Bài cuối “Bát nháo bán hàng qua mạng”: Cần chế tài xử phạt nặng

Mai Hương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 27/09/2014 09:39 AM (GMT+7)
“Hoạt động mua bán qua mạng cần có chế tài mạnh để xử phạt các hành vi vi phạm. Chúng ta không cho phép một phương thức kinh doanh văn minh như thế hoạt động tùy tiện được”.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã nói như vậy khi trao đổi với NTNN về tình trạng bán hàng qua mạng đang hết sức bát nháo hiện nay.

img Ông Nguyễn Mạnh Hùng.

 

Thưa ông, là đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng, bản thân ông có nhận thấy, hình thức bán hàng qua mạng hiện đang phát triển hết sức bát nháo, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng không?

- Trước hết phải nói, bán hàng qua mạng hay thương mại điện tử là phương thức kinh doanh hết sức văn minh, tiện lợi. Nhưng hình thức bán hàng này ở ta đang bị nhiều người lợi dụng, tung ra các chiêu bán hàng lừa đảo, lập lờ “đánh lận con đen”, gây rủi ro cho người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thương mại điện tử và cho cả phát triển kinh tế xã hội.

Ông có thể nói rõ những rủi ro mà người tiêu dùng phải gánh chịu từ những thủ đoạn bán hàng qua mạng của các đối tượng vi phạm?

- Phản ánh của người tiêu dùng với chúng tôi về những rủi ro họ gặp phải khi mua hàng qua mạng rất đa dạng. “Nhẹ” là hàng hóa kém chất lượng, dùng không được mà trả cũng không xong, nặng thì chào hàng một đằng, bán hàng một nẻo. Người mua không tinh rất dễ bị lừa và để giải quyết quyền lợi cho mình, người tiêu dùng phải tốn rất nhiều thời gian. Còn hàng giả thì quá nhiều người tiêu dùng gặp phải, trong đó chủ yếu là giả xuất xứ của các sản phẩm nổi tiếng, các hãng có uy tín… Kiến nghị của họ về vấn đề này nhiều như cơm bữa.

Có phải do cơ chế quản lý cũng như những chế tài đối với hình thức kinh doanh này còn lỏng lẻo mà các chiêu lừa đảo như ông nói có cơ hội nở rộ?

- Chúng ta đã có hẳn 2 nghị định (Nghị định 52 và Nghị định 185) để quản lý hình thức mua bán này. Thực ra, quản lý thương mại điện tử cũng như quản lý chợ, siêu thị hay cửa hàng. Song với chợ, cửa hàng, siêu thị ta có thể ra đấy mà nhìn, sờ còn quản chưa tốt, thì đối với thương mại điện tử là chợ ảo lại càng khó quản. Vấn đề hiện nay là chưa có cơ chế cũng như chế tài đủ mạnh khiến cho người kinh doanh qua mạng phải sợ và buộc phải làm ăn chân chính. Cơ chế để người ta không thể lợi dụng thương mại điện tử để làm việc xấu nói thật là chưa đủ. Luật của ta hiện chưa thể chấn chỉnh các hoạt động mua bán qua mạng của chính những người kinh doanh qua mạng. Còn trên những diễn đàn hoặc các mạng xã hội, việc giao dịch mua bán của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào...

Vậy theo ông, cơ chế quản lý phải thay đổi như thế nào mới có thể dẹp được nạn lừa đảo khi buôn bán qua mạng?

- Về một số chế tài đối với hành vi trái phép trong kinh doanh bán hàng qua mạng, tôi cho rằng đang quá nhẹ. Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh online có hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, thậm chí là lừa đảo trên mạng mà không đăng ký kinh doanh theo quy định thì việc áp dụng Khoản 3 Điều 81 của Nghị định 185 (mức phạt 20-30 triệu đồng) vẫn còn nhẹ, vì hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, lừa đảo trên mạng làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xã hội, thậm chí là gây thiệt hại về tính mạng và sức khỏe... Chúng ta cần phải có chế tài đủ mạnh và xử phạt nặng, không thể cho phép một phương thức kinh doanh văn minh, tiện lợi như thế lại hoạt động tùy tiện được ở Việt Nam.

Trong khi chờ đợi các chế tài và hình thức xử lý nặng thì người tiêu dùng có thể làm gì để tránh được những rủi ro từ mua bán qua mạng, thưa ông?

- Tất nhiên, người tiêu dùng phải nâng cao ý thức tiêu dùng để tự bảo vệ mình, tránh những “vết xe đổ” mà người khác đã gặp phải. Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền phải chung tay để bảo vệ người tiêu dùng. Ở đâu cơ quan chức năng thấy các hành vi lừa đảo trắng trợn chủ động vào cuộc thì sẽ đem lại hiệu quả và lợi ích cho người tiêu dùng…

Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại  điện  tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương): Nên có cách quản lý đặc thù

Hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử tuy đã nỗ lực theo sát thực tiễn nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý là tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia thương mại điện tử vẫn còn rất thấp; nhiều vấn đề phát sinh mới chưa được quản lý tốt như thuế, bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; hàng cấm, hàng nhái xuất hiện tràn lan; hoạt động lừa đảo ngày càng phức tạp… Trước thực tiễn trên, tôi cho rằng, đây là phương thức kinh doanh đặc thù nên cần có cách quản lý phù hợp. Có thể thấy, các mô hình kinh doanh thương mại điện tử liên tục phát triển và mở rộng ở các mô hình mobile, mạng xã hội… Hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay… cũng theo đó phát triển tràn lan trên mạng, không sợ sự kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng. Ngay cả các vấn đề phát sinh như thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm tra - xử phạt cũng gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cơ quan thực thi hành pháp. Do đó, kế hoạch 2014-2015, Bộ Công Thương sẽ tập trung sửa đổi Thông tư 12/2013/TT-BCT, đưa trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội đối với thông tin của người bán vào Thông tư. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra các website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử…; thẩm quyền thanh tra, xử phạt cho các thanh tra chuyên ngành; đồng thời xây dựng quy định quy chế thực hiện Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Nguyễn Phương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem