Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: "Diễn biến lâm sàng bệnh nhân Covid-19 nhanh và nặng hơn"

Diệu Linh Thứ ba, ngày 08/06/2021 16:12 PM (GMT+7)
Hiện Việt Nam đang có gần 5.600 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 106 cơ sở y tế, trong đó có hơn 100 trường hợp tiên lượng nặng. Điều này đang tạo áp lực lớn cho hệ thống điều trị của Việt Nam.
Bình luận 0

Ngày 8/6, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã chia sẻ về gánh nặng điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay. Hiện bác sĩ Cấp đang cùng các đồng nghiệp trực chiến tại Bắc Ninh để xây dựng kỹ thuật về điều trị tại đây. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Nếu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà sẽ có nhiều nguy cơ. Clip Tuấn Dũng- Hoàng Hiệp

PV: Xin ông cho biết, đợt dịch lần này có gì khác so với những đợt dịch lần trước?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Đợt dịch lần này có nhiều điểm khác biệt so với các đợt dịch trước. Thứ nhất, số lượng bệnh nhân ở đợt dịch này rất lớn, tạo nên sức ép lớn đối với hệ thống điều trị.

Thứ 2, chủng virus gây bệnh lần này là chủng Ấn Độ, khiến cho diễn biến lâm sàng của các bệnh nhân Covid-19 nhanh hơn các chủng trước và tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn các đợt dịch trước. 

Do đó, các biện pháp can thiệp kỹ thuật phải nhiều hơn. Ví dụ như các ca phải lọc máu, ECMO... nhiều hơn. Đó cũng là gánh nặng lớn đối với hệ thống cấp cứu trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: "Diễn biến lâm sàng bệnh nhân Covid-19 nhanh và nặng hơn" - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp. Ảnh Thạch Thảo

Xin ông cho biết tình hình điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng ra sao?

-Như tôi đã phân tích ở trên. Do số lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nên số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn. Hơn nữa, tỷ lệ bệnh nhân có tỷ lệ viêm mạnh mẽ cao hơn. Riêng đối với địa bàn Bắc Ninh, chúng tôi chú trọng nâng cao năng lực của tuyến điều trị ban đầu lên. 

Khi tuyến điều trị ban đầu ổn thì tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng sẽ ít đi, ít bệnh nhân phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên như BV đa khoa tỉnh, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Như vậy sẽ giảm gánh nặng cho khoa hồi sức cấp cứu các đơn vị này, giảm tải cho các BV.

Hiện nay số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng khoảng hơn 200 ca mỗi ngày. Liệu hệ thống y tế có quá tải hay không?

-Tính riêng tại Bắc Ninh, tỉnh mà chúng tôi đang xây dựng kỹ thuật về điều trị thì chúng tôi đang xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng điều trị cho 3.000 bệnh nhân. Các đơn vị chúng tôi dự kiến triển khai đều đảm bảo được tốt yếu tố về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và con người.

Còn tại Bắc Giang, qua thông tin chia sẻ, các đồng nghiệp ở đây cũng đang hết sức nỗ lực trong việc triển khai mở rộng các đơn vị điều trị thu dung bệnh nhân Covid-19 cũng như các đơn vị hồi sức cấp cứu. Cho nên, chúng tôi cho rằng với tình hình dịch như hiện tại thì chưa vượt quá khả năng đáp ứng điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: "Diễn biến lâm sàng bệnh nhân Covid-19 nhanh và nặng hơn" - Ảnh 3.

Bác sĩ Trần Thanh Linh đang chia sẻ về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Phổi Bắc Giang. Ảnh BYT

Ở nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chữa các bệnh nhân Covid-19 tại nhà, Việt Nam có phải áp dụng như vậy hay không?

-Ở những nước mà số lượng bệnh nhân quá lớn, cũng như dịch lưu hành rộng trong cộng đồng thì họ áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà, khi nào nặng thì đến BV.

Ở Việt Nam rất may mắn là dịch ngoài cộng đồng đang kiểm soát đươc. Hơn nữa số lượng bệnh nhân Covid-19 vẫn chưa vượt quá khả năng thu dung, điều trị. Do đó, chúng ta vẫn ưu tiên chiến lược điều trị tất cả các bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế.

Với những bệnh nhân Covid-19 thường ở tuần đầu mắc bệnh sẽ có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, sang các tuần tiếp theo, một số bệnh nhân có diễn biến nặng, nếu chúng ta phát hiện sớm các dấu hiệu nặng, điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ không nguy hiểm tính mạng, tỷ lệ tử vong giảm đi. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: "Diễn biến lâm sàng bệnh nhân Covid-19 nhanh và nặng hơn" - Ảnh 4.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh BVCC

Nếu như chúng ta để bệnh nhân nhẹ điều trị tại nhà như một số nước thì sẽ vấp phải 2 vấn đề. 

Thứ nhất là nguy cơ lây nhiễm sang người thân là rất cao, nhất là với mô hình gia đình của Việt Nam sống chung nhiều thế hệ, có người già, có trẻ nhỏ, ở cùng với người có bệnh nền. Nếu không may lây sang người có yếu tố nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền thì sẽ rất nguy hiểm. 

Thứ 2 là điều trị tại nhà sẽ khó phát hiện được các dấu hiệu thay đổi bệnh lý sớm để can thiệp từ sớm. Chỉ khi bệnh rất nặng mới đến viện thì hiệu quả điều trị thấp hơn.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tiểu ban Điều trị, hiện gần 5.600 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại 106 cơ sở y tế trên toàn quốc từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, đến tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, BV dã chiến...

Trong đó số bệnh nhân điều trị tại 14 cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến... trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chiếm nhiều nhất với trên 3.100 bệnh nhân (BV dã chiến số 2 Bắc Giang đang điều trị 666 bệnh nhân; trường Cao đẳng Ngô Gia Tự điều trị 509 bệnh nhân; BV y học cổ truyền Bắc Giang là 321 bệnh nhân...);

Tại BV Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đang điều trị 258 bệnh nhân và tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở Đông Anh đang điều trị 236 bệnh nhân.

Về tình trạng lâm sàng của các bệnh nhân, Tiểu ban Điều trị cho biết có đến hơn 60% bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ, 106 trường hợp tiên lượng nặng, trong số này có 82 tiên lượng rất nặng và 3 trường hợp tiên lượng tử vong.

Tiểu ban Điều trị cũng thống kê hiện có 9 bệnh nhân Covid-19 đang can thiệp ECMO, trong đó tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở Đông Anh có 4 trường hợp; BV Phổi Bắc Giang 2 trường hợp; BV Phổi Đà Nẵng 1 trường hợp và BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh 2 trường hợp.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem