Bắc Kạn: Nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

Trang Thảo Thứ tư, ngày 19/04/2023 15:07 PM (GMT+7)
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế (Hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh) tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Bình luận 0

Được triển khai từ năm 2019 đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng tầm các sản phẩm địa phương.

 Bắc Kạn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, đến nay toàn tỉnh đã có 14 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 162 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đặc biệt, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có sản phẩm miến dong Tài Hoan đạt OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đang có sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể và miến dong Yến Dương đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao chia sẻ: "Khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi được tạo điều kiện nhiều trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Đây cũng là thuận lợi mà nhiều chủ thể OCOP tại Bắc Kạn có được kể từ khi sản phẩm được gắn sao OCOP".

Bắc Kạn: Nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP của HTX Yến Dương (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) tham gia Chợ Tết Công đoàn năm 2023 tại Hà Nội.

Bà Đỗ thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, Bắc Kạn đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm đặc sản của địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục sản phẩm OCOP được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada.... và ký kết tiêu thụ sản phẩm với Trung tâm Thương mại Big C-Hà Nội.

"Trong thời gian tới, với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu như hội chợ, hội nghị, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức"- bà Hoa cho biết thêm.

Bắc Kạn: Nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX, Siêu thị và nhà phân phối tại Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn tại Hải Phòng.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh Bắc Kạn. 

Một số sản phẩm nông sản như miến dong, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai, tinh bột nghệ, Nano Curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... đã trở thành hàng hóa và có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ ở một số thành phố lớn trên trên cả nước; sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (Cộng hòa Séc).

Nhiều chính sách phát triển OCOP

Không chỉ hỗ trợ về xúc tiến thương mại, với mục tiêu đẩy mạnh Chương trình OCOP, Bắc Kạn còn có một loạt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia phát triển các sản phẩm OCOP.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Đỗ Thị Minh Hoa, năm 2022, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 52 sản phẩm mới được công nhận, vượt 260% kế hoạch đề ra. Chất lượng, quy mô sản xuất sản phẩm OCOP được nâng cao, mở rộng từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó 11 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc quy trình sản xuất; 11 sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị; 10 sản phẩm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất.

Bắc Kạn: Nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 181 sản phẩm, trong đó: 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao; 162 sản phẩm 3 sao.

Có được kết quả này, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia, đặc biệt là nguồn vốn với tổng kinh phí trên 12.788 triệu đồng từ nguồn kinh phí phân bổ trực tiếp thực hiện Chương trình; kinh phí lồng ghép từ hoạt động chuyên môn của các Sở, ngành và kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ khác.

Năm 2023 tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đặt ra mục tiêu phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. Nâng cấp 04 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và đề xuất 01 sản phẩm tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngày 15/02/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP). Theo đó đối với sản phẩm mới, tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị cấp huyện, thành phố hoặc đến trực tiếp hướng dẫn các chủ thế kinh tế, các hộ kinh doanh trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng về: Nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; lực lượng lao động có tay nghề; khả năng phát triển sản phẩm OCOP...

Bắc Kạn: Nhiều chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Sản phẩm trà bí thơm túi lọc của HTX Yến Dương đã được xuất sang Đức

Còn với sản phẩm nâng hạng sao, UBND các huyện, thành phố sẽ rà soát, đánh giá về quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu… hướng dẫn chủ thể đề xuất nâng hạng sao đối với các sản phẩm có tiềm năng.

Đồng thời tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ chủ trì triển khai các chính sách liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã  tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ.... Hướng dẫn các tổ chức kinh tế hoàn thiện sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn khác...

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%/năm; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Vì vậy, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước nhiều hơn nữa, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem