Bắc Kạn: HTX lao đao vì dự án chăn nuôi bò Mông chậm tiến độ

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 26/03/2019 06:05 AM (GMT+7)
Gần 2 năm qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc xây dựng Trung tâm điều hành và chưa thể đi vào hoạt động, khiến các HTX hạt nhân cũng lâm cảnh lao đao theo.
Bình luận 0

Dự án bảo tồn gen và phát triển bò Mông là dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam thực hiện. Dự án được thực hiện từ tháng 4.2017, tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn trên tổng diện tích 50ha.

Việc thực hiện dự án nhằm xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò Mông theo hướng thâm canh dựa vào hệ thống canh tác trồng trọt kết hợp với chăn nuôi trên đất dốc, vừa đảm bảo phát huy chuỗi giá trị thịt bò chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường vừa tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án.

img

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam vẫn đang loay hoay việc xây dựng Trung tâm điều hành. 

Theo lộ trình, giai đoạn 1 Công ty sẽ xây dựng Trung tâm điều hành và dự kiến nuôi 300 con bò cái sinh sản, 15 con bò đực hạt nhân còn lại là diện tích trồng cỏ phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong năm 2017. Giai đoạn 2 xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò vỗ béo với số lượng khoảng 1.000 con, một nhà máy chế biến thức ăn cho bò, khu nhà xưởng lắp đặt thiết bị máy móc phục vụ cho chế biến cỏ. Giai đoạn 3 xây dựng khu nhà máy giết mổ khép kín.

Tuy nhiên, đã gần 2 năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam vẫn còn đang loay hoay với việc xây dựng Trung tâm điều hành và chưa thể đi vào hoạt động. Việc dự án chậm tiến độ ảnh hưởng không nhỏ tới các HTX hạt nhân.  

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Phúc Lâu, Chủ tịch UBND xã Quảng Chu cho biết, đây là một dự án tốt, có thể giúp đồng bào thoát nghèo, bởi người dân địa phương đã quen với việc chăn nuôi, chỉ cần được hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã Quảng Chu có 8 HTX bò Mông, nhưng do dự án chậm tiến độ nên các HTX vẫn chưa thể hoạt động.

Bà Ma Thị Hoa, Giám đốc HTX bò Mông số 9 tại thôn Làng Chẽ khẳng định: "HTX của bà đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Chúng tôi có 7 thành viên với vốn đóng góp 200.000.000 đồng/người, đã trồng cỏ trên diện tích 2ha. Trước đây, diện tích đất này dùng để trồng đỗ, ngô, nay trồng cỏ cả rồi, chuồng trại cũng đã sẵn sàng, chúng tôi rất xót ruột. Bình thường chưa có HTX thì chúng tôi vẫn sản xuất chăn nuôi, nhưng chúng tôi đợi dự án vì muốn được đảm bảo về việc bao tiêu sản phẩm".

img

Cỏ đã bạt ngàn tươi tốt mà HTX bò Mông vẫn chưa thể hoạt động vì dự án chậm tiến độ. 

Giống như HTX bò Mông số 9, HTX bò Mông số 4 tại thôn Làng Chẽ cũng đã được thành lập từ năm 2017. Đến nay các thành viên HTX đã tứ tán, mỗi người một việc vì phải đợi đã lâu mà HTX chưa thể đi vào hoạt động.

Ông Lường Văn Điều, Giám đốc HTX số 4 cho biết, từ khi thành lập đến nay, HTX chỉ nhận được 7 tạ cỏ để trồng trên diện tích 2ha. Còn lại thì vẫn chưa có gì, cỏ đã mọc tốt lắm rồi, nhưng chỉ để cho mấy đứa cháu cắt cho trâu ăn, xót ruột lắm.

"Đợi thêm thời gian nữa mà không có tiến triển, tôi sẽ vay vốn tự mua bò vỗ béo chứ không đợi như thế này nữa", ông Điều khẳng định. 

Được biết, diện tích đất trồng cỏ của HTX bò Mông số 4 trước đây dùng cấy lúa, 2 vụ/năm cũng cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Còn giờ cỏ mọc tốt tươi mà không đem lại nguồn thu khiến ông Điều gặp nhiều khó khăn, khi vừa phải vay tiền xây dựng HTX vừa góp đất trồng cỏ để đảm bảo điều kiện mà phía công ty đưa ra.

Nếu theo đúng lộ trình, thì nay dự án đã phải bắt đầu bước vào giao đoạn 3, giai đoạn xây dựng khu nhà máy giết mổ khép kín. Song thực tế, hiện dự án mới chỉ bắt đầu thực hiện một phần của giai đoạn 1 là xây dựng Trung tâm điều hành.  

Quảng Chu là xã có tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 30,1%, vì thế Dự án bảo tồn gen và phát triển bò Mông được hi vọng sẽ là cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương. Với tiến độ như hiện nay của dự án, thu nhập của người dân chưa thấy đâu trong khi đất phục vụ trồng cỏ voi lai (VA06) đã khiến người dân ít nhiều mất đi diện tích sản xuất, vì vậy ai cũng cảm thấy chán nản, lo lắng.

Chính quyền địa phương và các HTX đề nghị chủ đầu tư dự án cần đẩy nhanh tiến độ và trả lời khi nào có được hợp đồng liên kết với Dự án để các HTX bò Mông sớm đi vào hoạt động.

Báo Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem