Thưa ông, có ý kiến cho rằng cần phải đuổi học đối với các học sinh liên quan trong vụ này. Ông nghĩ mức kỷ luật nhà trường đưa ra có quá nhẹ?
- Thực ra khi quyết định kỷ luật bất cứ người nào,dù vi phạm nặng hay nhẹ, cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là trách nhiệm của mình và tương lai các em. Đồng thời chiểu theo nguyện vọng của mỗi gia đình mới đưa ra hình thức xử lý.
Quan điểm của chúng tôi là có hình thức kỷ luật thích đáng, nhưng cũng phải cho các em lối mở để sửa chữa và vượt lên chính mình.
Hình thức đuổi học treo này thực chất là “giơ cao đánh khẽ” thưa ông?
- Với hình thức kỷ luật này, hai em Huyền và Diệp vẫn tiếp tục theo học nhưng sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ của gia đình và nhà trường. Tôi nghĩ hình thức này khiến các em luôn trong trạng thái phải rèn luyện và gia đình cũng buộc phải quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi không muốn đẩy học sinh của mình đi đâu cả mà muốn nhận các em để giáo dục.
Tại sao không có hình thức kỷ luật đối với các cô giáo chủ nhiệm, thưa ông?
- Trong sự việc này, giáo viên chủ nhiệm đã làm đầy đủ trách nhiệm. Ngay khi phát hiện những học sinh này nghỉ học, cô Văn (GV chủ nhiệm lớp 10A13-PV) đã gọi điện báo cho gia đình. Đồng thời sau đó, cô cũng đã gọi các em lên viết kiểm điểm và yêu cầu hoà giải.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, cô chủ nhiệm đã nhiệt tình hợp tác. Còn nếu đặt vấn đề là cô giáo phải đi tìm các em, hay phải biết clip đã tung lên mạng thì... quả thật đến tôi cũng không thể biết được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây là bài học thấm thía cho tất cả các bộ phận trong nhà trường.
Ông nghĩ gì sau tất cả sự việc trên?
- Trước hết tôi xin nhận lỗi về mình. Là một nhà giáo, dù đây là học sinh trường nào, tôi cũng thấy buồn. Khi biết là học sinh của trường mình lại càng đau xót hơn.
Tôi nghĩ điều này cũng sẽ khiến nhà trường, các cấp ngành giáo dục trên cả nước phải tăng cường hơn nữa mối quanhệ gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục nhân cách học sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.