Tên gọi mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường sau hợp nhất là gì?

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 11/12/2024 14:50 PM (GMT+7)
Dự kiến tên Bộ sau khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường sau hợp nhất là: Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đề xuất bổ sung thêm cụm từ "Nông thôn" vào tên gọi sau khi hợp nhất hai Bộ.
Bình luận 0

Vì sao đề xuất bổ sung cụm từ "Nông thôn" sau khi hợp nhất?

Thực hiện Kế hoạch số 41 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12/2024, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ tiến hành hợp nhất. Theo đó, sau khi hợp nhất, Bộ có chức năng, nhiệm vụ, tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn như hiện nay.

Sau khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường hợp nhất, dự kiến sẽ lấy tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 10/12 của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đề xuất bổ sung thêm cụm từ "Nông thôn" vào tên gọi của Bộ sau khi hợp nhất, cụ thể là: "Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường". Sau đó Ban chỉ đạo đã thống nhất với đề xuất trên.

Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đề xuất tên gọi của Bộ sau khi hợp nhất như trên bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hai Bộ hiện nay; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông thôn.

Tên gọi mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường sau hợp nhất là gì? - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Cũng theo Ban chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ tiến hành sáp nhập, tinh gọn các cục, vụ, đầu mối trực thuộc trước khi chính thức hợp nhất hai Bộ.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Dự kiến sau khi sáp nhập, tinh gọn cơ cấu tổ chức của Bộ sẽ giảm 1 Tổng cục, 4 Cục, Vụ/15 tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp, tiếp tục duy trì 4/5 đơn vị có tên trong cơ cấu tổ chức của Bộ tại Nghị định số 68 năm 2022.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dự kiến sau khi sáp nhập, tinh gọn cơ cấu tổ chức của Bộ sẽ giảm 1/8 đơn vị tham mưu tổng hợp, giảm 3/13 Cục quản lý chuyên ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp, tiếp tục duy trì 6/7 đơn vị có tên trong cơ cấu tổ chức của Bộ tại Nghị định số 105 năm 2022.

Giảm tới 25 cục, vụ, đầu mối sau khi hợp nhất hai Bộ

Trên cơ sở đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai Bộ. Ban chỉ đạo đã thống nhất đề xuất cơ cấu tổ chức của Bộ sau khi hợp nhất. Theo đó, tổ chức cơ cấu của Bộ mới có 29 tổ chức, gồm 8 đơn vị tham mưu tổng hợp, 17 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, 4 dơn vị sự nghiệp công lập phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước. Cụ thể:

8 tổ chức tham mưu tổng hợp trên cơ sở hợp nhất các tổ chức có chức năng tương ứng của hai Bộ, gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Chuyển đổi số.

17 tổ chức trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường và nông nghiệp nông thôn, gồm: Cục Quản lý đất đai; Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Cục Bảo vệ môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Khí tượng Thủy văn; Cục Viễn thám quốc gia; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tai; Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi - Thú y; Cục Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi; Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm; Cục Thủy sản; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam/Cục Biển, Hải đảo và Kiểm ngư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lịch sử 79 năm hình thành và phát triển, ban đầu có tên gọi đầu tiên là Bộ Canh nông được thành lập từ ngay sau thời điểm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công (ngày 14/11/1945) và trở thành một trong những Bộ đầu tiên được thành lập dưới Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó. Trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ sắp xếp. thay đổi tới năm 1995, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập sau khi hợp nhất 3 Bộ là: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thuỷ lợi. Tới năm 2007, Bộ Thủy sản giải thể và sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ cấu, tổ chức của Bộ được duy trì ổn định cho đến thời điểm này.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập ngày 5/8/2022 theo Nghị quyết số 02/2002/QH11, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XI và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công nghiệp; Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng thuỷ văn; đo đạc, bản đồ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem