Trao đổi với phóng viên NTNN về tình trạng ngày càng nhiều nông dân chán ruộng, bỏ ruộng, ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, để giải quyết tình trạng này, nền nông nghiệp Việt Nam cần làm 2 cuộc “cách mạng”- tổ chức lại sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT
25 tỉnh có việc bỏ ruộngTheo khảo sát riêng của NTNN, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, nhất là sau tết đến nay. Là một người gắn bó với ngành nông nghiệp lâu năm, ông đánh giá ra sao về hiện tượng này? -Nói về tình trạng bỏ ruộng của nông dân thì phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, hiện có 25 tỉnh có tình trạng bỏ ruộng và trả lại ruộng, trong đó có mấy trường hợp bỏ ruộng. Thứ nhất, bỏ một vụ như ở Quảng Bình – là nơi chưa có tình trạng bỏ ruộng nhưng năm nay bà con bỏ làm 1 vụ, diện tích lên tới hơn 1.100ha. Thứ hai, bỏ ruộng theo kiểu để cho ruộng nghỉ nhằm tăng độ màu của đất. Trên thế giới, có một số quốc gia, nông dân chỉ làm một vụ, Nhà nước trả tiền cho vụ 2, còn lại bà con để ruộng “nghỉ” nhằm tăng độ phì cho đất, như thế là bình thường. Thứ ba, bỏ ruộng vì sản xuất không hiệu quả. Xét về các loại bỏ ruộng, thì nông dân Việt Nam chưa nghĩ tới việc cho đất nghỉ, chính sách cũng đang khuyến khích tăng vụ, cho nên bỏ ruộng chắc chắn là do thu nhập thấp. Đây mới là chuyện đáng suy nghĩ.
Ruộng bị bỏ hoang nên kênh mương cũng ngập rác, không ai quan tâm. Ảnh chụp tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Cái đáng lo nữa là, trong quá trình chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sang làm khu công nghiệp, đã làm vỡ kết cấu hạ tầng đất đai, nhất là hệ thống thủy lợi, khiến đất đang màu mỡ bị khô cằn. Thật đau xót khi phải chứng kiến đồng ruộng ở ven các khu công nghiệp bị xé nát…
Có nghĩa là, người nông dân nước ta bỏ ruộng vì không còn cách nào khác?- Theo tôi, nguyên nhân sâu xa hơn là giá lương thực, thực phẩm giảm quá mạnh. Giá lương thực trong năm 2013 giảm tới 2%; giá rau màu và thực phẩm khác có tăng một chút, nhưng riêng rau từ tết đến nay lại giảm nghiêm trọng. Dịp tết vừa qua tôi có tiếp xúc với một số nông dân, rồi ngay ở quê tôi, chưa bao giờ giá rau củ lại rẻ như vậy, như cà chua 2.000 đồng/kg, bắp cải 1.000 đồng/cây... Thu nhập quá thấp, đương nhiên người ta sẽ bỏ ruộng.
Ngược lại, giá các loại vật tư đầu vào, dịch vụ đã tăng 2-2,5 lần trong 5 năm qua. Vì vậy, giá nông sản đang rơi ở trạng thái gần như tự do, nhiều mặt hàng trong năm 2013 giảm tới 20 – 23%. Khi người dân nhìn vào thu nhập, giá cả hàng hóa như thế thì họ đành bỏ ruộng và tìm việc khác có thu nhập cao hơn, nhất là thanh niên đang đổ ra đô thị kiếm việc làm, chứ không chịu lăn lộn với miếng đất của mình nữa.
Có thể thấy, trước đây nông dân ta còn tranh nhau làm ruộng, giờ lại tranh nhau trả ruộng. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, sẽ dẫn tới hệ quả gì, thưa ông?
- Bỏ ruộng là sự lãng phí ghê gớm tài nguyên của một quốc gia. Thực tế có nhiều kiểu bỏ đất, một là có đất mà không có lao động nên bỏ. Hai là có lao động nhưng họ đi làm ở khu công nghiệp, đô thị có hiệu quả cao hơn song vẫn không trả đất, sẵn sàng nộp các khoản phí chỉ để giữ đất. Về mặt cá nhân là tốt, vì họ tìm được nơi có thu nhập cao hơn, nhưng nếu xét về mặt xã hội thì đó thực sự là một lãng phí lớn. Trường hợp thứ 3 là chỉ làm đủ ăn, còn lại bỏ không, đó cũng là lãng phí.
Thực tế, tình trạng bỏ ruộng đã được cảnh báo từ lâu. Song dường như cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp tích cực để tháo gỡ tình trạng này?- Thực ra, các bộ ngành cũng rất trăn trở đưa ra các giải pháp, nhưng chưa phù hợp với nông dân. Có một chính sách quan trọng mà nước nào cũng làm, đó là bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Hiện Chính phủ cũng đang chỉ đạo thực hiện thí điểm BHNN ở một số địa phương, tất nhiên với điều kiện nước ta thì không thể thực hiện được tất cả các sản phẩm nông nghiệp, mà chỉ chọn một số sản phẩm đặc trưng. Nhưng theo tôi, cần sớm áp dụng chính sách BHNN, thay vì cứu tế cho người dân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa làm tốt việc tổ chức thu mua gắn với chế biến tập trung và phân bố lại thị trường. Tình trạng bỏ ruộng sau tết vừa qua chủ yếu là ở miền Bắc, miền Trung, còn Nam Bộ không có, chứng tỏ việc phân bố và lưu thông các mặt hàng nông sản hiện quá yếu. Có sản phẩm “chạy” từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại. Các doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm đưa hàng vào siêu thị, còn thị trường nhỏ, chợ thì ít để ý tới. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần khuyến cáo người dân sản xuất ở mức độ nào là phù hợp, đồng thời tạo môi trường để doanh nghiệp tràn về nông thôn, từ đó họ sẽ góp phần phân bố lại sản xuất, điều hòa thị trường.
Phá bỏ tư duy “người cày có ruộng”Thưa ông, trong khi một bộ phận nông dân chán làm ruộng, bỏ ruộng đi làm ăn xa, thì vẫn có nhiều người mạnh dạn thuê đất để làm ăn. Có ý kiến cho rằng, phải tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất thì họ mới yêu đồng ruộng, làm ăn có lãi. Ông nghĩ sao?
Theo ông Hồ Xuân Hùng: “Tôi rất đồng tình với thông điệp đầu năm của Thủ tướng, đó là tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới đã bao hàm rất đầy đủ, cả nông nghiệp và nông dân, vì thế muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu của các địa phương, tái cơ cấu vùng và tái cơ cấu ngành công nghiệp. Ở vùng sản xuất lúa phải có nhà máy chế biến gạo, vùng sản xuất rau phải có khu chế biến...”.
|
- Trong việc bỏ ruộng của nông dân phải thấy rõ 2 xu hướng: Nhìn về mặt cá nhân, bỏ ruộng là xu hướng tiêu cực, nhưng nếu có ai đó biết đứng ra tổ chức để sử dụng chính mảnh đất đó cho hiệu quả thì lại là tích cực và sẽ giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Khó nhất trong tích tụ ruộng đất hiện nay là quan điểm “người cày có ruộng”. Bây giờ, đôi khi người không cày cũng có ruộng, vì họ biết sản xuất hiệu quả. Thậm chí cày cho người khác trên chính mảnh đất của mình mà hiệu quả cao hơn thì cũng nên khuyến khích. Do đó, về mặt luật pháp, chúng ta cần hướng tới việc làm sao bỏ được quan niệm cũ để ủng hộ tích tụ ruộng đất, góp phần sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Nhà nước đã triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhưng nếu cứ hỗ trợ như hiện nay, thậm chí hỗ trợ hết chi phí cho nông dân, thì làm ruộng vẫn không có thu nhập cao. Theo ông, chúng ta có nên làm một cuộc “cách mạng” trong tổ chức sản xuất?- Theo tôi, để sản xuất đạt giá trị cao trên một miếng đất, phải đi bằng “hai chân” có tính đột phá, đó là khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Khi nào chưa đi bằng được “hai chân” đó thì thu nhập còn thấp và nông dân còn nghèo. Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... không có nhiều đất, nhưng tại sao nông nghiệp của họ rất thành công? Tôi có đi thực tế một số nơi như huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), hiện 70% diện tích đất đã sản xuất theo công nghệ cao. Một nông dân có 1.000m2 đất, nhờ ứng dụng công nghệ cao mà thu nhập đạt 5 triệu đồng/tháng, tương đương 500 - 600 triệu/ha/năm. Nhưng muốn đi được bằng “hai chân” đó, thì phải có chính sách của Nhà nước. Nông dân không làm được, nếu làm được họ đã làm từ lâu rồi.
Ngoài ra, phải có cơ chế gắn bó nhà khoa học với doanh nghiệp, nông dân. Nhiều nước đã cho các nhà khoa học hưởng lợi nhuận trên đồng ruộng cùng nông dân và doanh nghiệp tương xứng với chất xám họ bỏ ra, còn các nhà khoa học nước ta vẫn ở rất xa nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường:Phải nhanh chóng điều chỉnhchính sách nông nghiệp Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường cho rằng: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, với giá bán trung bình khoảng 6.000 đồng/kg thóc, 1 sào ruộng thu được 1,2 triệu đồng, trừ chi phí 1 triệu đồng thì chỉ còn 200.000 đồng tiền lời nhưng phải mất 3-4 tháng mới được thu hoạch, đây là mức thu nhập quá thấp so với việc làm các ngành nghề khác. Trong khi đó, người nông dân có thể làm việc khác mà không cần học như: Xe ôm, phu hồ, giúp việc... cũng có thu nhập cao hơn làm ruộng. Thu nhập thế mà người nông dân không bỏ ruộng mới là điều không bình thường. Đây là vấn đề hết sức cảnh báo. Nếu ai cũng bỏ ruộng như thế thì lấy ai làm nông nghiệp và nền nông nghiệp của chúng ta sẽ đi tới đâu?.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường cũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách quan tâm tới tam nông trong thời gian qua nhưng thực tế vẫn có rất nhiều chính sách ở dạng nửa vời. Chẳng hạn như Nghị định 41 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 61 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Với Nghị định 41, yêu cầu người vay vốn nộp sổ đỏ mới được vay; hay mua máy móc, nông cụ phải có tỷ lệ 60% nội địa hóa thì làm sao mua được, máy móc của mình toàn nhập phụ tùng của nước ngoài, làm gì có sản phẩm nội địa để mà mua...
Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường: Vấn đề quan trọng là phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sao cho phù hợp, khả thi, phát huy được tác dụng. Nông dân chỉ cần chính sách đúng, chính sách cũng là nguồn lực, để tháo gỡ khó khăn cho họ. Ngoài ra, cần có khâu tổ chức thực hiện chính sách tốt, tôi tin sẽ tạo được đột phá. Thanh Xuân (ghi)
|
Thanh Xuân - Minh Huệ (Thực hiện) (Thanh Xuân - Minh Huệ (Thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.