Bài 2: Mía đường vừa hội nhập đã... chết: "Giải cứu" không ăn thua

Huỳnh Xây - Chúc Ly Thứ ba, ngày 06/03/2018 10:34 AM (GMT+7)
Theo các doanh nghiệp ở ĐBSCL, tình hình sản xuất, kinh doanh mía đường đang gặp nhiều khó khăn và bị tồn kho với số lượng lớn. Vì vậy, rất cần ngành chức năng đưa ra các chính sách mạnh để “giải cứu”.
Bình luận 0

Doanh nghiệp tồn kho

Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang tồn kho khoảng 30.000 tấn đường. Nguyên nhân là do trước đây có nhiều đơn vị mua trữ đường trước Tết Nguyên đán nhưng bây giờ lại không mua. Hơn nữa, giá đường trong nước đang cao hơn giá đường Thái Lan từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

img

Người dân trồng mía ít áp dụng cơ giới hóa nên giá thành sản xuất cao, lãi ít. Ảnh: Huỳnh Xây

Cần nhất là địa phương có cơ chế chính sách để hạ chi phí sản xuất mía (quy hoạch vùng trồng theo quy mô lớn, đồn điền đổi thửa, tạo điều kiện về giao thông, giảm giá điện, đầu tư cơ giới hoá,…). Công ty đã có báo cáo đề xuất, kiến nghị cụ thể với tỉnh Hậu Giang. Nếu tỉnh quan tâm, mạnh dạn thực hiện các kiến nghị, đề xuất trên thì mới hy vọng cứu được ngành mía đường của địa phương.

Ông Phạm Quang Vinh

Cũng theo Công ty Casuco, sở dĩ giá đường trong nước cao là vì giá mía nguyên liệu cao, chi phí sản xuất của người dân ngày càng tăng. Để người dân có lời, gắn bó lâu dài với cây mía, thời gian qua, các doanh nghiệp phải mua với giá cao.

“Chi phí sản xuất mía của người dân tỉnh Hậu Giang rất cao, còn ở Thái Lan – nước có lượng đường xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới có chi phí sản xuất rất thấp. Tôi không nhớ chi phí sản xuất mía bên đó cụ thể là bao nhiêu nhưng giá mía người dân bán ra chỉ từ 800 – 1.000 đồng/kg, tức chi phí sản xuất phải thấp hơn con số này”, ông Phạm Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty Casuco phân tích.

Theo phóng viên tìm hiểu, các công ty sản xuất mía đường ở Hậu Giang liên tục nhập, nâng cấp công nghệ, kỹ thuật sản xuất đường. Từ đó có thể sản xuất được đa dạng sản phẩm có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu… nhưng thua các quốc gia khác ở điểm công suất thấp (chỉ bằng 1/6 của Thái Lan).

Cũng như Công ty Casuco, phía Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh cho biết, để bà con có lời, gắn bó lâu dài với cây mía, thời gian qua Công ty bao tiêu 4.000ha mía cho nông dân ở huyện Trà Cú với giá khoảng 950 đồng/kg. Giá này cộng thêm chi phí sản xuất khiến giá đường Việt Nam bán ra cao hơn Thái Lan.

ĐBSCL có diện tích mía lớn nhưng do đặc thù là vùng trũng thấp, bị ngập lũ hằng năm. Phần lớn người trồng mía có diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vài năm gần đây, giá thuê nhân công tăng mạnh (công lao động chiếm hơn 60% tổng giá thành sản xuất mía, có khi lên đến 180.000 - 220.000 đồng/tấn) khiến thu nhập người dân ngày càng bị thu hẹp.

Ngành chức năng nói gì?

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người trồng mía, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang kêu gọi mua “giải cứu” 30.000 tấn đường tồn kho cho Công ty Casuco. Theo đó, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh để triển khai thực hiện lời kêu gọi trên.

“Theo kế hoạch, mức dự kiến là các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ mua ủng hộ 20kg đường/người, Ban Chấp hành tỉnh 10kg/người, cán bộ, công chức 5kg/người. Kế hoạch này sẽ được triển khai ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh”- ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang thông tin.

Cũng theo ông Đời, ngoài việc tổ chức “giải cứu”, tỉnh cũng đưa ra lộ trình hạ giá thành sản xuất từ 750 đồng/kg mía xuống còn 500 đồng/kg vào năm 2020. Để làm được, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung đưa cơ giới vào các khâu sản xuất mía, cũng từ đó giải quyết bài toán về thiếu hụt nhân công. Còn các công ty cần đổi mới thiết bị, công nghệ để sản xuất đường có giá thành thấp hơn đường Thái Lan.

Tuy nhiên, liên quan đến thông tin mua “giải cứu” số lượng đường tồn kho trên, ông Phạm Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty Casuco cho biết:  “Việc “giải cứu” 30.000 đường tồn kho cho doanh nghiệp mà ngành chức năng đưa ra chưa khả quan. Bởi khoảng 20.000 công chức, viên chức ở Hậu Giang, nếu mỗi người mua 5kg đường thì chỉ có thể giải quyết được 100 tấn thôi, trong khi đó mỗi ngày công ty sản xuất ra khoảng 600 tấn đường”.

Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tương lai, để nông dân sống ổn định hơn với cây mía thì cần thay đổi thói quen sản xuất. Bởi năng suất mía của các nước lân cận không cao hơn mình nhiều, chủ yếu là họ có cách canh tác hiện đại hơn, sử dụng cơ giới nhiều hơn nên giá thành rẻ hơn. Trong khi đó, nông dân nước ta sử dụng lao động tay chân là chính, các khâu vắng bóng máy móc. Điều này khiến giá thành sản xuất mía của mình đội lên, nông dân có lãi ít”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem