Bắc Ninh: Sẽ cần 100.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

Khương Lực Thứ sáu, ngày 02/04/2021 19:10 PM (GMT+7)
Ngày 2/4, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021. Thông tin đáng chú ý là để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần đầu tư 100.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD.
Bình luận 0

Trong quý I/2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh có sự khởi sắc. Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I ước đạt 33.285 tỷ đồng, tăng 8,16% so với cùng kỳ năm 2020.

Bắc Ninh: Đầu tư 5 tỷ USD để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021, trong đó có chủ trương đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Khương Lực.

Nông nghiệp, công nghiệp tăng trưởng mạnh

Đóng góp vào sự tăng trưởng này là sự khởi sắc trong khu vực nông, lâm, thủy sản và công nghiệp. Trong quý 1/2021, khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 9,31%. Khu vực công nghiệp xây dựng đạt 25.634 tỷ đồng, tăng 9,6% trong khi khu vực dịch vụ đạt 5.088 tỷ đồng, tăng 2,26%.

"Sở dĩ kinh tế quý I/2021 tăng trưởng cao là do sản xuất công nghiệp khu vực FDI đạt mức tăng trưởng hai con số (10,33%). Nguyên nhân chủ yếu do trong tháng 2/2021 công ty Samsung gia tăng sản xuất" - ông Vũ Minh Giang, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh lý giải.

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản dù chỉ đóng góp 2,8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt trong tái cơ cấu câu trồng vật nuôi, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ trong khoa học và cơ giới hóa nên đã có sự tăng trưởng mạnh.

Bắc Ninh: Đầu tư 5 tỷ USD để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 2.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Lương Tài) giới thiêu về mô hình trồng cần tây ép nước trong nhà lưới năm đầu tiên để bán cho các cửa hàng, siêu thị tại miền Bắc. Ảnh: Khương Lực.

Trả lời DANVIET.VN về việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết đến nay tỉnh Bắc Ninh có 23 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. 

Theo ông Trình, việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đang là vấn đề khó khăn ở Bắc Ninh do sản xuất còn nhỏ lẻ, tích tụ đất đai còn gặp nhiều khó khăn. "Định hướng của tỉnh trong thời gian tới sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, an toàn, gắn với thị trường đầu ra" - ông Trình nói.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp. "Chúng tôi đang chuẩn bị cấp chủ trương đầu tư cho một công ty thuê 1.000ha đất tại huyện Lương Tài và Gia Bình để sản xuất lúa gạo và chế biến thức ăn cho trâu, bò" - ông Xuân nói và cho biết nếu công ty này vào thì Bắc Ninh có thể xuất khẩu gạo.

Đầu tư 5 tỷ USD để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, trong quý I/2021, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh giảm sâu (28,1%) so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là quý có mức giảm sâu nhất trong giai đoạn 2017-2021 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn tăng khá (+16,1%) và là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, quyết tâm của tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước tính đạt 242,4 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh cần đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ cân đối đầu tư được khoảng 30-40 nghìn tỷ đồng, còn lại sẽ đầu tư bằng xã hội hóa. Theo đó, khi triển khai thực hiện các khu công nghiệp, đô thị lớn trên địa bàn, tỉnh  Bắc Ninh sẽ lựa chọn, yêu cầu chủ đầu tư phải làm hạ tầng đồng bộ các tuyến đường trục chính, phục vụ cho dự án và nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong quý I/2021, số doanh nghiệp thành lập mới có quy mô vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng tăng 40,1% so với cùng kỳ. Thu - chi ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực (thu ngân sách bằng 34,75% dự toán cả năm). Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu đã dần phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 25,9%, xuất siêu gần 1,7 tỷ USD.

Lý giải về lý do tỉnh Bắc Ninh lựa chọn các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh theo tiêu chí 3 cao (công nghệ cao, vốn đầu tư cao, hiệu quả cao) và 2 ít (ít đất, ít lao động) và phải thân thiện với môi trường”, ông Xuân dẫn chứng ví dụ Công ty Samsung đầu tư trên diện tích khoảng 100ha, nhưng đã tạo ra những đột phá về kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt đóng thuế khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Theo ông, đây là điển hình về đầu tư "ít đất", nhưng lại tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Đối với việc sử dụng lao động có chất lượng cao, ông Xuân cho rằng, cách mạng công nghệ 4.0 bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động. Điều này sẽ giảm bớt những áp lực về xã hội, cơ sở hạ tầng để phục vụ và góp phần tăng thu vì lao động chất lượng cao thì đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ tốt hơn.

Tại cuộc họp, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao đổi thông tin về kết quả thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. 

Cùng với đó, ông Tuấn thông tin về tình trạng tăng giá đất hiện nay; công tác bảo vệ môi trường và hoạt động an sinh xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Nói về vấn đề an sinh xã hội, ông Tuấn cho rằng, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chính sách về an sinh xã hội đi trước các địa phương trong cả nước. "Như chính sách bảo hiểm cho người cao tuổi, tỉnh Bắc Ninh thực hiện trước 15 năm, áp dụng cho người dân từ 65 tuổi trở lên trong khi cả nước là 80 tuổi" - ông Vương Quốc Tuấn nêu ví dụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem