Ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì dịch Ebola

Tiến Dũng - Hạ Anh - Quốc Ngọc Thứ bảy, ngày 09/08/2014 08:00 AM (GMT+7)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8.8 tuyên bố dịch bệnh Ebola hoành hành khắp Tây Phi, khiến gần 1.000 người chết là một tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế. 
Bình luận 0

WHO cho rằng, những hậu quả có thể có là tốc độ lây lan của dịch bệnh Ebola có thể lan rộng và độc lực của virus này “đặc biệt nghiêm trọng”. WHO nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần phải có phản ứng phối hợp để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của Ebola.

Tuy nhiên, WHO cũng cho biết thêm rằng, trong khi các quốc gia đang ở trong vùng dịch Ebola như Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone, đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, không nên có lệnh cấm chung về du lịch và kinh doanh quốc tế.

Keiji Fukuda, người đứng đầu an ninh y tế của WHO nhấn mạnh rằng, với những bước đi đúng đắn và các biện pháp để đối phó với những người bị nhiễm, sự lây lan của Ebola có thể được ngừng lại.

“Đây không phải là một căn bệnh bí ẩn. Đây là một bệnh truyền nhiễm có thể được khống chế. Nó không phải là một loại virus lây lan qua không khí”- ông Fukuda cho biết.

WHO cho biết dịch hiện nay là nghiêm trọng nhất trong gần 40 năm kể từ khi Ebola lần đầu tiên được xác định ở người. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2014 đến nay, Ebola đã cướp đi sinh mạng của 932 người và hiện có trên 1.700 ca mắc Ebola ở Tây Phi.

Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 8.8, ông Đặng Quốc Dũng, cán bộ phụ trách đường dây nóng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nigeria cho biết, hiện tình hình ở thủ đô Abuja của Nigeria khá an toàn.

Theo ông Dũng, cả nước Nigeria chỉ mới có 5 người phơi nhiễm và những người này sống ở thành phố cảng Lagos, cách thủ đô Abuja 1.000km. Ông Dũng cho hay, công tác phòng bệnh Ebola ở Abuja khá nghiêm ngặt nên mọi người không quá lo lắng.

Theo ông Dũng, ngoài cán bộ, nhân viên và các gia đình trong Đại sứ quán, hiện ở Nigeria có khoảng 10 người Việt. Những người Việt này chủ yếu làm việc trong các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế lớn nên được bảo vệ cao để tránh dịch bệnh Ebola.

* Ngày 8.8, Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết đã soạn thảo xong kế hoạch thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm Ebola trên địa bàn thành phố và đang chờ lãnh đạo sở ký ban hành.

Theo đó, dự kiến vào thứ ba tới, ngày 12.8, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP.HCM) sẽ triển khai kiểm dịch viên và máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, hành khách nhập cảnh từ các chuyến bay xuất phát từ vùng dịch, gồm các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria trong vòng 21 ngày, sẽ phải kiểm tra thân nhiệt. Kiểm dịch viên đồng thời cũng kiểm tra nội dung khai báo y tế của hành khách theo chỉ đạo Bộ Y tế. Khi trên tờ khai có dấu xác nhận của kiểm dịch viên thì hành khách mới được làm thủ tục nhập cảnh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem