng trải qua những biến cố ngày được Donny mời cốc trà.

Điều khiến cho bộ phim trở nên thu hút không chỉ nằm ở một kịch bản chặt chẽ hay diễn xuất tài tình, mà còn nằm ở chi tiết đắt giá nhất: Đây là một câu chuyện có thật được tái hiện lại bởi chính nạn nhân.

“Baby Reindeer” đã khắc họa lại câu chuyện có thật về diễn viên hài người Scotland - Richard Gadd bị rình rập và quấy rối bởi người phụ nữ trung niên (danh tính được thay đổi bằng tên nhân vật Martha trong bộ phim) trong những năm tuổi 20 của anh chàng. 

Trong hơn 4 năm rưỡi, người phụ nữ này đã gửi cho anh 41.071 email, 350 giờ thư thoại, 744 tweet, 46 tin nhắn trên Facebook, 106 trang thư và nhiều món quà kỳ lạ, bao gồm đồ chơi tuần lộc, thuốc ngủ, một chiếc chăn len, mũ và quần lót. Cô theo dõi Gadd bên ngoài nhà, nơi làm việc và trên sân khấu trong các câu lạc bộ hài kịch, thậm chí còn quấy rối những người thân yêu của anh, bao gồm cả bố mẹ anh và một phụ nữ chuyển giới mà anh đang hẹn hò.

Gadd nói trong một cuộc phỏng vấn với thời báo The Times của Anh: “Lúc đầu mọi người ở quán rượu đều nghĩ thật buồn cười khi tôi có một người luôn theo đuổi. Sau đó, cô ấy bắt đầu xâm chiếm cuộc sống của tôi, theo dõi tôi, xuất hiện tại buổi biểu diễn của tôi, đợi bên ngoài nhà tôi, gửi hàng nghìn thư thoại và email. Tôi đã trải qua hai cuộc điều tra của cảnh sát trong đời và cả hai đều vô cùng kinh hoàng một cách nực cười. Đó là một quá trình ác mộng và phải mất nhiều năm”.

Ai là nạn nhân, ai là kẻ phạm tội?

Trong 7 tập phim với tổng thời lượng gần 4 giờ đồng hồ, khán giả không ngừng thấp thỏm trước những hành động kỳ quặc nhuốm màu “điên loạn” mà nữ chính thực hiện nhằm thu hút sự chú ý của Donny. Không dừng lại ở đó, series thu hút sự chú ý của công chúng bởi những câu chuyện có tính liên kết cao, những cám dỗ khó lường và những mâu thuẫn nội tại vốn luôn có mặt trong chính chúng ta.

Vì sao Donny biết rõ Martha từng phải đi tù nhưng vẫn năm lần, bảy lượt dung túng cho các hành vi của cô? Chi tiết này có thể giải thích rõ nhất qua việc Martha đã giúp cho tiết mục hài kịch của Donny trở nên thú vị hơn, làm cho anh chàng có niềm tin về con đường sự nghiệp của mình. Sự đồng cảm xen lẫn việc được khẳng định giá trị bản thân với Martha nhiều lần khiến Donny mờ mắt trước những hành động bệnh hoạn của người phụ nữ này.

Baby Reindeer: Từ đời thực đến phim ảnh, liệu tất cả chúng ta đều cần một “cốc nước chữa lành”?- Ảnh 3.

Jessica Gunning - Nữ diễn viên thủ vai Martha được dự đoán sẽ mang về đề cử giải Emmy cho “Nữ chính xuất sắc trong series ngắn tập” với diễn xuất đầy ám ảnh của mình. Ảnh: HELLO! Megazine

Không dừng lại ở một lời cảnh báo về việc bị xâm hại về thể chất, bộ phim còn lan tỏa thông điệp hết sức đáng báo động về việc duy trì sức khỏe tinh thần lành mạnh. Đặc biệt là đối với nhiều người trẻ khi những cám dỗ xung quanh luôn chứa đựng sức hấp dẫn ma mị.

Ngày 26/4, sau khi bộ phim được Netflix phát hành, người phụ nữ được cho là nhân vật Martha ngoài đời thật chia sẻ với Daily Mail rằng cô ấy đang cân nhắc khởi kiện Gadd. Người phụ nữ khẳng định: “Giờ đây Gadd mới là người “ám ảnh” về cô. Anh ấy đang sử dụng “Baby Reindeer” để theo dõi tôi. Tôi là nạn nhân, anh ấy đã viết một vở kịch hết sức tồi tệ về tôi.”

Người này cũng chỉ trích kịch bản của Gadd là “bắt nạt một phụ nữ lớn tuổi trên truyền hình vì danh tiếng và tiền bạc” và cô ấy đã nhận được những lời quấy rối và dọa giết từ những người ủng hộ Richard Gadd. “Tôi chưa bao giờ sở hữu một con tuần lộc đồ chơi và tôi cũng không có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với Richard Gadd về một món đồ chơi thời thơ ấu” - Nhân vật nhấn mạnh.

Baby Reindeer: Từ đời thực đến phim ảnh, liệu tất cả chúng ta đều cần một “cốc nước chữa lành”?- Ảnh 4.

Hiện cuộc sống của nhiều nhân vật được cho là liên quan đến bộ phim đang bị đảo lộn vì hàng loạt cuộc điều tra danh tính đang được cư dân mạng thực hiện. Ảnh: Screen Rant

Trong một cuộc phỏng vấn với The Edit của BBC Scotland, Jessica Gunning (trong vai Martha) đã lên tiếng về việc truy lùng và suy đoán về những nhân vật được nhắc đến trong “Baby Reindeer”.

“Nếu bạn là một người hâm mộ yêu thích bộ phim, bạn nên gắn bó với câu chuyện về Martha và Donny. Mọi hành vi cố gắng thực hiện bất kỳ công việc thám tử nào để tìm ra bất kỳ danh tính thực sự của các nhân vật không phải là mục tiêu mà bộ phim hướng đến” cô nói.

Nữ diễn viên nói thêm rằng Netflix đã nỗ lực hết sức để bảo vệ danh tính của những người liên quan. "Richard Gadd đã thực hiện một công việc đáng kinh ngạc khi không làm cho câu chuyện trở nên quá rõ ràng. Vì thực sự không có ai hoàn toàn thiện hay ác, cũng chẳng có ai là nhân vật phản diện hay nạn nhân. Tất cả chúng ta đều là con người, những con người phức tạp” - Jessica Gunning cho hay.

Dù việc Martha cố tình đeo bám cuộc sống của nam chính về cơ bản là vi phạm quyền riêng tư, thế nhưng việc định đoạt đúng sai không nằm trong kịch bản. Liệu Donny đang là nạn nhân trong câu chuyện hay cũng chính là người khơi mào mọi sự việc xảy ra trong đời anh? Câu trả lời nằm trong 7 tập phim “Baby Reindeer” hiện đang được trình chiếu trên ứng dụng xem phim trực tuyến Netflix.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem