Bác Hồ - Biên tập viên tinh tế

Thứ ba, ngày 21/06/2011 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, NTNN trân trọng giới thiệu bài viết của cựu phóng viên TTXVN Đinh Chương, người đã có nhiều năm theo dõi, đưa tin về hoạt động của Bác Hồ.
Bình luận 0

Kỷ niệm về bài báo cuối cùng

Không kể nhiều năm viết báo ở nước ngoài thì Bác viết cho Báo Nhân Dân 18 năm liền từ 1951 đến 1969 với nhiều bút danh: Trần Lực, CS… Bài đầu tiên viết cho Báo Nhân Dân đăng số 2 là bài “Người đảng viên lao động VN phải như thế nào?”.

img
 

Có năm Bác viết 40 - 50 bài. Năm 1967: 11 bài, năm 1968: 5 bài, năm 1969: 4 bài. Số bài giảm dần cho đến ngày 1.6.1969, với bài cuối “Phải chăm sóc giáo dục thiếu niên và nhi đồng” được viết sau gần 20 ngày viết di chúc.

Ngày 1.6 cuối cùng ấy khi cánh phượng hồng nở đỏ chói và tiếng ve râm ran trong Phủ Chủ tịch vang lên, Bác thương nhớ các cháu nên viết: “Vì tương lai con em chúng ta, vì dân tộc, toàn Đảng, toàn dân phải chăm nom săn sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng cho tốt”.

Biên tập viên tài tình

Trong những năm chiến tranh, TTXVN là cơ quan hay được cử phóng viên đi cùng Bác để đưa tin. Thường sau khi phóng viên viết xong gửi lại cho Bác kiểm tra rồi TTX mới đưa tin. Có một lần trong bài tôi viết câu: “Các anh hùng chiến sĩ thi đua, trai gái, già trẻ…”, Bác cầm bút mực đỏ, vòng ngược hai chữ “trai gái” thành “gái trai” và dạy:

- Nói “trai gái” dễ xui người ta nghĩ tới việc không đẹp không hay. Vả chăng, chế độ ta tôn trọng phụ nữ, nên đổi gái trước.

Lần khác, tôi đặt đầu bài: “Đoàn nghệ thuật Trung Quốc yết kiến Hồ Chủ tịch”. Tôi nghĩ: Đoàn này không phải là đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, cũng không phải đoàn nhân vật quan trọng cấp cao, cho nên đoàn có nhiệm vụ yết kiến Bác.

img Đối với người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng. img

Hồ Chủ Tịch

Bác lấy bút vòng ngược và thêm một từ thành: “Hồ Chủ tịch tiếp đoàn Nghệ thuật Trung Quốc”.

Bác nói: Đoàn này do Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhân dân Trung Quốc và Mao Chủ tịch cử sang nước ta, cho nên Bác có nhiệm vụ thay mặt Đảng, Chính phủ, nhân dân ta tiếp đoàn.

Ba tuần sau, có đoàn đại biểu hòa bình Pháp đến Hà Nội và tới thăm Bác. Tôi được phân công viết tin này. Tôi cho rằng đoàn này gồm toàn ông tai to mặt lớn của Pháp như cựu Bộ trưởng, Viện sĩ Hàn lâm, Giáo sư đại học… thì Bác có nhiệm vụ tiếp. Tôi đặt đầu đề:

“Hồ Chủ tịch tiếp đoàn đại biểu hòa bình Pháp”. Bác lại cho một vòng ngược thành: “Đoàn đại biểu Hòa Bình Pháp yết kiến Hồ Chủ tịch”. Bác dạy đại ý: Đoàn này sang thăm nước ta, trong chương trình của họ có mục đến thăm Bác. Đầu đề phản ánh cô đúc nhưng phải sáng tỏ quan điểm lập trường, thái độ chính trị của ta.

Lời ít ý nhiều

Một lần trong tin tôi viết: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: “Năm ngoái các địa phương làm 107 cái cống, sau khi kiểm tra có 87 cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ từ cấp trên xuống dưới quan liêu, không nghĩ đến nhân dân, làm thiệt hại cho Nhà nước cho nhân dân. Nếu từ trên xuống dưới có tinh thần phụ trách thì không đến nỗi như thế”. Bác sửa lại: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm hơn 100 cái cống, sau khi kiểm tra có nhiều cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do các cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần phụ trách làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của nhân dân”.

Tôi viết ba câu, 60 từ, Bác sửa gọn lại 2 câu, 31 từ và phê phán cán bộ mạnh mẽ, thiết thực. Con số hỏng, Bác tránh không đưa để chúng ta hiểu nên cân nhắc lợi hại khi đưa con số.

Bác giáo dục, răn dạy các nhà báo nhiều lần, nhưng điều đặc biệt quan tâm là cái Tâm, đạo đức, bản lĩnh của nhà báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem