Bắc Kạn: "Hạ sát" gỗ xoan ngay trong rừng phòng hộ
Bắc Kạn: "Hạ sát" gỗ xoan ngay trong rừng phòng hộ
Chiến Hoàng
Thứ hai, ngày 25/05/2020 06:29 AM (GMT+7)
Một hộ dân trú tại thôn Nà Món, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn bị tố khai thác gỗ xoan ta trong rừng phòng hộ Khuổi Tẩu thuộc huyện Bạch Thông. Không chỉ vậy, hộ gia đình này còn khai thác cả những cây gỗ xoan của các hộ gia đình khác trồng tại đây từ năm 1958.
Phản ánh đến PV báo Dân Việt, 11 hộ gia đình tại thôn Nà Món (thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hộ gia đình ông Bàn Văn Sơn trú cùng thôn đã chặt hạ cây gỗ xoan đỏ tại rừng phòng hộ Khuổi Tẩu (xã Phương Linh cũ, nay thuộc thị trấn Phủ Thông) với số lượng lớn.
Theo phản ánh, gỗ xoan đỏ tại rừng phòng hộ Khuổi Tẩu đã được 12 hộ dân, trong đó có hộ ông Bàn Văn Sơn gieo trồng từ khoảng năm 1958 trở lại. Tuy nhiên phần của ông Sơn, theo bà con nơi đây chỉ có khoảng 20 cây.
Ông Bàn Văn Phượng (thôn Nà Món, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) khẳng định, thời điểm các hộ dân gieo trồng cây xoan đỏ tại đây, khu rừng Khuổi Tẩu chưa phải là rừng phòng hộ như bây giờ. Năm 1999, khi bộ đội thực hiện dự án K98 đã thỏa thuận mượn đất người dân trong 3 năm để trồng rừng.
"Mục đích của K98 là mượn đất trồng cây thông, đơn vị bộ đội K98 hứa sau 3 năm sẽ giao lại cho người dân quản lý. Đơn vị K98 dành cho người dân phần đất từ chân núi (khe) lên cao 50m đến100m dọc theo hai bên khe, kéo từ hồ Khuổi Tẩu vào để dân tiếp tục canh tác, người dân trồng cây, trồng ngô, đỗ tại phần diện tích này, khoảng hơn 20ha", ông Phượng nói.
Ông Phượng cho biết thêm, khi thực hiện làm hồ thủy lợi Khuổi Tẩu, năm 2009, đường đi lại khó khăn nên người dân tạm ngừng canh tác, chỉ thả trâu bò, đi lại chăm sóc cây.
Năm 2010 - 2011, trưởng thôn khi đó là bà Hoàng Thị Xuân đã tuyên truyền bà con không được chặt cây vì khu vực này đã trở thành rừng phòng hộ. Các hộ dân tuân thủ pháp luật nên không hề chặt hạ cây.
Anh Bàn Văn Tài, một trong 11 hộ có xoan đỏ bị ông Sơn chặt hạ, bức xúc: "Phần đất cũ của ông Sơn chỉ có 20 cây, chúng tôi đã đi đếm gốc, còn lại là của bà con, vậy nhưng ông Sơn đã chặt hầu như sạch bách những cây xoan to tại khu rừng này. Khi phát hiện, chúng tôi đã báo lên chính quyền, cơ quan chức năng đã đình chỉ việc chặt hạ, vận chuyển".
Theo người dân, quá trình làm việc với Công an huyện Bạch Thông, ông Bàn Văn Sơn có trình một tờ đơn xin được trồng rừng cây phân tán từ năm 2011 tại khu rừng này.
Đơn có ghi: Còn một ít đất dưới chân đồi vào theo hai bên sườn đồi, theo khe Khuổi Tẩu vào, bộ đội không trồng thông, tôi xin UBND xã Phương Linh tạo điều kiện cho gia đình tôi xin được trồng rừng cây phân tán.
"Một ít đất là bao nhiêu, không thấy ghi rõ, chứ từ hồ Khuổi Tẩu vào, dọc hai bên khe, phần bộ đội không trồng thông mà dành cho người dân canh tác là hơn 20ha, trong đó có nhiều cây xoan chúng tôi đã trồng và đang chăm sóc.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi trên đơn có dấu đỏ và chữ ký của ông Nông Lường Hào, Chủ tịch UBND xã Phương Linh cũ, trong khi đất này thuộc sự quản lý của đơn vị bộ đội K98," ông Tài cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thiêm, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sỹ Bình, phụ trách địa bàn xã Sỹ Bình, Phương Linh (cũ) và thị trấn Phủ Thông thông tin, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát và các đơn vị liên quan vẫn đang đo đạc, tính khối lượng cũng như lấy mẫu xác định độ tuổi những thân gỗ xoan đã bị chặt hạ. Việc khám nghiệm hiện trường vẫn chưa xong do thời tiết không thuận lợi.
Ngày 21/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Ngọc Bảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bạch Thông cho biết: "Hôm nay là ngày thứ 3 khám nghiệm hiện trường và hiện công tác này vẫn chưa xong. Sai thế nào, đúng thế nào còn phải chờ".
"Khu vực có cây bị chặt hạ tạm thời xác định là đất rừng phòng hộ, quản lý là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn.
Đối tượng là cây gỗ xoan ta, còn những cây xoan đỏ do người dân trồng hay có từ trước cũng chưa xác định được rõ. Chúng tôi sẽ làm khách quan, quyết liệt, triệt để theo quy định hiện hành", Hạt trưởng hạt kiểm lâm Bạch Thông khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.