Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng

Thứ bảy, ngày 16/05/2020 10:44 AM (GMT+7)
Khi nhận ra chiếc rương gỗ, nơi cất giữ những đồ vật quý giá của gia đình, đôi bàn tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh run run lần theo mép rương.
Bình luận 0

Sau 51 năm xa cách, ngày 16/6/1957, Bác trở về thăm quê sau trong bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su.

Theo tư liệu, lúc lãnh đạo địa phương mời Bác về nhà khách nghỉ ngơi, Bác cười nói: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà trước đã”.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 1.

Nhân dân Nghệ An đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê năm 1957. Ảnh tư liệu.

Nói xong Bác bước nhanh về phía nhà mình. Ngay cạnh cổng tre, khi ấy có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”.

Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo: “Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”. Mọi người đồng thanh đáp: “Dạ, thưa Bác, đúng ạ”.

Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác (Nguyễn Sinh Sắc) đậu Phó bảng năm 1901.

Đứng lặng ngoài sân một lúc rồi Bác bước vào nhà. Nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: “Hồi xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc”.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 2.

Bàn thờ trong gia đình nhà Bác.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 3.

Bộ phản ngày xưa Bác nằm nghỉ.

Khi bước vào gian nhà trong, thấy tấm phản ngày xưa Bác và anh mình là cụ Cả Khiêm thường nằm, Bác thốt lên: “Ồ, bộ phản này vẫn còn, bà con giữ tài thật, nhưng hình như nó ngắn hơn thì phải?”.

Bà con thưa với Bác rằng trước khi chị gái Nguyễn Thị Thanh bị thực dân Pháp bắt có cho một người bà con trong họ hàng sử dụng. Mùa đông, khi nhà người bà con này đốt lửa sưởi đã làm cháy một đầu phản nên phải cắt ngắn đi.

Xung quanh tấm phản là nhiều vật dụng quen thuộc như án thư dùng đọc sách, chiếc võng bằng sợi đay, chiếc rương gỗ, tủ 2 ngăn, mâm gỗ sơn son, đèn đĩa…

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 4.

Chiếc rương gỗ và nhiều vật dụng khác.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 5.

Án thư nơi đọc sách, uống trà.

Rồi Bác trở ra phía trước vườn nhà nói: “Ngày trước, ở ngay cổng ra vào có cây ổi đào nhiều quả rất ngọt. Trước sân là cây bưởi, bên đầu hồi nhà có cây cam, sau nhà có hàng cau đẹp”.

Thấy Bác nhìn vườn khoai trước nhà, một vị cán bộ xin Bác cho trồng thay khoai bằng hoa cho đẹp. Bác cười bảo: “Hoa khoai vẫn đẹp đấy chứ…”.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 6.

Bác Hồ đứng trước mảnh vườn xưa trồng khoai lang ngày 16/6/1957.

Bác tiếp tục đi ra ngoài cổng bước sang bên phải, hướng về giếng Cốc là nơi Bác thường ra gánh nước về cho gia đình dùng. Bác bước hướng bên trái cổng và hỏi: “Trong này có lò rèn của cố Điền, nay còn không?”.

Cố Điền vốn là người hiền lành, thật thà và vui tính. Những lúc rảnh rỗi Bác thường ra lò rèn chơi và thỉnh thoảng còn giúp cố Điền một số việc nhỏ.

Lúc Bác đến nhà thờ họ Nguyễn Sinh thắp nhang viếng tổ tiên, đi một đoạn, Bác chỉ tay về phía trái hỏi nhà cố Phương, một người nghèo nhất xã Kim Liên nay có đủ ăn không?

Về thăm nơi cất tiếng khóc chào đời

Ngày 8/12/1961, lần thứ hai Bác Hồ về thăm quê Nghệ An. Lúc Bác xuống máy bay ở Vinh, các vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An mời Bác lên một chiếc xe ô tô kết hoa đợi sẵn ngoài cổng.

Bác nhìn một lượt xung quanh, rồi bất ngờ tiến đến chiếc xe con của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, rồi bảo các chiến sĩ bảo vệ tháo tấm bạt để Bác vẫy chào đồng bào đang đứng đón ở hai bên đường.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 7.

Bác Hồ xuống sân bay ngày 8/12/1961.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 8.

Bác ngồi lên xe tháo bạt vẫy tay chào đồng bào.

Khi về nhà khách Tỉnh ủy Nghệ An, Bác không đi vào khu vực tỉnh chuẩn bị đón mà đi thẳng xuống nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nâng mấy chiếc lồng bàn lên xem. Nhìn thấy trong mâm có cơm trắng và các món ăn thịnh soạn, Bác quay sang hỏi ông Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: "Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ?".

Bí thư Tỉnh ủy thưa: "Thưa Bác, hôm nay Bác về thăm quê nên cơ quan quyết định cho anh em được cải thiện, ngày thường không có đâu ạ".

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 9.

Bác thăm bếp ăn của Văn phòng cơ quan Tỉnh uỷ.

Đến giờ ăn cơm, Bác đem gói cơm độn ngô mà Người mang theo đem ra dùng, sau đó mới ăn cơm trắng do tỉnh chuẩn bị. Trong bữa ăn, Bác khen tương Nam Đàn và cà Nghi Lộc ngon và ăn rất ngon miệng với hai món đặc sản quê hương.

Ngày 9/12/1961, lần đầu tiên Bác về thăm làng Hoàng Trù nơi mình sinh ra, cất tiếng khóc chào đời ngày 19/5/1890. Người vô cùng xúc động khi thăm lại ngôi nhà, nơi Người đã cất tiếng khóc chào đời, nơi gia đình đã có những năm tháng đầm ấm, hạnh phúc.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 10.

Bác ngồi nói chuyện với nhân dân tại ngôi nhà của gia đình mình ở làng Hoàng Trù ngày 9/12/1961

Trước những kỷ vật thân thương của gia đình, Bác như được sống lại những năm tháng tuổi ấu thơ. Khi nhận ra chiếc rương gỗ, kỷ vật thiêng liêng của gia đình, đôi bàn tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh run run lần theo mép rương.

Nén xúc động quay ra, Người bảo: "Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn".

Chiếc rương gỗ là món quà ông bà ngoại cho mẹ ngày đi lấy chồng, nơi cất giữ những đồ vật quý giá của gia đình Bác và là nơi tuổi thơ Người đã men theo để chập chững tập đi.

Bác Hồ bùi ngùi bên rương gỗ ông bà ngoại cho mẹ ngày lấy chồng - Ảnh 11.

Bác Hồ gặp lại cụ Nguyễn Thuyên - người bạn thân thiết thời niên thiếu ở Hoàng Trù.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ngồi trước thềm nhà nói chuyện với bà con làng xóm. Giây phút thật xúc động khi Bác Hồ gặp lại cụ Nguyễn Thuyên, người bạn thân thiết đã cùng thả diều, câu cá thuở ấu thơ...

Nghe Bác nói, ai cũng xúc động, nghẹn ngào. Người bận trăm công ngàn việc, xa quê hơn 50 năm, vậy mà vẫn nhớ  từng người, từng việc nhỏ, từng nhà chòm xóm quanh mình như lời tâm tình của Bác: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao là tình” hay là “Chúng ta đoàn kết một nhà/Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”.

Phạm Huy - Phạm Tâm (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem