Bắc Ninh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm”

Khương Lực Thứ năm, ngày 29/08/2024 11:01 AM (GMT+7)
Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị là vấn đề đã được các cấp, các ngành ở Bắc Ninh quan tâm, chỉ đạo sát sao để tạo dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm" và bị tư thương ép giá.
Bình luận 0

Ngày 28/8, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh (Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh) tổ chức tọa đàm "Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị" với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” - Ảnh 1.

Ngày 28/8, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh (Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh) tổ chức tọa đàm "Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị". Ảnh: Khương Lực 

Bắc Ninh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” - Ảnh 2.

Ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu khai mạc tọa đàm "Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị". Ảnh: Khương Lực

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định: "Kinh tế tập thể, với nòng cốt là các hợp tác xã đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, chúng ta cần xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên thị trường".

Đây cũng là lý do mỗi năm một lần Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị tọa đàm về vấn đề phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp nông dân, hợp tác xã (HTX) tiếp cận các chính sách, thông tin đầu ra sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân đề xuất, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và được nghe giải đáp những kiến nghị, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn ít

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Lê Đình Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh nhận định, phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là vấn đề đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao. 

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà máy, các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều, do vậy diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp và manh mún nên khó tích tụ ruộng đất. Thời gian thuê đất của chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp ngắn, không tạo được sự ổn định để yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Cùng với đó, quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ, lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên; việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn… là một trong nhiều thách thức, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến tháng 5/2023, tỉnh Bắc Ninh có 2 Liên hiệp HTX, 699 HTX, trong đó có 555 HTX lĩnh vực nông nghiệp (289 HTX dịch vụ nông nghiệp và 266 HTX chuyên ngành); 114 HTX phi nông nghiệp, 223 Tổ hợp tác. Toàn tỉnh có 40 HTX nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thu sản phẩm, 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo bà Huyền, ngay sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, Bắc Ninh là một trong những địa phương dành sự quan tâm sớm, toàn diện tới khu vực kinh tế tập thể. UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.

"Đến nay, có 526 lượt HTX được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ với tổng số tiền cho vay đạt hơn 188 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh" – bà Huyền nói và cho biết ngành nông nghiệp Bắc Ninh đang tập trung lập dự án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Đình Khang – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương như: vùng sản xuất rau các loại, lúa, cà rốt, khoai tây, hành tỏi, vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi, thủy sản…

Tuy nhiên, theo ông Khang, về bản chất sản xuất nông nghiệp là rủi ro, do thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, đặc biệt vấn đề tổ chức trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Như vấn đề "được mùa mất giá" và những cuộc "giải cứu", ùn ứ nông sản đã và đang diễn ra là một thực tế trong những năm vừa qua.

"Đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 65 HTX tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và 56 HTX ứng dụng công nghệ cao. Nhìn chung số lượng HTX nông nghiệp tham gia liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế so với số lượng hiện có, hiệu quả trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX chưa cao", ông Khang thông tin.

Hình thành, mở rộng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Ông Trần Đình Kỹ - Giám đốc HTX Thảo dược Cát Cát (thôn Thiên Đức, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong thời gian đầu hoạt động, HTX phải đi thu mua nguyên liệu ngải cứu và bồ kết tại các tỉnh vùng cao. "Tuy thu mua được với giá rẻ hơn thị trường nhưng chúng tôi không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào và cước phí vận chuyển tăng cao" – ông Kỹ chia sẻ.

Nhận thấy những cây thảo dược mình cần cũng là những cây trồng bản địa tại địa phương, ông Kỹ đã quyết định phát triển vùng nguyên liệu ngải cứu và bồ kết ngay tại địa phương. Đến nay, ngoài 1ha ngải cứu do HTX tự trồng, thu hoạch, các hộ dân cũng tham gia trồng khoảng 1ha và liên kết bán sản phẩm cho HTX.

"Tuy nhiên, có trường hợp giá thị trường cao hơn giá cam kết bà con đã bán ra ngoài khiến HTX ảnh hưởng không ít hoặc một số trường hợp tự ý bón thêm phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu của HTX. Đây cũng là vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp phải" – ông Kỹ phản ánh.

Du vậy, theo ông Kỹ, việc liên kết sản xuất với người dân có nhiều lợi ích không chỉ giúp HTX có nguồn nguyên liệu ổn định mà còn giúp ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân. Bởi, với những diện tích do người dân trồng ngải cứu, năng suất thường cao 1,5 lần so với diện tích của HTX trồng.

Ông Nguyễn Đình Phương – Giám đốc Công ty TNHH Nano Care R&D có trụ sở tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, khi mới bắt tay vào việc gây dựng thương hiệu tỏi đen một nhánh Gia Bình, ông đã từng tự trồng, tự tiêu thụ, bán hàng. Phần chế biến, tiêu thụ thì có lãi, nhưng việc tự trồng tỏi của ông gần như bị thất bại vì gần như năm nào cũng phải bù lỗ.

"Chúng tôi phải tìm cách mở rộng chuỗi để cho những người nông dân chuyên nghiệp làm thì có hiệu quả" – ông Phương nói và cho biết đến nay doanh nghiệp đã quyết tâm xây dựng sản phẩm tỏi một nhánh Gia Bình theo chuỗi giá trị và thương hiệu tỏi một nhánh đã trở thành thương hiệu tập thể của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Theo ông Phương, doanh nghiệp đã liên kết với các hộ nông dân trồng tỏi và có phần mềm để kiểm soát tất cả các hộ trồng đều tuân thủ theo một quy trình và theo đúng thời điểm bón phân, tưới nước, phun thuốc đều có nhật ký và doanh nghiệp cũng công khai nguồn gốc sản phẩm trong tem QR Code.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nêu ra nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị về vấn đề hỗ trợ nguồn vốn vay cho các HTX, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi nội đồng; đào tạo, tập huấn và xây dựng các HTX kiểu mới; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, hộ nông dân…

Bắc Ninh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm "Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị". Ảnh: Khương Lực

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh đây là buổi tọa đàm đầu tiên sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030". Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đề nghị các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai làm tốt, nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch này.

"Mục đích làm sao chúng ta phát triển được kinh tế tập thể, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra và đặc biệt hướng tới việc liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm đạt chất lượng cao" – bà Tuyết nói và mong muốn các mô hình sản xuất nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, cả nước mà còn vươn ra thế giới.

Theo bà Tuyết, hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đang dự thảo "Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số chính sách hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh", Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tổng hợp ý kiến góp ý của các cấp Hội Nông dân vào dự thảo, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn. Những chính sách mới này sẽ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem