Chuyện y sỹ người Tày chuyên đuổi "ma rừng" ở Bắc Kạn

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 27/02/2019 14:21 PM (GMT+7)
Tiếng chú niệm của thầy cúng âm âm ma mị, tiếng choong (đồ nghề hành lễ của thầy tào, thầy cúng) chát chúa vọng vang, khói nhang mù mịt, lễ lạt đầy mâm mà bệnh nhân vẫn quằn quại đau đớn. Những lúc vậy, y sỹ Cao Thịnh Vàng lại nhẫn nại thăm khám, cho thuốc. Ngoài nhà, thầy cúng mặt hằm hằm dõi theo…
Bình luận 0

Xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Dao, Mông chiếm đến 91%. Số người di cư từ nơi khác đến lại ở rải rác trong những thôn bản hẻo lánh (một số thôn cách trung tâm xã hơn 20km và chỉ có thể đi bộ), do đó việc chăm sóc sức khỏe cho người dân hết sức khó khăn. 

Đặc biệt, hồi những năm 70 của thế kỷ trước, đa phần bà con tin thầy cúng hơn thầy thuốc, tin đến độ thấy thầy thuốc là đóng cổng hoặc cài cành dâu trước cửa để ngăn cản.

Y sỹ Cao Thịnh Vàng (SN 1955) đã nhiều lần chứng kiến người dân mỗi khi mắc bệnh lại tìm đến thầy cúng về đuổi, phó mặc cho thầy Tào, thầy cúng nắm mạng sống của mình. Bởi khi đó, người dân cho rằng, nguyên nhân gây bệnh chính là con "ma rừng" đang quấy quả. Cũng chính vì thế, không ít người bệnh đã chết một cách oan uổng. 

img

Y sỹ Cao Thịnh Vàng chia sẻ cùng PV về những ngày lội suối băng rừng giúp người dân chữa bệnh.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ Y tế Bắc Thái, ông Cao Thịnh Vàng về công tác tại xã nhà. Khát vọng giúp người bệnh của ông bị che lấp bởi khó khăn trùng trùng như những cánh rừng bao đời nay vây bủa những phận người nơi đây. Không trạm xá, không lương, ông phải làm đủ thứ để bù vào khoản phụ cấp ít ỏi nuôi bản thân và nuôi lớn ước mơ cứu người của mình.

Cuộc chiến với “con ma rừng” là cuộc chiến đầy gian nan. Ông tâm sự: "Để thay đổi nhận thức hay quan niệm của người dân thì phải kiên trì, nhẫn nại. '3 cùng' với người dân là cùng làm rẫy, làm ruộng; cùng phát quang cỏ rậm quanh nhà, cầm xẻng, cầm cuốc dọn chuồng trâu, chuồng lợn và giải thích về vấn đề vệ sinh tránh bệnh… Kể cả khi nhà người bệnh đã mời thầy cúng, thầy Tào, tôi cũng không được nóng vội, đả phá mà phải chu đáo thăm khám, cho thuốc và hướng dẫn cách uống, nếu không sẽ không được việc mà còn chuốc thêm thù".

Dần dần, người bệnh nhận thấy chỉ cần uống thuốc đã khỏi, lại không phải tốn tiền gạo, tiền gà lợn, không phải lễ nghi phức tạp, không phải lạy lục sợ hãi như khi mời thầy Tào, thầy cúng nên đã tin tưởng. Có bệnh là họ tìm đến ông xin thuốc. Lúc đó, y sỹ Cao Thịnh Vàng mới đề nghị UBND xã xin cấp trên cho phép thành lập trạm y tế.

Đến giờ, người dân trong xã vẫn còn kể câu chuyện về chị Đặng Thị Hoan (thôn Vằng Bó), trở dạ vào đúng đêm mưa lốc. Dù không phải phiên trực, ông Vàng vẫn khoác túi thuốc, vừa đốt đuốc, vừa soi đèn lặn lội hơn 7km đến nhà chị để thăm khám. Chị Hoan mang thai ngang nên không thể sinh được, đưa ra bệnh viện tỉnh thì không kịp, ông chỉ còn cách động viên gia đình và vận dụng mọi biện pháp, kinh nghiệm để xoay thai cho thuận. Chừng gần một giờ, tiếng khóc đã cất lên. Cháu bé ngày ấy nay đã hơn 20 tuổi nhưng chuyện về thầy thuốc Cao Thịnh Vàng thì vẫn còn được truyền tụng mãi trong thôn, ngoài xã.

Đầu năm 2015, lần đầu tiên trạm xá được bổ sung một bác sỹ, đó là bác sỹ Mã Thị Ngần. Đây cũng là năm y sỹ Cao Thịnh Vàng được nhận quyết định nghỉ hưu.

"Thật may mắn khi được làm việc cùng một người xông xáo, chữa bệnh vô điều kiện như chú Vàng, thời gian được làm cùng chú tại trạm không nhiều nhưng tôi đã được chú giúp đỡ rất tận tình. Dù chú đã về hưu song trạm xá vẫn được chú tư vấn, giúp đỡ khi cần… Chú thực sự là kho kinh nghiệm sống cho chúng tôi...", bác sỹ Ngần chia sẻ. 

Với những nỗ lực ấy, Trạm y tế xã Đôn Phong đã nhiều lần được khen thưởng, được công nhận đạt chuẩn và đạt danh hiệu Trạm y tế thân thiện từ năm 2010. Y sỹ Cao Thịnh Vàng cũng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen do có nhiều thành tích trong công tác tiêm chủng mở rộng và được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Trao đổi với PV, ông Tống Văn Khoa - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn cho biết, dù đã về hưu nhưng y sỹ Cao Thịnh Vàng vẫn nhiệt tâm, nhiệt tình tham gia và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Bạch Thông. Ông luôn nỗ lực dốc sức cùng anh em hội viên góp phần xây dựng nền y học cổ truyền tỉnh Bắc Kạn phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem