Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 420 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái, hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều đau xót, nhưng không thể không làm vì trong sạch của Đảng, vì sự tồn vong của chế độ, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Nhìn vào con số, danh sách cán bộ bị kỷ luật cũng cho thấy việc xử lý cán bộ là “không có vùng cấm”, không có ai là "bất khả xâm phạm" ngoài luật pháp và kỷ luật của Đảng.
Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng CSVN (3/2/1930 – 3/2/2020), báo điện tử Dân Việt thực hiện loạt bài viết nhiều kỳ với tiêu đề “Quyết ngăn chặn những mối nguy hại lớn”, qua đó để thấy rõ hơn quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng chỉnh đốn, làm trong sạch bộ máy của Đảng.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh công tác, xây dựng chỉnh đốn Đảng (ảnh IT).
Bài 1: Suy thoái, tự diễn biến có thể xảy ra với cả cán bộ cấp cao
Khi bàn về việc đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Chấp hành Trung ương từng nhấn mạnh, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể xảy ra ngoài xã hội, cũng có thể xảy ra ngay trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức đảng, đặc biệt nó có thể xảy ra ngay đối với cả cán bộ cấp cao. Nhân dịp kỷ niệm 90 Ngày thành lập Đảng CSVN (3/2/1930-3/2/2020), PV Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) xung quanh chủ đề này.
Nhìn lại lịch sử 90 năm của Đảng CSVN, có lẽ hiếm có nhiệm kỳ nào, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta thực hiện với quyết tâm chính trị cao như nhiệm kỳ Đại hội XII và số đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước bị thi hành kỷ luật cũng nhiều nhất từ trước tới nay, ông thấy sao?
- Đúng là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Có thể nói, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đại hội XII tổng kết và khẳng định đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần đấu tranh ngăn chặn một số biểu hiện của suy thoái. Tuy nhiên, Đại hội XII cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên vẫn đang tồn tại, chưa bị đẩy lùi, thậm chí có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn trước. Chính vì thế Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ rõ: Trong 5 năm tới phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng mà trọng tâm là kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Từ nhận định như vậy, Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trong tâm trong nhiệm kỳ thì nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và thứ hai là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất được xác định là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vừa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhưng còn bổ sung một nội dung mới rất quan trọng là đấu tranh chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương -ảnh PV).
Ông có thể phân tích mối liên hệ giữa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ dẫn tới sự nguy hại lớn như thế nào?
- Có thể khẳng định ngay rằng, việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên nó gắn liền với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tiễn đã cho chúng ta thấy từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dần dần dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bắt đầu từ hoang mang dẫn tới dao động tư tưởng; từ dao động tư tưởng dẫn tới hoài nghi, phân tâm; từ hoài nghi, phân tâm dẫn tới giảm sút niềm tin; từ giảm sút niềm tin dẫn tới thiếu niềm tin; từ thiếu tin dẫn tới không tin; từ không tin dẫn tới không làm; từ không làm dẫn tới làm ngược lại và nói ngược lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Đây là vấn đề nó xảy ra và chuyển biến từng bước rất nguy hiểm, chúng ta phải hết sức đề phòng và kiên quyết đấu tranh. Vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn.
Cuộc đấu tranh với tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là giải quyết mối nguy hại đe dọa đến sự sống còn của Đảng, thưa ông?
Có thể nói rằng, không cán bộ, đảng viên nào được chủ quan cho rằng mình không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bởi nó diễn ra dần dần, rất khó nhận biết. Trung ương đã chỉ rõ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể xảy ra trong xã hội, mặc dù chúng ta không mong muốn, nhưng nếu có xảy ra ngoài xã hội chúng ta cũng không đáng sợ, đáng lo quá. Bởi vì chúng ta có Đảng lãnh đạo, có Nhà nước quản lý, có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, có cả hệ thống pháp luật, có quân đội, công an để bảo vệ chế độ.
Nhưng đáng lo nhất, đáng ngại nhất và đáng sợ nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nó xảy ra ngay trong các cơ quan Nhà nước, ngay trong các tổ chức Đảng; đặc biệt, khi nó xảy ra đối với cán bộ cao cấp thì càng nguy hiểm đối với vận mệnh của Đảng và chế độ. Cán bộ cao cấp tuy số lượng không nhiều nhưng lại có vai trò, vị trí rất quan trọng, tác động lớn đối với toàn Đảng, toàn dân.
Vừa qua, có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả các tướng lĩnh, những người từng giữ chức vụ quan trọng, có cả những người đã từng là hình mẫu, biểu tượng của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ cũng bị suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Họ đã phủ nhận lịch sử, đi ngược lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; họ nói xấu Đảng và Nhà nước, nói và làm ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội về công tác xây dựng Đảng (ảnh TTXVN).
Theo ông, để thực hiện quyết tâm chính trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngoài việc xử lý quyết liệt, nghiêm minh, không có vùng cấm trước các dấu hiệu sai phạm của cán bộ, đảng viên, trong nhiệm kỳ khóa XII, Trung ương đã có những “bước đi” cụ thể như thế nào để hoàn thiện hơn về mặt thể chế, nhất là về công tác cán bộ?
Thực tiễn cho thấy, sự phát triển về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta ngày càng được nâng cao và cụ thể, chặt chẽ hơn. Những quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, chặt chẽ hơn. Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ nào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng như nhiệm kỳ Đại hội khóa XII.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 04 Nghị quyết và 01 Quy định về công tác xây dựng Đảng; Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành hơn 120 nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, thông báo, kết luận, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta phải cố gắng cơ bản hoàn thiện về mặt thể chế để thực hiện.
Tuy đã nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, tôi thấy chưa có nhiệm kỳ Đại hội nào mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lại ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội về công tác xây dựng Đảng như nhiệm kỳ Đại hội này.
Một điểm rất đáng chú ý nữa là, tại sao Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định có Báo cáo tổng kết riêng về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, rất ít Đại hội Đảng toàn quốc có Báo cáo tổng kết riêng về công tác xây dựng Đảng, nội dung này thường chỉ là một mục trong Báo cáo Chính trị. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng có nhiều điều đáng nói và cũng có nhiều điều cần phải nói”. Có lẽ chính vì thế mà Trung ương đã quyết định có một Báo cáo tổng kết riêng về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII để trình ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Xin cảm ơn ông!
Bài 2: Hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật là điều cần suy ngẫm nhất
Vui lòng nhập nội dung bình luận.