Bắc Kạn: Nhiều huyện gặp khó trong việc thực hiện khoán bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ rừng

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 06/12/2024 16:36 PM (GMT+7)
Năm 2024, nhiều địa phương tại Bắc Kạn gặp khó trong việc thực hiện khoán bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ rừng do có sự thay đổi về định mức và đối tượng thụ hưởng...
Bình luận 0

Liên quan đến tiến độ thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng, bà Dương Thị Phương Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, diện tích khoán bảo vệ rừng của huyện là 482,29 ha với 03 cộng đồng. Diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng 13,99 ha với 01 hộ.

Bắc Kạn gặp khó trong việc thực hiện khoán bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ rừng- Ảnh 1.

Bà Dương Thị Phương Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về khó khăn trong thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 tại địa phương. Ảnh: Chiến Hoàng.

"Tổng kinh phí được UBND tỉnh, huyện giao thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 năm 2024 là 27.900,76 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn năm 2024: 23.008,00 triệu đồng; nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang thực hiện năm 2024: 4.892,76 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn vướng mắc, cụ thể: Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/7/2024 đã thay đổi một số chính sách, định mức thực hiện nhưng một số nội dung chưa rõ ràng và chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết", bà Quế cho hay.

Bắc Kạn gặp khó trong việc thực hiện khoán bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ rừng- Ảnh 2.

Kiểm tra rừng tại xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Qua tìm hiểu được biết, theo Điều 27, Nghị định số 58, các mức đầu tư, hỗ trợ phải được HĐND cấp tỉnh quyết định, nên các chủ đầu tư (UBND cấp xã - PV) chưa có cơ sở để điều chỉnh dự toán và triển khai các bước tiếp theo. Hiện cũng chưa có Thông tư hướng dẫn để thay thế Thông tư số 12/2022/TT BNNPTNT ngày 20/9/2024 của Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, một số hạng mục có sự thay đổi về định mức, hình thức thực hiện, nội dung hỗ trợ (khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng, trợ cấp gạo...), nhưng một số nội dung chưa cụ thể, chưa có hướng dẫn. Nghị định số 58/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2024 với những hạng mục đã thực hiện trước đó 6 tháng, huyện cũng chưa biết phải xử lý thế nào khi chưa có hướng dẫn cụ thể.

Cũng theo bà Quế, UBND các xã, thị trấn được giao làm chủ đầu tư dự án giao cho Công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường chủ trì tham mưu. Tuy nhiên khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ mới với nhiều văn bản thường xuyên có thay đổi, do vậy Công chức được giao còn nhiều lúng túng trong việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện Dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn khẳng định, Tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS và miền núi sống nhờ rừng, phụ thuộc rừng, cải thiện được cuộc sống và có thêm điều kiện để phát triển kinh tế giảm nghèo, tham gia bảo vệ rừng tốt hơn. Thực tế cho thấy, các địa phương cũng có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, bao gồm cả yếu tố năng lực cán bộ ở một số cơ sở hạn chế khiến cho nguồn lực hỗ trợ này giải ngân còn thấp.

"Tôi cho rằng, đối với hạng mục trợ cấp gạo cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất từ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Để đảm bảo tiến độ, UBND huyện Ngân Sơn đề nghị Sở NN&PTNT có chỉ đạo hướng dẫn để tổ chức thực hiện sớm. Về phía địa phương, để triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, huyện sẽ đẩy mạnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và 9 địa phương được giao làm chủ đầu tư có những giải pháp cụ thể, quyết liệt", bà Quế kiến nghị.

Bắc Kạn gặp khó trong việc thực hiện khoán bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ rừng- Ảnh 3.

Ông Lương Thanh Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ khó khăn của huyện trong thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3. Ảnh: Chiến Hoàng.

Ông Lương Thanh Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì chia sẻ, huyện Na Rì thực hiện được 2 hạng mục là Giao khoán bảo vệ rừng và Hỗ trợ bảo vệ rừng với tổng diện tích thực hiện: 18.763,74ha, trong đó Giao khoán bảo vệ rừng: 8.830,83 ha (diện tích chuyển tiếp từ năm 2023:7.077,58 ha; thiết kế mới năm 2024:1.753,25 ha); Hỗ trợ bảo vệ rừng: 9.932,91 ha (chuyển tiếp từ năm 2023 là 6.034,69 ha; diện tích thiết kế mới năm 2024 là 3.898,22 ha).

"Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện từ năm 2022 đến nay khá nhiều, cụ thể như bước đầu thực hiện, một số đơn vị chưa có cán bộ chuyên môn, thiếu nhân lực; đơn vị tư vấn thiết kế thiếu nhân lực, ít đơn vị tư vấn và hợp đồng với nhiều địa phương trong tỉnh nên chậm tiến độ thiết kế và hoàn thiện hồ sơ, dẫn đến việc thanh toán chi phí bị chậm.

Một phần diện tích rừng trên địa bàn các xã tại huyện Na Rì đã được mua, bán, chuyển nhượng cho nhiều cá nhân không phải người dân tộc, không sinh sống và làm việc tại địa phương. Một số xã chưa xác định đúng đối tượng thực hiện chương trình, dự án dẫn đến sót một phần diện tích rừng tự nhiên thuộc cộng đồng không được giao khoán", ông Lộc nhận định.

Bắc Kạn gặp khó trong việc thực hiện khoán bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ rừng- Ảnh 4.

Kiểm tra tiến độ thực hiện khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn

Còn ông Vũ Văn Thịnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn - Cơ quan Thường trực thực hiện dự án cho biết, việc thực hiện Tiểu dự án 1 và dự án 3 trên địa bàn huyện Chợ Đồn cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc tương tự như các địa phương khác trong tỉnh.

"Huyện cũng đã đề xuất kiến nghị lên các cấp ngành. Cụ thể: Với chính phủ, kiến nghị tiếp tục quan tâm, ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng lâm nghiệp hiện nay còn thiếu, lạc hậu, hư hỏng (như đường lâm nghiệp, trạm bảo vệ rừng...). Tăng mức kinh phí hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, nhằm thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp. Phân bổ, cấp kinh phí trả nợ cho hạng mục giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tại các xã khu vực II, III năm 2021. Với các Bộ, ngành, kiến nghị kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế các địa phương", ông Thịnh thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem