Ngày 1.1.2019 vừa qua, Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) vừa bỏ lệnh cấm vận tạm thời việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỡ có nguồn gốc từ động thực vật.
Theo đó nếu sản phẩm này đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra có tính hệ thống và Bộ Tiêu chuẩn nhập khẩu của Đài Loan (FDA) sẽ được phép nhập khẩu vào Đài Loan. Đây là một tín hiệu vui và là cơ hội cho các nhà xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam.
Nhưng từ quyết định này cũng gợi nhớ lại một sự kiện được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cấm vận tạm thời này cách đây hơn 4 năm - một vụ án tại Đài Loan kéo dài từ 2013 cho đến tận hôm nay.
Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) vừa bỏ lệnh cấm vận tạm thời việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỡ có nguồn gốc từ động thực vật.
Ting Hsin từng là một tập đoàn thực phẩm hàng đầu ở Đài Loan, nhưng hiện công việc kinh doanh của họ đang lụn bại và ông chủ của họ - Wei Ying Chun đang đối mặt với án phạt 15 năm tù, bởi những mối liên quan trong scandal dầu bẩn năm 2013.
Trong năm 2014, Ting Hsin và Cheng I Food Co (một công ty khác trước đây do Chủ tịch Wei Ying Chung của Ting Hsin đứng đầu) bị cáo buộc đã nhập khẩu mỡ lợn dùng làm thức ăn chăn nuôi từ Việt Nam về làm nguyên liệu để chế biến thành dầu ăn cho người và bán ra tại thị trường Đài Loan. Sự việc này xảy ra khi Đài Loan đang tiến hành chiến dịch loại bỏ “dầu bẩn” trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Diễn biến sự việc
Trong hai năm 2012 và 2013, Công ty Đại Hạnh Phúc (Đại Hạnh Phúc) có trụ sở tại TP. HCM đã xuất khẩu khá nhiều lô hàng mỡ động vật cho Ting Hsin để làm nguyên liệu sản xuất dầu ăn và tiêu thụ tại thị trường Đài Loan.
Khi đó, Đại Hạnh Phúc đã đến nhiều cơ quan quản lý có liên quan để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan. Bà Lữ Thị Hạnh - đại điện của Đại Hạnh Phúc nói trên báo Pháp luật Online vào 11.2014 rằng: từ năm 2008 đến 2010, công ty đã nhiều lần liên hệ Sở Y tế TP.HCM xin được cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm, tuy nhiên người tiếp nhận hồ sơ cho rằng công ty chỉ kinh doanh (không sản xuất) nên không được cấp giấy.
Đại Hạnh Phúc đã ký hợp đồng với Vinacontrol TPHCM để tiến hành kiểm định từng lô hàng tại kho, trước và ngay khi xếp hàng lên container để xuất khẩu; ban hành chứng thư kết luận là “phù hợp cho người sử dụng”. Quy trình nhập khẩu mỡ động vật của Ting Hsin trong thời gian đó cũng đảm bảo thực hiện theo quy định của đơn vị kiểm định tại Đài Loan là FDA, đều có kết luận chất lượng lô hàng mỡ động vật của Đại Hạnh Phúc phù hợp để con người sử dụng. Chúng không hề bị cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan kiểm tra rồi kết luận là họ vi phạm pháp luật.
Tháng 9.2014, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu Việt Nam trả lời các câu hỏi sau:
Đại Hạnh Phúc – đơn vị bán mỡ động vật sang Đài Loan cho Ting Hsin có phải là doanh nghiệp hợp pháp, có đăng ký công ty hay không? Đại Hạnh Phúc có đạt các chứng chỉ quốc tế như ISO, HACCP không và các cơ quan chức năng có kiểm tra định kỳ doanh nghiệp này hay không?
Các sản phẩm dầu ăn xuất khẩu của doanh nghiệp này có phải trải qua quy trình kiểm tra chứng nhận hay không và cơ quan chức năng chủ quản Việt Nam có cấp giấy tờ chứng minh xuất khẩu hay không? Cuối cùng, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu sản xuất dầu ăn mà Đại Hạnh Phúc xuất sang Đài Loan – các sản phẩm này có thuộc vào nhóm “phù hợp cho người sử dụng” hay không?
Bộ Công thương đã có 2 văn bản phúc đáp cho phía Đài Loan trên cơ sở kết quả kiểm tra của Sở Công thương TP. HCM; trong đó có chuyến làm việc và tìm hiểu thực tế sản xuất kinh doanh của Công ty Đại Hạnh Phúc.
Nội dung văn bản đầu tiên vào ngày 8.10.2014 cho thấy: Đại Hạnh Phúc có giấy phép kinh doanh hợp pháp; sản phẩm dầu, mỡ của công ty này chủ yếu làm thức ăn gia súc, cung cấp cho các thị trường trong và ngoài nước; tại thời điểm kiểm tra, công ty này chưa có ISO, HACCP; sản phẩm của Đại Hạnh Phúc xuất khẩu sang Đài Loan tuân thủ quy trình kiểm tra – đánh giá - chứng nhận tại Việt Nam bởi công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. HCM; các sản phẩm dầu, mỡ của công ty này chỉ xuất khẩu làm thức ăn gia súc và không sử dụng làm thực phẩm (dầu ăn).
Nội dung văn bản thứ hai vào ngày 22.10.2014 có các kết luận quan trọng khác: Đại Hạnh Phúc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với chức năng là sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất dầu mỡ động thực vật và bán buôn thực phẩm cùng một số ngành nghề kinh doanh khác.
Đại Hạnh Phúc chưa được cấp giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm của cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền, là điều kiện tiên quyết để một doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh thực phẩm cho người. Vì vậy, việc công ty này cố tình đưa một số lô hàng dầu mỡ có ghi là dùng cho người cùng các lô hàng dầu mỡ dùng cho thức ăn chăn nuôi để xuất khẩu sang Đài Loan là hành vi gian dối, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Từ những kết quả thu thập thông tin, tài liệu điều tra của các cơ quan chức năng Đài Loan, các phiên tòa đã được mở trong đó có cáo buộc của Tòa Thượng thẩm Đài Trung (Taichung) như nói ở trên.
Sản phẩm Ting Hsin nhập từ Đại Hạnh Phúc có thật sự “bẩn”?
Theo giải trình của bà Lữ Thị Hạnh – đại diện của Đại Hạnh Phúc (được đính kèm trong văn bản phúc đáp đầu tiên của Bộ Công thương cho Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội), thì: vào ngày 24.9.2014, Bộ Công thương có cử đoàn công tác đến công ty làm việc xác minh, chỉ yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ sản xuất kinh doanh của 2 tháng trước đó, nhưng trong 2 tháng đó, công ty chỉ có mặt hàng dầu mỡ dùng làm thức ăn gia súc và đã ngừng xuất khẩu cách đó 3 tháng.
Do vậy, đoàn công tác của Bộ ngành có thể đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng, công ty chỉ sản xuất mặt hàng dầu mỡ dùng làm thức ăn gia súc.
Theo văn bản của Bộ Công Thương xác định: sản phẩm đầu vào của Đại Hạnh Phúc là từ các doanh nghiệp cung cấp đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và hoá đơn tài chính. Biên bản làm việc giữa Ting Hsin với Vinacontrol TPHCM khẳng định 45 lô hàng của Đại Hạnh Phúc xuất khẩu cho công ty Ting Hsin từ tháng 1.2012 đến tháng 6.2014 đều được kiểm định theo từng lô hàng tại kho, trước và ngay khi xếp hàng lên container để xuất khẩu và ban hành chứng thư kết luận là “phù hợp cho người sử dụng”.
Trước diễn biến phức tạp của vụ việc, Đại Hạnh Phúc đã có công văn gửi đến nhiều cơ quan chức năng để được giải đáp và làm rõ các thủ tục có liên quan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã có công văn số 2345/SNN-QLCL trả lời ngày 9/9/2016 nói rõ: “Công ty Đại Hạnh Phúc xuất khẩu dầu thực vật và mỡ động vật cung cấp cho việc sản xuất thức ăn gia súc và làm nguyên liệu cho thực phẩm để thoả mãn các yêu cầu chất lượng của khách hàng; dầu thực vật và mỡ động vật cung cấp sản xuất thức ăn gia súc ở trong nước, do đó, công ty không thuộc đối tượng cấp chứng nhận an toàn thực phẩm”.
Tiếp đó trong văn bản số 3204/SNN-KHCN ngày 19.11.2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM gửi Đại Hạnh Phúc cũng khẳng định rằng từ năm 2011 đến 2014, việc đánh giá điều kiện xuất khẩu mỡ động vật làm nguyên liệu thực phẩm không cần có giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vì vậy không có công ty nào có chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm xuất khẩu (loại hình kinh doanh của Đại Hạnh Phúc lúc đó không có quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm). Sản phẩm dầu thực vật và mỡ động vật chủ yếu phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng tại các nước nhập khẩu.
Văn bản trả lời của Bộ Tư pháp về vấn đề này vào ngày 24.12.2018 ghi rõ: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 34 Luật An toàn thực phẩm năm 2010) được cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Do đó, Giấy chứng nhận này không được xem là một loại giấy chứng nhận thực phẩm đạt chất lượng và không phải là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu thực phẩm.
Như vậy, việc Đại Hạnh Phúc thực hiện các thủ tục kiểm định từng lô hàng xuất khẩu bởi Vinacontrol là một điều kiện quan trọng để chứng minh sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của bên mua là Ting Hsin cũng như các cơ quan kiểm định nhập khẩu của Đài Loan FDA.
Về phía Đài Loan, trong quy trình nhập khẩu quy định chỉ cần đạt một trong 2 yêu cầu: lô hàng đó có giấy chứng nhận sản phẩm hợp vệ sinh (ví dụ như FDA), an toàn cho người sử dụng hoặc có chứng thư của công ty, được lãnh sự quán hợp pháp hóa, chứng minh là bồn chứa sạch và dầu dùng được cho người sau được tinh chế.
Nếu căn cứ vào các thông tin nêu trên thì Ting Hsin đã mua sản phẩm được hiểu là đạt chất lượng thực tế và được các cơ quan chức năng tại Đài Loan cho phép thông quan. Cần nói thêm là sản phẩm đầu cuối của Ting Hsin cũng đã được kiểm định của một tổ chức uy tín và độc lập là SGS Lab khẳng định rằng sản phẩm dầu ăn của công ty này là an toàn cho người.
Trong suốt thời gian Ting Hsin sử dụng nguyên liệu nhập khẩu của Đại Hạnh Phúc để sản xuất dầu ăn và bán ra thị trường Đài Loan chưa hề có bất cứ vụ việc nào phát sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Có hay không bản án 15 năm tù cho Chủ tịch Ting Hsin?
Nhìn lại diễn biến các phiên tòa tại Đài Loan thì tháng 11.2015, Tòa án Chương Hóa (Changhua) đã phán quyết trắng án cho ông Wei Ying Chung về cáo buộc “dùng mỡ cho động vật để sản xuất dầu ăn dùng cho con người”. Tuy nhiên các công tố đã kháng cáo.
Tháng 4.2018, giới truyền thông Đài Loan đưa tin: Tòa án Đài Trung thuộc Tòa án Thượng Thẩm Đài Loan quyết định lật lại phán quyết vô tội của Tòa án Chương Hóa năm 2015 với cựu Chủ tịch Ting Hsin ông Wei Ying Chung và muốn kết án ông 15 năm tù.
Đây là một bản án rất nặng dựa trên viện dẫn là bên bán hàng cho Ting Hsin, là Công ty Đại Hạnh Phúc có trụ sở tại Việt Nam, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vụ án chưa khép lại do Tòa án Thượng thẩm Đài Loan chưa đưa ra phán quyết cuối cùng nhưng lại để cho chúng ta cho nhiều điều suy nghĩ và bài học trong vấn đề giao thương trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, khi mà nhiều luật và hiệp định hợp tác thương mại quốc tế mới sẽ có hiệu lực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.