Mục tiêu "hạnh phúc nhân dân" theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài cuối: Mục tiêu "hạnh phúc nhân dân" theo tư tưởng Hồ Chí Minh có điểm gì khác các nước?
Lương Kết (thực hiện).
Thứ hai, ngày 05/10/2020 13:00 PM (GMT+7)
Bàn về hạnh phúc của nhân dân, điểm khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh so với các nước là chúng ta từng bước cố gắng giải quyết sự công bằng, bình đẳng, không có sự phân hóa giàu nghèo, nông thôn đuổi kịp thành thị, miền núi đuổi kịp miền xuôi, phải giải quyết cho được chữ "ai" với một tinh thần nhân văn cao cả nhất .
Bàn về hạnh phúc của nhân dân trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, PV Dân Việt tiếp tục có trao đổi với PGS -TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Điều khác nhau về hạnh phúc nhân dân
Với các quốc gia có thể chế chính trị khác với chúng ta, giới lãnh đạo đất nước họ cũng vì mục tiêu phát triển đất nước, hạnh phúc của người dân, vậy dưới góc độ nghiên cứu theo ông hạnh phúc của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh có điều gì khác so với các nước?
Đúng là không chỉ nước ta mà nhiều nước trên thế giới cũng phấn đấu đưa đất nước phát triển, làm cho người dân được hưởng những điều này, điều khác.
Khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, như chúng ta vẫn nói, đường lối của Đảng là sự kế tục, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tôi nhấn mạnh điểm khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh so với các nước là từng bước cố gắng giải quyết sự công bằng, bình đẳng, không có sự phân hóa giàu nghèo, nông thôn đuổi kịp thành thị, miền núi đuổi kịp miền xuôi, phải giải quyết cho được chữ "ai" với một tinh thần nhân văn cao cả nhất.
Điều này đã được thể hiện trong cương lĩnh, đường lối và quyết tâm của Đảng ta. Có người nói ở nơi này, nơi kia còn việc này, việc khác chưa làm được như lời Bác dặn (?). Tôi xin nói, nhấn mạnh rằng thực tiễn là như vậy. Vấn đề là chúng ta đã, đang và sẽ cố gắng thực hiện, không thể ngày một ngày hai. Và rõ ràng, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế giới cũng phải thừa nhận
Một thời có người đưa ra ý kiến, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, thì cũng có nhiều nước phấn đấu như vậy. Cách đặt vấn đề này giống như nói về kinh tế thị trường. Chúng ta nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa nên chúng ta có những điểm khác.
Để đem lại hạnh phúc cho nhân dân không chỉ ở đường lối, chính sách mà điều quan trọng nữa là vai trò của cán bộ, đảng viên, ông nghĩ sao?
Để thực hiện hiện mục tiêu hạnh phúc của nhân dân, theo tư tưởng của Bác, người cán bộ, đảng viên phải chịu sự hy sinh hơn người bình thường. Đã là cán bộ, đảng viên phải xác định sứ mệnh là làm đầy tớ nhân dân, công bộc của nhân dân. Đây là điều Bác nói nhiều lần và Bác là biểu tượng cho việc này.
Cả cuộc đời Người luôn luôn coi mình là người phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Tôi nói điều này để nhấn mạnh vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện mục tiêu của Đảng.
Được dân tin, dân ủng hộ khó khăn mấy cũng vượt qua
Trong đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến, Việt Nam trở thành biểu tượng trong chống dịch, đem lại sự bình yên cho người dân. Điều này cho thấy Đảng và Chính phủ đã nỗ lực tất cả vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân?
Đúng là như vậy. Nói đến câu chuyện đại dịch Covid-19, đến nay đã hơn 1 tháng chúng ta không phát hiện ca mới (đợt trước là hơn 3 tháng) và không thể chủ quan, lơ là, nhưng đặt trong sự so sánh chung với khu vực và thế giới thì chúng ta rất đáng tự hào.
Chúng ta vượt qua tất cả những gì chưa có tiền lệ. Trước đây trong chiến tranh chúng ta thắng Pháp (thắng kẻ thù có phương thức sản xuất cao hơn); chúng ta thắng Mỹ càng chưa có tiền lệ; chúng ta đi vào đổi mới thành công cũng chưa có tiền lệ; hiện nay phải đối phó với đại dịch Covid-19 cũng là câu chuyện chưa có tiền lệ.
Có những điều tưởng như bình thường nhưng hóa ra lại vĩ đại, những câu chuyện bình thường đó nhiều khi chúng ta cũng không để ý, từ câu chuyện đeo khẩu trang, rồi câu chuyện ATM gạo, AMT khẩu trang… Điều đó khiến thế giới kinh ngạc, bởi nước ta chưa phải giàu nhưng chúng ta đã làm được điều đó.
Trong chống dịch, chúng ta ứng xử, đối xử với nhau nhân văn, nhân ái. Bác Hồ cũng từng nói, điều quan trọng nhất là tình người, lòng nhân ái con người với con người thế nào. Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có quan trọng, có cần đề cao không, câu trả lời là quan trọng nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 không thể thay được tính nhân văn, tình người, tiền bạc nhiều cũng không thay được việc đó.
Trong chống dịch, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có sự quản lý điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, nhưng để thành công cần thêm yếu tố đó là sức mạnh đoàn kết toàn dân, sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân đối với đường lối của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Đây là bài học rất lớn.
Muốn có được lòng dân thì phải từ sự tác động nhiều chuyện, bắt đầu từ đường lối của Đảng đúng đắn, không chỉ vậy mà đường lối phải đi vào cuộc sống. Khi có đường lối để mang lại hạnh phúc cho nhân dân thì tất cả từ trên xuống dưới phải làm điều đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm điều đó. Từ đấy nhân dân mới thấy chỉ có Đảng ta, Chính phủ ta mới nói thật, làm thật để mang lại hạnh phúc thực sự, cho nhân dân thụ hưởng thực sự và như vậy nhân dân đồng tình, nhân dân ủng hộ.
Nói tới niềm tin, khi Đảng lãnh đạo đất nước, luôn luôn chăm lo và phấn đấu đem lại hạnh phúc cho người dân và khi người dân được hưởng hạnh phúc thực sự thì họ luôn tin Đảng, theo Đảng, không có thế lực nào có thể lay chuyển, thưa ông?
Đây là điều trước đây Bác nói và bây giờ vẫn nguyên giá trị. Cứ được dân đồng tình, được dân ủng hộ, có niềm tin của dân là có tất cả, mất niềm tin của dân là mất hết.
Dân ta không sợ gì, dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, dân ta hăng hái, dũng cảm, cần cù, thông minh sáng tạo, đặc biệt từ khi có Đảng thì nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, ủng hộ Đảng, kẻ thù dù có mạnh đến mấy, nhân dân cũng không sợ, khó khăn gian khổ bao nhiêu, dân chúng cũng không sợ. Nhân dân không sợ hy sinh thứ gì, kể cả hy sinh tính mệnh của mình vì độc lập dân tộc, vì sự phát triển và trường tồn của đất nước.
Bác nói thế này: Dân ta tốt lắm, dân tinh tường lắm, họ trăm tai, nghìn mắt, cái gì cũng nghe, cũng thấy, cũng biết, dân biết phân biệt thật giả, đúng sai. Nhưng người dân có một nỗi sợ là sợ cán bộ thù nên không dám nói mà thôi. Để giải quyết nỗi sợ này của dân thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã nói một cách hình ảnh, dùng lồng cơ chế để nhốt quyền lực. Tôi xin nhấn mạnh thêm dùng lồng cơ chế nhưng lồng cơ chế dân chủ. Nói đến cơ chế chúng ta có nhiều, như cơ chế trong Đảng kiểm soát, cơ chế ở trên kiểm soát, nhưng thiếu cơ chế dân chủ thì sẽ khó khăn. Mà dân chủ là dựa vào dân, để cho dân dám nói, dám làm, dám phê bình cán bộ, chính quyền.
Quyền hành của cán bộ từ nhân dân mà ra, bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều từ nhân dân mà ra. Vậy thì nhân dân phải có quyền để kiểm soát quyền của cán bộ, tất nhiên phải dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.