Bác sĩ nông học lên Tây Nguyên "bắt bệnh, kê đơn", nông dân thở phào

Lê Kiến Thứ hai, ngày 30/11/2020 12:03 PM (GMT+7)
Được gặp "Bác sĩ nông học", nhiều nông dân Gia Lai cảm thấy nhẹ nhõm hẳn vì được tư vấn cách chữa các bệnh "nan y" trong nghề nông. Mục tiêu xa hơn của chương trình là giúp các địa phương tái cơ cấu tốt nền nông nghiệp, phát triển bền vững, an toàn.
Bình luận 0

Ngày 29/11, chương trình "Bác sĩ nông học" đã lên Tây Nguyên và tiến hành "bắt mạch, chẩn trị" nhiều bệnh nan y trên cây trồng, vật nuôi cho nông dân tỉnh Gia Lai. Ngay từ sáng sớm, khoảng 300 nông dân đã tề tựu về Trung tâm huyện Chư Păh để gặp bác sĩ nhờ "khám bệnh". Chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NNPTNT) phối hợp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức.

Nông dân nêu triệu chứng, "bác sĩ" chẩn bệnh

Mặc dù đầu đông, tiết trời se lạnh nhưng không khí tại hội trường chương trình "Bác sĩ nông học" lại sôi nổi lạ thường. Mở đầu chương trình, rất nhiều nông dân tranh nhau hỏi khiến các "bác sĩ" cũng bất ngờ vì bà con nông dân ở đây gặp khá nhiều "bệnh nan y" trên cây trồng.

Bác sĩ nông học lên Tây Nguyên bắt bệnh, kê đơn - Ảnh 1.

Gần 300 nông dân mắc bệnh khó chữa đã đến gặp Bác sĩ nông học để được thăm khám.

Nông dân Nguyễn Thành Trung (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh – nhà có 1ha cà phê) băn khoăn hỏi: "Cà phê nhà tôi hay rụng trái non, có khi chết cành nhưng tôi không rõ lý do vì sao như vậy?". 

Giải đáp vấn đề này, ông Lương Đức Trí – Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên phân tích: "Đối với trường hợp này rất dễ chữa nhầm bệnh, vì vậy bà con nông dân cần xác định màu sắc của trái cà phê bị rụng, khi đó mới biết là bệnh gì. Bệnh này thường do 3 nguyên nhân khác nhau".

Theo ông Trí, nếu cà phê rụng trái có màu xanh thì bà con nông dân yên tâm vì đây là dấu hiệu được mùa, quả nhiều cạnh tranh nhau nên loại bỏ những quả nhỏ, yếu. Còn nếu quả rụng có màu đen, không có nhân là do bón phân chưa đúng thời vụ. Trường hợp thứ 3, quả rụng có màu da cam hoặc nám đen là do cây cà phê nhiễm sâu bệnh, rầy, rệp và nấm hồng bám, chích hút khiến rụng quả. Phân biệt rõ 3 nguyên nhân này, bà con nông dân có thể tự tin trị được.

Đối với trường hợp cà phê khô cành, khả năng do bà con nông dân mua thuốc diệt kiến cỏ xuất xứ Trung Quốc khiến cho cành cà phê bị khô, chết. Nguyên nhân khác là do nấm ở rễ cây. Riêng bệnh rệp sáp đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, cách chữa tốt nhất là phòng, phát hiện sớm để phun thuốc hoặc xịt nước áp lực cáo làm vỡ bọc sáp.

Nông dân Phạm Xuân Thiện (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) hỏi: "Cà phê hay bị kiến đen bám, phải phòng trừ như thế nào?". Nông dân Trần Văn Dũng (thị trần Phú Hòa) cũng thắc mắc: "Cây hồ tiêu tôi rất đẹp nhưng vì sao lại bị rụng trái?".

Nghe triệu chứng bệnh, TS. Trương Hồng – Tiến sĩ Nông nghiệp, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đáp: "Với trường hợp hồ tiêu đẹp mà rụng trái thì vấn đề nằm ở chỗ dinh dưỡng, cần bổ sung đầy đủ. Đối với hiện trạng kiến đen trên cây cà phê, nếu không đến mức gây hại thì bà con nên chung sống với nó để giữ cân bằng sinh học, tiêu diệt các loài có hại. Còn về cách diệt, dùng thuốc Regent trộn với mỡ heo đặt cạnh tổ kiến là được".

Bác sĩ nông học lên Tây Nguyên bắt bệnh, kê đơn - Ảnh 2.

Nhiều nông dân đã thở phào nhẹ nhỏm khi được bác sĩ chẩn bệnh và tư vấn nông nghiệp tại chương trình Bác sĩ nông học.

Đối với vấn đề tái canh xuất hiện vàng lá trên cây cà phê, TS. Trương Hồng nhắc nhở: "Cà phê bị bệnh này là do tuyến trùng tích lũy trong đất. Do đó, khi tái canh phải tuân thủ quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Lưu ý với bà con: Nếu vùng tái canh trước đây không có bệnh, thì có thể tái canh sau 4-5 tháng phơi đất, khử trùng. Nếu vùng đất có bệnh thì phải luân canh, trồng các cây họ đậu cho đất nghỉ theo quy trình của Bộ".

Nội dung được khá nhiều người thắc mắc, đặt câu hỏi là "nên mua loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào cho đảm bảo chất lượng?". Bởi hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Nông dân đi mua như bị lạc vào "ma trận", khó lựa chọn. Có khi mua trúng sản phẩm dỏm, sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng giả.

Bác sĩ nông học lên Tây Nguyên bắt bệnh, kê đơn - Ảnh 3.

Bệnh rệp sáp trên cây cà phê cũng được nhiều nông dân quan tâm hỏi cách phòng ngừa.

Giải đáp trăn trở của bà con, ông Phạm Ngọc Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai khuyến cáo: "Hiện nay có rất nhiều sản phẩm, ngay cả chúng tôi cũng không nhớ rõ tên thương mại của từng loại. Do vậy, khi mua bà con nên lựa chọn những thương hiệu uy tín, tiếp đó là lựa chọn mua những đại lý uy tín trên địa bàn và khi mua nên yêu cầu ghi phiếu. Lúc sử dụng, bà con nên chừa mẫu lại làm cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý khi xảy ra vấn đề".

 Mục tiêu là nền nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn

Tham dự chương trình Bác sĩ nông học, ông Nguyễn Minh Trưởng – Chủ tịch Hội Nông dân Gia Lai cho biết, hàng năm Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 350 lớp tập huấn, hội thảo về các nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng bệnh, cải tạo vườn… trong trồng trọt và chăn nuôi. Giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Tuy nhiên, do hiện nay tình hình thời tiết thay đổi bất thường, xuất hiện nhiều loại dịch, bệnh, thiên tai khiến sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến với chương trình Bác sĩ nông học là cơ hội để nông dân có thể trao đổi trực tiếp với nhà khoa học và được tư vấn một cách hiệu quả nhất.

Bác sĩ nông học lên Tây Nguyên bắt bệnh, kê đơn - Ảnh 4.

Các chuyên gia, nhà khoa học của chương trình Bác sĩ nông học đã nghe nông đân nói triệu chứng và đưa ra cách chuẩn trị hiệu quả khiến bà con rất hài lòng.

"Dịp này, tôi mong muốn các hội viên nông dân mạnh dạn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất để các chuyên gia tư vấn, đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Sau tư vấn, mỗi hội viên hãy là một tuyên truyền viên tích cực, chia sẻ những giải pháp, cách xử lý những vướng mắc lâu này mình gặp phải cho nhiều người cùng biết để sản xuất có hiệu quả" - ông Trưởng nói.

Bà con nông dân có thắc mắc, xin gửi câu hỏi về Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiêp địa chỉ số 26 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoặc điện thoại 0437555458, webside: http://www.agritrade.com.vn. Trung tâm sẽ tổng hợp, gửi câu hỏi tới các chuyên gia, cơ quan chuyên môn tư vấn và giải đáp.

Chia sẻ về chương trình, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Nông nghiệp nước ta những năm gần đây được đánh giá là một cứu cánh cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp được khẳng định là trụ đỡ. 

Qua đó, an ninh lương thực được đảm bảo, năm 2020 xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ược đạt 41 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp luôn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, trong đó biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, nội dung mà chương trình hướng đến là giúp các địa phương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, an toàn.

"Đây là chương trình tư vấn, khuyến nông, nhằm liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Bà con nông dân có dịp được tiếp cận trực tiếp với các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt, bảo vệ thực vật, dinh dưỡng… để được tư vấn, giải đáp những vướng mắc gặp phải trong thực tế", ông Dự cho biết.

Theo ông Dự, chương trình nhằm thăm khám, đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong quá trình canh tác để phòng, trừ dịch hại, đối phó với hạn hán và các hệ lụy biến đổi khí hậu gây nên. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của bà con nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tư vấn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem