76 năm Cách mạng Tháng Tám: Bài học "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" để chiến thắng đại dịch

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 19/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Túc, trong các bài học của Cách mạng Tháng Tám cách đây 76 năm có một ý rất hay từ Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đó là “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Liên hệ bài học này trong bối cảnh hiện nay thì không có gì hơn là huy động sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng đại dịch.
Bình luận 0

Bài học của Cách mạng Tháng Tám trong chống dịch Covid-19

Nói về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm cách đây 76 năm, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Thành công của Cách mạng Tháng Tám là nhờ sức mạnh của toàn dân tộc, nối tiếp truyền thống lịch sử, toàn thể nhân dân đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh làm nên cuộc cách mạng vĩ đại.

Bài học "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"  để chiến thắng đại dịch - Ảnh 1.

Quần chúng nhân dân Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh tư liệu.

Còn TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay đổi tên là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng: "Trong Cách mạng Tháng Tám nếu tính về lực lượng quân đội, vũ khí thì chúng ta thua xa Nhật, Pháp nhưng chúng ta vẫn thành công. Lúc đó Đảng ta chỉ có hơn 5.000 đảng viên, nhưng có sức mạnh của lòng dân nên Đảng đã lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền".

Sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch sử hào hùng của đất nước được phát huy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; trở thành bài học quý giá làm nên thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng đất nước; đặc biệt đang hiện hữu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong các bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có một ý rất hay từ lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đó là "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Liên hệ bài học này trong bối cảnh hiện nay, thì không có gì hơn là huy động sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Bài học "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"  để chiến thắng đại dịch - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP.Hà Nội kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác cách ly tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp ngày 13/8. (Ảnh: Viết Thành/Hà Nội mới).

"Để chiến thắng đại dịch chúng ta cần huy động sức mạnh toàn dân tộc tất cả các lĩnh vực. Như trong lĩnh vực y tế thời gian qua đã có hàng nghìn cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành y ở các tỉnh phía Bắc chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam; các doanh nghiệp, người dân chung tay đóng góp cho quỹ vaccine ngừa Covid-19; trong đời sống xuất hiện nhiều sáng kiến như ATM gạo, ATM ô- xy, siêu thị 0 đồng, túi quà san sẻ yêu thương để hỗ trợ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn...Những việc làm đó chính là tạo nên sức mạnh và cần tiếp tục phát huy hơn nữa để chúng ta vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch" ông Nguyễn Túc nói.

Còn PGS- TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: "Trong hoàn cảnh phức tạp của đại dịch, bài học từ Cách mạng Tháng Tám cần phải được phát huy tối đa. Khi có sự kết hợp giữa sức mạnh đoàn kết của nhân dân cùng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ huy của Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò của các lực lượng, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch".

Vai trò của cán bộ, đảng viên

TS Nguyễn Viết Chức cho hay, làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 ở nước ta diễn biến vô cùng phức tạp, việc phòng, chống cũng rất khó khăn.

"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi kêu gọi chống dịch luôn nhấn mạnh vai trò của nhân dân. Nhân dân có đoàn kết mới thắng được dịch, việc chống dịch lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba đã chứng minh điều đó. Hiện nay ai cũng thấy diễn biến của dịch Covid -19 hết sức phức tạp, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa.

Khi toàn dân lắng nghe và đồng hành với quyết tâm của Đảng của Chính phủ, phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến này, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng", TS Nguyễn Viết Chức nói.

Bài học "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"  để chiến thắng đại dịch - Ảnh 4.

Nữ công nhân ciuar Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội gom rau, củ để phát miễn phí cho người dân vào mỗi buổi sáng. Ảnh Nguyễn Chương.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, để có được sự đoàn kết toàn dân chống dịch, vai trò của cán bộ, đảng viên rất quan trọng. "Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, ở đâu cán bộ, đảng viên nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao thì ở đó mọi lực lượng chuyển động tốt, nhân dân tự giác tham gia vào quá trình chống dịch", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, Chính phủ đã có chính sách rõ ràng, các địa phương, và những người thực hiện phải triển khai nghiêm túc, trách nhiệm.

"Muốn cho muôn người như một, muốn có được lòng dân thì cán bộ, đảng viên từ cấp cao đến cấp cơ sở phải gương mẫu, trách nhiệm, xả thân vì công việc. Chính sách an sinh xã hội phải tới người dân ngay lập tức, đừng để người dân nào bị bỏ lại phía sau, bị thiếu đói. Có như vậy triệu người mới có thể như một, nếu như vẫn còn người dân bị bỏ rơi, bị thiếu đói thì làm sao triệu người như một được. Nói như thế để thấy, vấn đề không chỉ hô hào, nói suông, cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở cấp cơ sở phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trên nóng dưới cũng phải nóng" TS Nguyễn Viết Chức nói.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem