Bài học đau xót về đất đai, nhìn từ câu chuyện "tắc" giải phóng mặt bằng tại Bình Định

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 26/08/2024 08:03 AM (GMT+7)
14.000 vụ lấn chiếm đất đai trên địa bàn, do UBND tỉnh Bình Định thống kê từ trước đến nay, là con số không hề nhỏ. "Tàn dư" từ câu chuyện này, đang để lại nhiều bài học đắt giá cho chính quyền, trong việc giải phóng mặt bằng.
Bình luận 0

Gần đây, tình trạng "tắc" giải phóng mặt bằng do xuất hiện đơn thư khiếu kiện, khiếu nại của dân, và nổi lên tình trạng lãnh đạo, cán bộ phụ trách lĩnh vực này bất ngờ xin nghỉ việc, chuyển công tác, khiến dư luận tại tỉnh Bình Định rất quan tâm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhìn nhận, đây là bài học rất đau xót và đáng phải suy nghĩ. Bởi cán bộ nghỉ việc trong hoàn cảnh không phải vì đời sống khá giả hoặc có điều kiện việc làm tốt hơn, mà chấp nhận nghỉ việc vì áp lực.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, việc chậm trễ giải phóng mặt bằng tại một số dự án thời gian qua tại tỉnh này có rất nhiều lý do. Trong đó, có hệ quả của việc buông lỏng quản lý đất đai, từ quá khứ.

Dự án Đường Ngô Mây nối dài, ở trung tâm TP.Quy Nhơn là minh chứng rõ ràng nhất. Tuyến đường vỏn vẹn hơn 1,3km được HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương từ 5 năm trước, nhưng đến nay vẫn "bất động", do vướng mặt bằng.

Điều khó tin, khi UBND TP.Quy Nhơn giải phóng mặt bằng 200 hộ dân, thì có đến 189 hộ là tự ý lấn chiếm xây dựng nhà, đất chưa cấp sổ. Chưa hết ở rìa dự án, chằng chịt nhà dân mọc chênh vênh trên đồi trên núi Bà Hoả, có nguồn gốc lấn chiếm từ rất lâu.

HĐND tỉnh Bình Định phải điều chỉnh, thời gian thực hiện dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2019 - 2023, sang năm 2025.

Bài học đau xót về đất đai, nhìn từ câu chuyện "tắc" giải phóng mặt bằng tại Bình Định- Ảnh 1.

Dự án đường Ngô Mây nối dài chỉ vỏn vẹn hơn 1,3km được HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư từ hơn 5 năm trước, đến nay chưa thể thi công. Điều khó tin, trong 200 hộ dân bị ảnh hưởng phải giải phóng mặt bằng, lại có đến 189 hộ là tự ý lấn chiếm xây dựng nhà, sử dụng đất chưa được cấp sổ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tại Khu kinh tế Nhơn Hội, có 4 dự án đang ì ạch giải phóng mặt bằng, với rất nhiều vấn đề phức tạp, khiến lãnh đạo tỉnh Bình Định "sốt ruột".

Đơn cử như: Khu khách sạn cao tầng tại Điểm số 1, tuyến du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến 33,6ha; Khu vui chơi Phú Hậu 6,98ha (thị trấn Cát Tiến) và giai đoạn 2 Khu nghỉ dưỡng cao cấp Cát Hải Bay 139,31ha; Khu nghỉ dưỡng, điều dưỡng và phục hồi chức năng 22,414ha (xã Cát Hải, huyện Phù Cát).

Điều đáng lo ngại, chỉ hơn 1 năm qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có 9 công chức, viên chức chuyển công tác, nghỉ việc vì áp lực, trong đó có cả lãnh đạo phụ trách giải phóng mặt bằng.

Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Cát Tiến Đặng Văn Hà, có 44 trường hợp có nhà ở sử dụng đất có nguồn gốc, nhận chuyển nhượng, tặng cho đất thuộc trường hợp không đủ điều kiện hoặc lấn chiếm đất sau ngày 1/7/2004 và xây dựng nhà cửa vật kiến trúc sau năm 2014.

Theo phương án được phê duyệt, 44 trường hợp trên không được bố trí đất tái định cư (Khu vui chơi Phú Hậu 24 trường hợp và Khu khách sạn cao tầng tại điểm số 1 là 20 trường hợp).

Bài học đau xót về đất đai, nhìn từ câu chuyện "tắc" giải phóng mặt bằng tại Bình Định- Ảnh 2.

Nhiều dự án ở Khu kinh tế Nhơn Hội vướng mặt bằng do hệ quả từ việc lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thay mặt địa phương nhận trách nhiệm, do việc giải phóng mặt bằng tại các dự án Khu kinh tế Nhơn Hội chưa kịp tiến độ, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định.

Người đứng đầu UBND huyện Phù Cát cho hay, khi giải phóng mặt bằng tại thị trấn Cát Tiến, xuất hiện rất nhiều đơn thư do trước đây công tác quản lý đất đai trên địa bàn không theo kịp, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện tràn lan.

Có 1 nhóm người hơn 10 phụ nữ, thường xuyên thuê xe ô tô 15 chỗ đến UBND huyện, Ban Tiếp công dân tỉnh, rồi đến Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. Thậm chí, một số trường hợp lôi kéo ra tận Hà Nội. Lãnh đạo huyện đã làm rất nhiều biện pháp, nhưng họ bất hợp tác.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, đến nay mới có 4/7 dự án tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, hoàn thành ở góc độ "kiểm điểm và phê duyệt phương án bồi thường". Còn lại, đang có rất nhiều vấn đề phức tạp xảy ra.

Đặc biệt, tại các dự án như: Khu vui chơi Phú Hậu, Điểm số 1 Tuyến du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến, Điểm vui chơi đầm Thị Nại, nguồn gốc đất đai trước đây do địa phương quản lý rất lỏng lẻo, phần lớn người dân lấn chiếm xây nhà, rồi phát sinh hộ con cái.

Khi phê duyệt phương án bồi thường, địa phương xác nhận theo quy định thì những trường hợp này không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, tái định cư.

"Vừa rồi phê duyệt một vài phương án, đã có đơn khiếu kiện, khiếu nại. UBND tỉnh đã giao cho Thanh tra vào cuộc, thì đúng là người dân không thuộc trường hợp được bồi thường về đất ở, nhưng thực tế họ không có chỗ ở nào khác. Tỉnh đã quyết định cho mua 1 lô theo giá thị trường. Tỉnh cho rà soát những trường hợp này, để xử lý theo đúng quy định", ông Tuấn Thanh nói.

Bài học đau xót về đất đai, nhìn từ câu chuyện "tắc" giải phóng mặt bằng tại Bình Định- Ảnh 3.

Hồi tháng 3, sau nhiều lần không đồng ý, nhưng chỉ 3 ngày sau khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đến tận nhà vận động, hộ gia đình ông Nguyễn Minh Cần (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) đã rút đơn khiếu nại, đồng ý nhận tiền bồi thường hỗ trợ, để nhường mặt bằng sạch thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Dũ Tuấn.

Là người thường xuyên đến tận nơi, hỏi tận việc ở những "điểm nóng" vướng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã nhìn nhận câu chuyện thực tế, rất nhiều nhà dân vùng nông thôn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn, xây dựng nhà ở trên đất không có sổ đỏ.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, không lập biên bản, không xử phạt vi phạm hành chính.

Lâu nay quản lý Nhà nước không "đụng" đến, nhưng có dự án đi qua, khi đền bù giải phóng mặt bằng, đất không sổ đỏ thì số tiền hỗ trợ theo đúng quy định rất ít ỏi, thậm chí nhiều trường hợp tiền hỗ trợ, không đủ để mua đất tái định cư.

Bí thư Bình Định cho rằng, việc này có lỗi của Nhà nước khi người dân cất nhà vi phạm, nhưng không ai lập biên bản, xử phạt.

Nếu giải phóng mặt bằng cho hết trách nhiệm thì xác nhận không đủ điều kiện bồi thường đất ở, điều này đồng nghĩa với việc người dân không có sổ đỏ "trắng tay", đẩy người dân vô đường cùng, không lối thoát, trong khi thực tế họ ở ổn định và không còn chỗ ở nào khác.

"Nói về lý thì người dân sai nhưng nói về tình, cần tìm hướng vận dụng tất cả các quy định, giải quyết hài hoà. Tỉnh sẽ tiếp tục xác minh làm rõ, để xử lý đúng luật nhưng thấu tình đạt lý, để người dân có chỗ an cư, có tiền dựng nhà để ở", ông Hồ Quốc Dũng cam kết.

14.000 là số vụ lấn chiếm đất đai trên địa bàn, do UBND tỉnh Bình Định thống kê từ trước đến nay. Sự lơi lỏng, du di cho sai phạm trong một thời gian dài, ở góc độ vĩ mô, những sai phạm này phá vỡ quy hoạch tổng thể, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện những dự án lớn nằm trong quy hoạch.

Nhưng nguy hiểm hơn, vi phạm kiểu "mạnh ai nấy chiếm" xảy ra ở quy mô lớn làm xói mòn nền tảng pháp quyền, nơi mọi công dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Thay vào đó mọi người cùng nhau sai phạm theo hiệu ứng domino, lây lan tiêu cực.

Từ đầu năm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã giao chỉ tiêu yêu cầu địa phương, từng bước xử lý các trường hợp vi phạm.

Trên thực tế, việc xử lý của Bình Định rất quyết liệt, chiếc máy xúc tháo dỡ công trình trái phép đã đến nhà đảng viên, cựu cán bộ chiếm đất, xây trái phép và hàng nghìn trường hợp khác đã bị xử lý. Thậm chí, loạt lãnh đạo cấp địa phương bị kỷ luật, mất chức, do buông lỏng quản lý đất đai.

Bài học đau xót về đất đai, nhìn từ câu chuyện "tắc" giải phóng mặt bằng tại Bình Định- Ảnh 4.

Dự án khu đô thị nhưng không có nhà ở tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nói rằng, quan điểm của lãnh đạo tỉnh, trong xử lý vi phạm phải có tình, có lý. Đặc biệt, phải có hướng xử lý phù hợp đối với những trường hợp người dân xây nhà từ lâu nhưng không biết thủ tục pháp lý về đất đai nên chưa làm hồ sơ, kê khai. Trường hợp là hộ nghèo, phải tính phương án cấp đất cho bà con, có chỗ ở ổn định.

Nguyên tắc của Bình Định, đầu tiên phải xử lý trước lãnh đạo, cán bộ, đảng viên vi phạm để làm gương, có như vậy người dân mới chấp hành theo.

"Tất cả trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm, đúng theo Luật Đất đai qua từng thời kỳ. Địa phương sẽ phân loại, phân kỳ để xử lý, tỉnh sẽ giám sát, kế hoạch là 2-3 năm phải xử lý xong", ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Hệ quả từ việc buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai, là bài học đắt giá và cần rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh đi vào vết xe đổ trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem