World Cup 2010 đã kết thúc. FIFA đã thành công lần đầu tiên đưa ngày hội bóng đá hành tinh đến lục địa đen, góp phần bước đầu xóa đi những ngăn cách biên giới, chủng tộc, văn hóa, văn minh của loài người.
Cộng hòa Nam Phi đã lần đầu tiên thay mặt châu lục của mình tổ chức thành công một kỳ World Cup. Tây Ban Nha lần đầu tiên bước lên đỉnh vinh quang bóng đá thế giới. Trái bóng đã ngừng lăn, nhưng sẽ còn nhiều bàn luận quanh những cái hay dở, kỳ lạ của giải lần này. Đặc biệt nhất là con bạch tuộc Paul ở Viện Hải dương học tại nước Đức.
Con bạch tuộc này được người ta cho thử tài dự đoán các trận đấu có đội tuyển Đức tham dự. Paul đoán trúng hết. Đến trận chung kết, nó lại đoán đúng. Sự dự đoán của nó trở thành hiện tượng thu hút quan tâm của giới mộ điệu bóng đá, dân cá cược, và cả những người thờ ơ nhất.
Rồi từ Paul mà người ta lại phát hiện ra và đưa ra những con vật khác cũng biết dự đoán. Nghĩa là World Cup 2010 chứng kiến lần đầu tiên thế giới loài người đổ xô chơi trò may rủi nhờ vào loài vật, tìm hy vọng và niềm tin ở loài vật.
Đã có những sự phân tích về tính xác suất trong khoa học để chứng minh khả năng dự đoán của Paul là có thể hiểu được, không phải kỳ bí gì lắm. Nhưng thế giới vẫn như lên đồng trước mỗi trận đấu chờ Paul dự đoán. Phía thắng thì tìm cách bảo vệ Paul. Phía thua thì dọa giết Paul. Bóng đá bất định, khó lường, dự đoán cũng là bấp bênh.
Nhưng có phải thế giới ngày nay cũng vậy, vốn nó có quy luật, vốn con người tự tin hiểu biết và nắm được quy luật ấy, hóa ra cũng xoay tròn, đảo lộn như trái bóng mà quỹ đạo không ai nắm bắt được, lường trước được. Người ta, dù Tây hay Đông thì vẫn là người thôi, thường chỉ tin vào các hiện tượng siêu nhiên, kỳ bí của trời đất khi cảm thấy hoảng loạn và hoảng sợ trước cái mình không thể nhận thức được, lý giải được.
World Cup ở Nam Phi, nơi đời sống còn gần nhiều với bản năng và tự nhiên, đã cho thấy những hiện tượng khác thường của bóng đá thế giới. Lần đầu tiên 7 đội từng vô địch có mặt tại vòng chung kết, nhưng đều bị bật bãi, để một nhà vô địch mới lên ngôi. Lần đầu tiên, tại một kỳ World Cup, các ngôi sao gần như đều thất bại trong việc chứng tỏ và khẳng định tên tuổi của mình. Ngẫu nhiên? Vâng, có thể là thế, và cứ tin là thế.
Nhưng con bạch tuộc Paul đã treo câu hỏi: “Vì sao” như quả bóng lơ lửng trước khung thành tâm trí và tâm linh con người. Tạm biệt Nam Phi 2010, hẹn đến Brazil 2014, khi đó sẽ là con vật nào làm chỗ dựa niềm tin cho con người?
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.