Bắc Giang: Dân dị ứng lò rác thủ công, lãnh đạo quyết "chơi sang"

Thứ bảy, ngày 09/06/2018 07:00 AM (GMT+7)
Sau hơn ba tháng đưa vào vận hành, lò đốt rác xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã khẳng định hiệu quả, tạo sự tin tưởng trong nhân dân, giảm lượng rác thải tồn lưu, góp phần bảo vệ môi trường tại địa bàn.
Bình luận 0

Công trình lò đốt rác có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Điểm mới của hệ thống này là công nhân chỉ cần phân loại rác tại nguồn, sau đó đưa vào trong khoang đốt bằng hệ thống băng tải và pít tông thay vì phải trực tiếp đổ rác như một số lò thông thường. Công suất lò đốt đạt khoảng 1 tấn rác/giờ, bảo đảm xử lý rác cho xã Thanh Hải và một số xã lân cận.

img

Tổ vệ sinh môi trường xã Thanh Hải vận hành lò đốt rác.

"Mục sở thị" công trình vào một ngày cuối tháng 5, đúng thời điểm lò đang vận hành, chúng tôi không thấy khói đen; không có mùi hôi hám như đến một số lò đốt rác thông thường. Ông Dương Văn Hùng, thôn Phố Xã đang làm vườn gần bãi rác cho biết: “Ban đầu, người dân trong thôn lo lắm, không muốn đặt lò đốt tại đây vì sợ ảnh hưởng đến cây cối và sức khỏe con người. Sau nhiều tháng lò vận hành, giờ đây chúng tôi đã yên tâm rồi, vải thiều, cam, quýt sinh trưởng, phát triển tốt mà người dân cũng không phải hứng mùi khó chịu”.

Theo đại diện lãnh đạo xã Thanh Hải, vị trí đặt công trình xử lý rác thải hiện nay vốn từng có một lò rác thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, người dân rất “dị ứng” khi xã triển khai xây công trình xử lý rác mới. Trước trở ngại đó, xã huy động cấp ủy, chính quyền vào cuộc tuyên truyền và cam kết thực hiện lời hứa với dân; tuyệt đối không để công trình ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nhờ kiên trì vận động, cuối cùng bà con thôn, xóm đã đồng thuận. Tranh thủ sự ủng hộ, xã đề nghị nhà thầu gấp rút thi công, góp phần đưa Thanh Hải là địa phương đầu tiên của huyện lắp đặt lò đốt rác tập trung, công nghệ cao. 

img

Toàn bộ nước thải chứa trong rác đều được lọc, xử lý thông qua công nghệ, bể trước khi thải ra môi trường.

Xã cũng đã thành lập tổ vệ sinh môi trường, khoảng hai ngày một lần, vào đầu giờ sáng và cuối buổi chiều, các thành viên trong tổ sẽ thu gom rác thải, vận chuyển rác đến khu vực tập kết; sau đó được đốt triệt để, không lưu cữu.

Từ khi có tổ thu gom rác và công trình lò đốt, người dân trong xã đã hình thành thói quen để rác vào thùng chứa thay vì vứt ra cống rãnh, mương và bờ ruộng, vườn như trước kia; làng quê phong quang, sạch đẹp.

Được biết, để duy trì hoạt động của lò đốt, hiện đơn vị chuyên môn của huyện đang hướng dẫn các xã thành lập hợp tác xã vệ sinh môi trường, xây dựng quy chế vận hành, thu phí vệ sinh. Huyện trích kinh phí hỗ trợ lò rác từ 4-5 suất lương/tháng cùng các chế độ đãi ngộ khác cho công nhân quản lý, vận hành lò.

Thực tế cho thấy, lắp đặt lò đốt rác tại xã Thanh Hải là thành công bước đầu của huyện Lục Ngạn về xử lý rác thải. Bởi lẽ, xử lý rác thải sinh hoạt tại Lục Ngạn luôn là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều thời điểm, rác thải lưu cữu ở thị trấn Chũ và một số địa bàn khác không được thu gom, gây ô nhiễm nặng. 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đã tổ chức một số đoàn của các xã tham quan thực tế. Qua nắm bắt thì đa phần người dân đã nhận thấy được những lợi ích của lò đốt. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ lắp đặt ba lò hoạt động theo quy trình như tại xã Thanh Hải thuộc các xã gồm: Biển Động, Phượng Sơn, Tân Hoa. Hiện nay, tổ công tác của huyện cùng chính quyền cơ sở tiếp tục kiên trì bám làng, xã tuyên truyền, vận động bà con.

Trường Sơn (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem