Công nghệ xử lý rác tiên tiến cũng gặp khó ở Việt Nam

Tố Loan Thứ năm, ngày 07/06/2018 06:21 AM (GMT+7)
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà thừa nhận chưa có công nghệ xử lý rác thải phù hợp với Việt Nam, trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường, do đó vấn đề ô nhiễm rác thải vẫn vô cùng nhức nhối.
Bình luận 0

Lấn biển thay vì nhận chìm

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định điều đó khi trả lời đại biểu (ĐB) Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương). ĐB Hoàng Quốc Thưởng đã đặt câu hỏi: “Theo báo cáo, hiện Formosa mới tiếp tục vận hành lò cao số 2, các biện pháp giám sát thường xuyên, đột xuất của Bộ TNMT và các địa phương liệu có thực sự đảm bảo. Bài học về Formosa rất đắt giá, xin hỏi Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa sẽ không gây ra sự cố tái diễn như trước đây không?”.

img

   Công nghệ xử lý rác tiên tiến về Việt Nam cũng chỉ chạy 3-4 tháng là không đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: T.L

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, rác thải Việt Nam khác với thế giới. Nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Theo đánh giá của Bộ TNMT, với thành phần rác hiện nay thì công nghệ đó là chưa phù hợp. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường.

“Nói về Formosa, chúng ta đã thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý. Chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công nghệ giám sát trực tuyến. Có 3 mức đề phòng sự cố: Nơi sản xuất, trong nhà máy, ngoài nhà máy. Hồ sinh học hiện nay nước có thể đạt loại A. Giám sát khâu nào chặt chẽ khâu đó thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm được. Với Formosa, tôi báo cáo để đại biểu yên tâm” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời.

Cũng liên quan đến môi trường biển, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị không thực hiện giải pháp nhận chìm chất thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống biển. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng ý và đề nghị địa phương cùng với doanh nghiệp nghiên cứu phương án thay vì nhận chìm thì lấn biển.

“Tôi hoan nghênh ý kiến của đại biểu, đề nghị địa phương và doanh nghiệp khảo sát các vị trí có thể lấn biển. Còn nếu không thực hiện được phương án này, thì trong 50 năm tới khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 vẫn hoạt động, chúng ta phải có các giải pháp khác để xử lý môi trường. Hiện nay trên thế giới cũng có nhiều phương pháp để xử lý” - ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định sẽ không có Formosa thứ 2, đồng thời cam kết trước Quốc hội về việc thực hiện các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.

Chưa có công nghệ xử lý rác thải phù hợp

img

Rác thải ở Việt Nam chủ yếu chôn lấp, vừa tốn kém vừa lãng phí.  Ảnh: T.L

Trả lời chất vấn của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về xử lý chất thải rắn, ông Trần Hồng Hà cho biết: "Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp. Thời gian qua, sự phối hợp giữa các bộ không tốt. Nếu để một bộ làm sẽ không đủ năng lực xử lý, cần có sự phối hợp tốt hơn". Bộ trưởng Bộ TNMT cũng cho hay, rác thải Việt Nam khác với thế giới. Nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Theo đánh giá của Bộ TNMT, với thành phần rác hiện nay thì công nghệ đó là chưa phù hợp. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường.

"Nhiều nhà máy rác đưa vào đầu tư kinh phí lớn song thực tế không vận hành được, lãng phí. Chúng ta phải thống nhất khi ký hợp đồng với các công ty, ngoài thoả thuận về giá thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường; nếu không đáp ứng thì buộc phải đóng cửa số nhà máy này" - ông Hà nói. Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TNMT, ĐB Trương Trọng Nghĩa tranh luận, doanh nghiệp trong nước cho biết có công nghệ xử lý rác tiên tiến không cần phân loại, không tốn công sức, thậm chí có thể sản xuất điện từ rác... nhưng lại gặp sự cạnh tranh của công ty nước ngoài, trong khi công nghệ của nước ngoài không bằng.

Bộ trưởng Hà thừa nhận, việc xử lý rác thải đang gặp vướng mắc. 60% rác thải ở địa phương là rác thải hữu cơ có thể xử lý trong khuôn viên hộ gia đình. Rơm rạ có thể xử lý thành phân bón cho đất. Tuy nhiên, rác thải ở Việt Nam không chỉ là rác hữu cơ, còn có pin, thuỷ ngân... nên cần công nghệ xử lý phù hơp.

Cũng liên quan tới vấn đề rác, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: “Tôi chăm chú nghe và chia sẻ nhiều với các vị ĐB Quốc hội và với Bộ trưởng về xử lý rác thải. Mỗi năm nước ta có 12 triệu tấn rác thải, tăng thêm bình quân 9% tức là khoảng 1 triệu tấn. Chúng ta đã sử dụng lượng vốn ngân sách và vốn ODA rất lớn cho các nhà máy và doanh nghiệp xử lý rác thải ở Hà Nội, TP.HCM. Ví dụ, ở TP.HCM, bãi rác Đa Phước mỗi ngày là 100.000USD, khoảng 23-24 tỷ đồng để xử lý. Nhà Việt kiều này về đầu tư đã hứa rằng sẽ xử lý rác thải theo như ý của Bộ trưởng là sẽ phát điện, làm phân bón compost..., nhưng hầu hết chúng ta đều chôn gây ô nhiễm môi trường và ở đây dẫn đến vấn đề tốn kém ngân sách và ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn ODA. Tôi cho rằng chúng ta còn chưa quản lý tốt và chưa quản lý có hiệu quả”.

Đáp lời, Bộ trưởng TNMT cho rằng với 12 triệu tấn rác thải, nếu ta không huy động toàn xã hội tham gia xử lý từ nguồn thì sẽ rất phức tạp. Tại nông thôn, người dân có thể được hướng dẫn tự xử lý phân loại. Đối với loại khác thì phải tái chế sử dụng, chuyển thành nhiệt năng hoặc chuyển thành phân vô cơ. “Chúng ta không đánh giá lại quá khứ nữa. Từ nay cần phải lựa chọn công nghệ. Quan điểm rõ ràng phải dựa vào khối tư nhân và cần cơ chế để khối tư nhân tham gia được. Bằng trí tuệ, nhân lực, nguồn vốn của Việt Nam để xử lý. Có nhiều mô hình đã được thực hiện và được đánh giá cao” - Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

"Cần nói không với nhập khẩu phế liệu"

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng lo lắng việc nhập khẩu phế liệu về Việt Nam khá lớn, 3 tháng nhập hơn một triệu tấn sắt phế liệu. "Nhập như vậy nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp, phóng xạ" - ông Dũng lo lắng. Trả lời việc này, Bộ trưởng Bộ TNMT cho hay, việc nói không với nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng. Bối cảnh hiện nay Việt Nam không đủ năng lực công nghệ xử lý chất thải thì việc nói không với nhập khẩu phế liệu, chất thải là cần thiết" - ông Hà nói.

Bộ trưởng Hà nói thêm, với phế liệu sắt thép thì có thể kiểm soát được vấn đề môi trường. Tuy nhiên, nếu các nhà máy xây dựng tập trung ở khu đông dân cư cũng có thể phát sinh vấn đề ô nhiễm. Vì thế, ông cho rằng việc cấp phép, bố trí các dự án sản xuất, luyện thép phải thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo khoảng cách bán kính an toàn với người dân. Về tổng thể, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu, chất thải. ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) có ý kiến: Hiện nay có nhiều dự án đầu tư và cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động sử dụng công nghiệp lạc hậu gây ô nhiễm ở một số địa phương. Tình hình vấn đề này hiện nay ra sao, nguyên nhân và giải pháp khắc phục? Các doanh nghiệp ở địa phương xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị yêu cầu ngừng sản xuất để xử lý. Để ngừng sản xuất phải sử dụng các biện pháp mạnh như dừng cấp điện, nhưng điều này lại vi phạm Luật Điện lực nên ngành điện vẫn phải cấp. Trên thực tế quyết định của địa phương không có hiệu lực. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp?

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bộ đã có phân công đánh giá quy mô nguồn thải như thế nào thì sẽ do cấp đó quản lý. Bộ đang có lộ trình các doanh nghiệp có bao nhiêu lỗi thì phải khắc phục trong thời hạn bao lâu. Đến thời điểm cần mà không đáp ứng thì sẽ sử dụng chế tài mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem