Lần theo "tour du lịch hút hít" trên đỉnh Mã Pí Lèng: Cần sớm điều tra, làm rõ sai phạm

Nhóm Phóng viên Điều tra Chủ nhật, ngày 09/08/2020 10:35 AM (GMT+7)
Theo dõi loạt bài điều tra độc quyền "Lần theo tour du lịch hút hít trên đỉnh Mã Pí Lèng" trên Dân Việt, là một người nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến cây lanh/cần sa, hoạt động cùng Hội Nghiên cứu Canabis Quốc tế từ gần 30 năm trước, TS Nguyễn Văn Việt đã cung cấp cho nhóm PV nhiều thông tin rất đáng chú ý.
Bình luận 0

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Việt: Loài này vốn có hai mặt, vừa là “cây lành” vừa là cây ma túy! - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt đi hiện trường thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình.

Chúng tôi trồng lanh ở đâu, họ đi theo trồng cần sa ở đó!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: Hội Canabis có cả tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực này. Bản thân ông từng nghiên cứu, xét nghiệm, trồng trên diện rộng cây lanh, đi khắp vùng Hà Giang và nhiều tỉnh để nghiên cứu nhiều ngày tháng; từng suýt bị “bắt” do liên quan đến việc trồng cây lanh, rồi bị các nhóm cần sa lợi dụng trồng ma túy. Các nhà khoa học cứ trồng lanh ở đâu thì các đối tượng đi theo trồng thêm vài ruộng cần sa bên cạnh… Hai cây thực chất là một loại.

Cụ thể, theo TS Việt, cây lanh và cây cần sa vốn là cùng một “họ”. Sau này, qua thời gian các vùng lãnh thổ trồng với mục đích lấy sợi và lấy ma túy khác nhau, nên cây này đã “phân nhánh” ra “có công và có tội” rất rõ ràng. 

Việc lợi dụng vùng trồng lanh với diện tích rộng lớn ở Hà Giang để trồng cần sa hút hít và tổ chức hút hít cũng là dễ hiểu. Sự nhập nhằng do sự giống nhau giữa cây lấy sợi và cây lấy chất ma túy khiến nhiều người rất khó để phân biệt, kể cả với không ít cán bộ chuyên ngành, vì thế là điều kiện lý tưởng để các đối tượng lợi dụng. 

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Việt: Loài này vốn có hai mặt, vừa là “cây lành” vừa là cây ma túy! - Ảnh 2.

Khanh livestream cảnh hút hít ngay tại ruộng này, anh ta tự cho rằng đây là cây "lanh".

Theo nhận định của TS Việt, cây lanh lấy sợi có chất say song hầu như không thể hút như cần sa được, nếu hút tại ruộng thì nó là cần sa hoặc trá hình hút lanh để hút cần sa. Ở loạt bài "Điều tra độc quyền: Lần theo tour du lịch hút hít trên đỉnh Mã Pí Lèng" đăng trên Dân Việt, các đối tượng đều tự khẳng định trong video và ghi âm điều tra là chúng sử dụng cần sa vậy thì điều này không còn gì để bàn cãi thêm.

Thưa tiến sĩ, cây lanh và cây cần sa là một hay là hai cây khác nhau, nếu khác, chúng ta phân biệt thế nào?

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Việt: Loài này vốn có hai mặt, vừa là “cây lành” vừa là cây ma túy! - Ảnh 3.

Khanh livestream cảnh hút hít ngay tại ruộng này, anh ta tự cho rằng đây là cây lanh còn sự thật là cây gì thì phải có cơ quan chức năng vào cuộc.

- Cây lanh/cây cần sa cũng giống cây thuốc phiện. Loài người khoảng 3.000-4.000 năm trước sử dụng nó theo hai khuynh hướng: Từ Đông Âu hất sang bên phía đông thì lấy sợi là chính. Vẫn cây đó thôi nhưng khi người ta lấy sợi, tự nó chuyển hóa thành dạng chung của cả hai cây là Canabis. 

Trái lại, ở phía tây tức là từ Ả Rập, Ai Cập… từ thời cổ đại người ta đã dùng làm cần sa rồi. Chính vì vậy người ta tách nó ra làm hai loại là Canabis savtiva là cây lấy sợi còn Canabis indica là cây hút. Chuyện này thế giới đã có công ước quốc tế hẳn hoi và có các quy định về phòng chống ma túy từ năm 1981-1982, quy định rằng là hai cây đó là một loại.

Thưa ông, vậy lấy gì làm tiêu chuẩn phân biệt hai “nhánh”? 

- Thì họ lấy cái chất nghiện của cần sa (gọi tắt là THC) làm tiêu chuẩn để xác định. Ví dụ trồng cây đó ở Việt Nam vào khoảng tháng 10 cây sẽ ra bông hoa cái, bông hoa cái sẽ cho ra nhựa hút được. Người ta vê cái nhựa đó ra tay rồi miết giống như là cây thuốc phiện đấy. 

Vẫn cây đó thôi, nó ra một cái chất gọi là Hashish, là cần sa đặc. Cái này chủ yếu là vùng Afghanistan, Pakistan… người ta dùng. Chứ nếu để nguyên cái bông đó cả lá, gọi là bông non. Người ta phơi, nó co lại thì đấy chính là cần sa. Việt Nam nói là “trồng cỏ” thì chính là cây đó. 

Chính vì vậy hai cây này hạt giống nhau nhưng khác ở thành phần. Hiện nay ở đây tôi đang có và nghiên cứu cả 2 loài đó.

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Việt: Loài này vốn có hai mặt, vừa là “cây lành” vừa là cây ma túy! - Ảnh 4.

Trong bữa cơm đãi khách tour của mình, Khanh mời họ ăn lá cây này và tiết lộ anh ta có trồng cần sa để phục vụ các nhu cầu của mình và "bạn bè".

Việc hút cần sa ở Việt Nam là do người Mỹ đưa vào thời chiến tranh xâm lược nước ta. Tôi tham gia tổ chức quốc tế Canabis cũng tầm 30 năm, thấy rằng, người Mỹ sang gây chiến tranh ở Việt Nam mang thói quen hút cần sa vào. Ở nước mình, bà con người Mông trồng cây lanh, thế giới Trung Quốc, Hungari.. cũng trồng, thành một ngành trồng lanh. 

Việt Nam từng cử một giáo sư sang Hungari học để về phát triển cây lanh, sau này làm Viện trưởng Viện cây trồng Việt Nam. Ngày xưa, khi tìm trong mảnh vải thời Hùng Vương đào được dưới mộ táng, thấy có vải lanh, tức là tổ tiên mình trồng từ lâu rồi. Bên cạnh trồng lúa thì người ta trồng lanh, cũng rất phổ biến.

Tuy nhiên, đúng là cây này có hai mặt. Một mặt là cây lành, một mặt là cây ma túy. Tôi từng thực hiện một đề tài có rất nhiều người tham gia, tổ chức một chương trình hội nghị ở Việt Nam nghiên cứu về cây lanh trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo đó, có nhiều ý kiến trái chiều trong phòng chống ma túy do rất khó trong việc nhận biết đâu là cây lanh, đâu là cây cần sa...

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Việt: Loài này vốn có hai mặt, vừa là “cây lành” vừa là cây ma túy! - Ảnh 5.

Cây lanh được trồng khá phổ biến ở miền núi, ngay ven đường quốc lộ với tính chất gần với cây cần sa.

Tôi nghiên cứu lâu năm thì nhận ra ngay, chỉ cần ngửi mùi hoa là biết. Có chuyện là tôi có cùng tham gia với một công ty ở Hà Lan sang Việt Nam để nhân giống lanh “lành” ấy, năng suất cho sợi rất cao. Hồi đấy có một vị bên Viện KHKT Nông nghiệp cùng tham gia đề tài đó. Chính vị đó còn vô tình bị kẻ xấu “lợi dụng”. Nó cứ thấy ông ý trồng lanh ở đâu thì nó trồng cây cần sa bên cạnh. 

Bọn tôi làm vườn thí nghiệm ở cuối đường Hòa Lạc, Lương Sơn, Hưng Yên… mấy chỗ để trồng lanh lấy sợi thì mấy nhóm chuyên trồng cần sa ở Việt Nam cũng lợi dụng để trồng cây cần sa ngay ở đó. 

Cũng theo TS Việt, các giống cây lanh của Việt Nam lúc đó đều có lượng THC dưới 0,03%. Bà con người Mông trồng lanh “lành” thì không trồng cần sa. Song vụ việc mà Phóng viên Báo Dân Việt điều tra rằng, có nhóm trồng xen kẽ cây cần sa vào cây lanh thì cũng không khó hiểu. Điều này cần có sự vào cuộc điều tra chính thức từ cơ quan chức năng để làm rõ các sai phạm của nhóm đối tượng.

Cách để phát hiện cần sa trong ruộng lanh cũng không khó. Theo như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, nếu là cây lanh trồng để lấy sợi thì sợi nó chín vào khoảng tầm tháng 6, tháng 7. Đến tháng 12 cây lanh bắt đầu có hạt, người Mông bắt đầu thu hoạch hạt lại để cho năm sau. 

Còn nhóm nào mà trồng cần sa thì họ phải để cây qua tháng 7 (trừ người giữ cây lanh làm giống). Hôm tôi trao đổi với bên cơ quan phòng chống ma túy, tôi nói, kinh nghiệm để anh em phát hiện được nhóm trồng lanh “ma túy” rất dễ. Cây lúc chín còn bung hoa, mùi ngát lắm, rất đặc trưng, nhận ra ngay. 

Thứ nữa là cây lanh “ma túy” rất nhiều cành. Giống cây lanh lấy sợi thì ít cành. Cây lanh thì không hút được, các đối tượng trồng cần sa chỉ là ngụy trang bằng việc trồng lẫn cần sa vào trong ruộng lanh thôi.

Đề nghị sớm vào cuộc, điều tra xử lý các sai phạm!

Dù thế nào thì sự thật vẫn còn đó. Các đường dây thu gom lá lanh tươi và khô, thu gom hạt lanh hàng tấn mỗi lần xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, các đối tượng trong những đường dây này dặn bà con cẩn thận với công an khi làm “chân rết” thu gom hàng. 

Nhóm Phóng viên cũng đã thu thập tài liệu khảo sát đủ 4 huyện trồng nhiều lanh của Hà Giang, phỏng vấn từ người dân, khách du lịch, đến tiểu thương và cán bộ cơ sở, tất cả đều cho kết quả rất đáng để đặt dấu hỏi lớn về sự thật đằng sau đường dây thu gom lá lanh kia. 

Việc Khanh livestream thừa nhận dùng lanh Mèo để ăn, hút, chế xuất ra các loại “hàng lạ” khác nhằm phục vụ các cơn phê cho mình và khách đi tour, việc trồng cần sa tạo “vương quốc ăn chơi”, trồng xen cây cần sa lẫn vào ruộng lanh của bà con và trồng cây “lai tạo” giữa cần sa và lanh để hút hít… cũng là điều mà tự các đối tượng thừa nhận. Công an địa phương từng nhiều lần kiểm tra dấu hiệu tổ chức sử dụng ma túy của Khanh.

Với những thông tin tố cáo trước đó và thông tin được phản ánh trong loạt bài "Điều tra độc quyền: Lần theo "tour du lịch hút hít" trên đỉnh Mã Pí Lèng" được đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, đề nghị cơ quan chức năng của Hà Giang sớm xử lý các sai phạm tại Dong Van Bar Coffee của Khanh và các đối tượng liên quan. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem