Bắc Giang: Phát triển sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị nông sản địa phương

Nguyễn Kế Thứ năm, ngày 19/10/2023 08:00 AM (GMT+7)
Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP đã tạo sức bật mới, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị nhiều loại sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bình luận 0

OCOP trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa tại Bắc Giang

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong đó, vùng cây ăn quả gần 52.000 ha, gồm có vùng vải thiều tập trung 28.000 ha, vùng cây có múi gần 11.000 ha; ngoài ra vùng rau an toàn gần 12.000 ha, đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con… và 27 làng nghề đã được công nhận, cùng nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng.

Bắc Giang: Phát triển sản phẩm OCOP thành phong trào có sức lan tỏa - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu là thế mạnh của Bắc Giang đã có mặt tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cao cấp.

Đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, đặc biệt tỉnh cũng đã có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia, 01 sản phẩm điểm du lịch của gần 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó khoảng 88,3% sản phẩm của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 11,7% sản phẩm của các hộ gia đình; doanh thu ước tính trên 800 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân một HTX đạt khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm.

Là một trong số các HTX tiêu biểu của tỉnh trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, anh Đặng Huy Phong - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quyên Phong, thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên cho biết: "Dựa vào lợi thế nằm trên địa bàn vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh với quy mô lớn, được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; những sản phẩm trái cây của HTX được người tiêu dùng tin tưởng. Đặc biệt sản phẩm Ổi Tân Yên là một điển hình, đây là sản phẩm chủ lực của HTX đạt tiêu chuẩn VietGap.

Để tiếp tục quảng bá thương hiệu sản phẩm Ổi Tân Yên, HTX đã đưa sản phẩm Ổi Tân Yên tham gia đánh giá, phân hạng. Hiện tại Ổi Tân Yên đã có truy xuất nguồn gốc. Bà con nông dân tham gia sản xuất tại HTX cam kết cùng nhau xây dựng thương hiệu ổi sạch, kiên quyết loại bỏ các loại thuốc kích thích tăng trưởng, các loại hóa chất có hại mà cơ quan chức năng cấm sử dụng.

Bắc Giang: Phát triển sản phẩm OCOP thành phong trào có sức lan tỏa - Ảnh 2.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương, HTX nông nghiệp Quyên Phong từng bước xây dựng thương hiệu ổi sạch.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh Bắc Giang xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp khu vực nông thôn.

Xuất phát từ những tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh, những năm qua Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách để phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, có sức cạnh tranh cao và xuất khẩu

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao, theo ông Lê Bá Thành: Bắc Giang đã nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị doanh nghiệp trong quản lý chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện theo chu trình OCOP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả của chương trình. 

Cùng với đó là những kinh nghiệm đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử; kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP… giúp ngành nông nghiệp Bắc Giang có những định hướng phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Bắc Giang: Phát triển sản phẩm OCOP thành phong trào có sức lan tỏa - Ảnh 3.

Tỉnh Bắc Giang tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị nông sản.

Để phát triển và lan tỏa chương trình OCOP trên khắp địa bàn tỉnh, những năm qua, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang đã tăng cường hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể với trên 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hòa Bình,… và một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện, siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã vận dụng cơ chế, chính sách khác nhau hỗ trợ chủ thể sản xuất bổ sung các nội dung khác về chất lượng, bao bì, nhãn mác, đảm bảo theo yêu cầu của bộ tiêu chí phân hạng các sản phẩm OCOP. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm.

Đồn thời tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh theo hướng liên kết sản xuất.

"Đặc biệt, để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch… đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gia tăng giá trị lớn, có sức cạnh tranh cao và có khả năng xuất khẩu", ông Thành nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem