Bắc Kinh tuyên bố dân thoát nghèo, sống hạnh phúc nhờ đập Tam Hiệp

Minh Nhật Thứ hai, ngày 13/07/2020 12:30 PM (GMT+7)
Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết, tất cả 19 quận, huyện trong khu vực Dự án đập Tam Hiệp đã hoàn thành xóa đói giảm nghèo trong tháng 5 nhờ một loạt các chính sách hỗ trợ và nỗ lực của chính quyền địa phương.
Bình luận 0
Bắc Kinh tuyên bố dân thoát nghèo, sống hạnh phúc nhờ đập Tam Hiệp  - Ảnh 1.

Ông Song Qinggui chuẩn bị bữa trưa cho khách du lịch tại nhà nghỉ do gia đình ông tự quản ở làng Qingshi của huyện Wushan, phía tây nam thành phố Trùng Khánh vào ngày 21/6/2020.

Trong bài đăng có tiêu đề "Vĩnh biệt đói nghèo ở vùng Dự án Tam Hiệp", Tân Hoa xã cho biết, có tổng diện tích khoảng 10.000 km2, những quận, huyện nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử nói trênvốn bị nghèo đói bủa vây từ lâu, trước khi dự án xây dựng con đập lớn nhất hành tinh được tiến hành. Dân số trong khu vực là khoảng 30 triệu người.

Tuy nhiên hiện nay, nhờ làm du lịch bên cạnh các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương lẫn trung ương, tất cả 19 quận, huyện trong khu vực Dự án đập Tam Hiệp đã hoàn thành xóa đói giảm nghèo vào tháng 5 vừa qua, đời sống người dân trở nên ấm no, hạnh phúc hơn.  

Bắc Kinh tuyên bố dân thoát nghèo, sống hạnh phúc nhờ đập Tam Hiệp  - Ảnh 2.

Ảnh chụp vào ngày 22/6/2020 về một bức tường ảnh cho thấy cuộc sống ấm no hạnh phúc của những người tái định cư sau khi di dời khỏi khu vực Hồ chứa Tam Hiệp ở huyện Wanzhou, phía tây nam thành phố Trùng Khánh.

Theo Tân Hoa xã, ông Song Qinggui, 47 tuổi, một người dân ở làng Qingshi, huyện Wushan, phía tây nam thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc vốn làm nông nghiệp và phải cùng gia đình rời khỏi làng vào năm 2002 để nhưỡng đất cho dự án Tam Hiệp. Dù sống cạnh sông Dương Tử màu mỡ, song nghề nông không giúp gia đình ông Song có đủ cái ăn cái mặc.

Tuy nhiên, sau khi chuyển đi để nhường đất cho dự án Tam Hiệp cuộc sống của gia đình ông Song đã thay đổi bất ngờ. Ông hiện tự kinh doanh du lịch, có cuộc sống ổn định, no ấm ở vùng đất mới.

"Tôi đã lo lắng về cuộc sống tương lai của chúng tôi khi chuyển đến ngôi làng trên núi. Chúng tôi hầu như không thể tự nuôi sống gia đình mình dù chăm chỉ canh tác trên vùng đất màu mỡ trước đây. Thế nên tôi từng nghĩ chúng tôi sẽ làm gì với vùng đất cằn cỗi đầy đá sỏi trên núi?", ông Song chia sẻ về suy nghĩ của bản thân nói riêng và của nhiều người nói chung khi phải rời khỏi quê hương vì dự án Tam Hiệp.

Tuy nhiên, những lo lắng của ông Song đã sớm được giải tỏa.

Bắc Kinh tuyên bố dân thoát nghèo, sống hạnh phúc nhờ đập Tam Hiệp  - Ảnh 3.

Ảnh chụp trên không vào ngày 19/6/2020 cho thấy những vườn cam bao quanh ngôi làng Santuo, huyện Fengjie, phía tây nam thành phố Trùng Khánh.

Hiện giờ, ông Song có thể kiếm được hơn 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 28.500 USD) mỗi năm bằng cách tự kinh doanh du lịch. Trước đó, nghề nông chỉ mang lại cho ông 30.000 Nhân dân tệ/năm.

Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, tuyệt đẹp, các khu tái định cư mới dành cho người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án Tam Hiệp trở thành các địa điểm hút khách du lịch. Nhờ ngành công nghiệp du lịch phát triển, đời sống của người dân trong vùng cũng nhanh chóng khấm khá lên, theo Tân Hoa xã. 

Sau vài năm làm ăn được, ông Song đã quyết định mở rộng quy mô kinh doanh du lịch của gia đình và hiện sở hữu khu du lịch rộng 1.000 m2, trở thành một trong những thành công nhất trong làng.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ kinh doanh sẽ tốt như vậy. Các phòng và nhà hàng ăn uống thường đầy khách, đặc biệt là vào mùa thu và mùa đông. Vì đây là những mùa đẹp nhất để ngắm những rừng cây lá đỏ trên núi, một điểm thu hút du lịch nổi tiếng của địa phương", ông Song nói.

Ước tính, năm 2018, huyện Wushan đã tiếp nhận khoảng 16 triệu khách du lịch từ trong và ngoài nước với doanh thu du lịch đạt 6,4 tỷ Nhân dân tệ, tăng lần lượt 17,45% và 35,72% mỗi năm.

Bên cạnh du lịch, chính quyền địa phương cũng áp dụng một loạt các chính sách hỗ trợ để xây dựng các ngành công nghiệp trụ cột khác có thể tận dụng nhiều thế mạnh của khu vực để giúp người dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn. Chẳng hạn, huyện Fengjie đã thúc đẩy trồng cam, giúp hơn 7.000 hộ gia đình nghèo đói nghèo. Hiện huyện có hơn 23.000 héc-ta cây cam.

"Gia đình tôi đã trồng hơn 200 cây cam, thu hoạch gần 10.000 kg cam/vụ và giúp chúng tôi kiếm được hơn 40.000 Nhân dân tệ/năm", ông Li Shengmei, 48 tuổi ở làng Santuo của huyện Fengjie cho biết.

Huyện Wanzhou, dưới sự quản lý của Trùng Khánh, đã đầu tư và xây dựng một cơ sở trồng cây ăn quả rộng 100 ha tại làng Xiazhong. 

"Tôi có thể kiếm được hơn 10.000 Nhân dân tệ bằng cách làm việc tại cơ sở kết hợp với thu nhập khác. Chồng tôi làm việc tại một công trường xây dựng trong huyện và có thể kiếm được 50.000 Nhân dân tệ mỗi năm", Deng Xiuying, một người dân trong huyện chia sẻ.

Chính quyền địa phương cũng áp dụng các chính sách khác bao gồm giảm chi phí y tế và các chi phí khác cho các hộ gia đình nghèo đói để giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Một tuyến đường sắt cao tốc cũng đang được xây dựng ở các khu vực và sẽ kết nối hầu hết các quận trong khu vực, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và huyện Wushan.

"Nhiều khách du lịch sẽ đến thăm các khu vực thuộc dự án Tam Hiệp hơn khi đường sắt mở ra. Đã đến lúc tôi phải mở rộng hoạt động kinh doanh một lần nữa", ông Song Qinggui nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem