Được ăn cả, ngã về không
Giá keo liên tục tuột giá thê thảm, những người trồng keo trên địa bàn huyện Yên Thành nói riêng và toàn tỉnh Nghệ An nói chung đang lâm vào cảnh khốn đốn.
Cây keo rớt giá, nhiều hộ dân trồng rừng ở Yên Thành đang gặp khó khăn. Ảnh: Lê Tập
Ông Nguyễn Văn Ứng (xóm 12, xã Lăng Thành) chỉ tay vào 2ha keo vừa bán nói: “Những người trồng keo năm nay thua lỗ nặng, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Trước đây, 1ha keo nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, được giá, cây 5 – 6 tuổi có thể cắt bán với giá 60 -70 triệu đồng/ha, nhưng bây giờ chỉ được 10-15 triệu đồng. Gia đình tôi trồng gần 5ha, nhưng trận lốc xoáy vừa rồi đã làm gãy một số nên chấp nhận bán 2ha keo từ 3 - 4 tuổi với giá 20 triệu đồng. Người trồng keo giống như đánh bạc, được ăn cả, ngã về không”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Vương Quốc Huy (xã Lăng Thành) buồn bã nói: “Bao nhiều vốn liếng đổ vào 4ha rừng keo, hy vọng càng lớn thất vọng càng nhiều. Cơn bão số 2 đã quật ngã khoảng 50 - 60% số cây, trong khi keo mới 3 tuổi, nếu để thế cây keo cũng không phát triển được, chấp nhận bán với giá bèo bọt đúng vào thời điểm keo đang rớt giá kinh khủng. Nhược điểm cây keo lá nhiều, thân giòn nên chỉ cần một cơn lốc đi qua, keo sẽ bị gãy, bật gốc, coi như vụ keo đó thất bại”.
Keo rớt giá khiến nhiều hộ trồng loại cây này lao đao. Ảnh: Lê Tập
Ông Phan Xuân Huỳnh (xóm Tây Tiến, xã Tiến Thành), một trong những gia đình khá giả tốp đầu của xóm, nhà cửa khang trang, sở hữu gần 8ha rừng keo, có của ăn của để, con cái ăn học đàng hoàng cho hay: "Hơn 30 năm về trước, gia đình tôi đặt chân đến khi vùng đất này còn hoang sơ. Để có được như ngày hôm nay cũng là nhờ vào trồng rừng. Hiện nay, 8ha thì có 5ha keo đến thời kỳ khai thác nhưng giá lại giảm mạnh khiến gia đình tôi rất lo".
"Nhìn vào 5ha rừng keo đã đến thời kỳ thu hoạch mà nóng ruột. Cây keo quá tuổi thương lái không thu mua, nếu bán vào thời điểm rớt giá thì càng thua lỗ nặng. Bây giờ, tôi cũng không biết đường nào mà tính cả” - ông Huỳnh nói thêm.
Xót xa nhất là gia đình ông Nguyễn Thọ Sỹ (xóm Tây Tiến, xã Tiến Thành) phải ngậm ngùi bán 1ha keo với giá 9 triệu đồng. “Hơn 3 năm trời lăn lộn, chăm sóc 1ha keo, nhưng cơn lốc vừa rồi đã quật ngã, bật gốc một loạt nên tôi phải chấp nhận gọi thương lái đến bán để trồng lại lứa khác. Nếu để như thế cũng không hiệu quả, thôi chấp nhận 3 năm trời làm không công. Thời gian tới giá keo không lên thì tôi sẽ chặt bỏ trồng cây khác”.
Keo chưa đến tuổi khai thác, nhưng người dân đành chấp nhận cắt bán với giá rẻ. Ảnh: Lê Tập
Không chỉ những hộ dân trồng keo ở xã Lăng Thành, Tiến Thành, Hùng Thành… người trồng keo ở địa phương khác như: Đô Lương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… cũng đứng ngồi không yên vì keo rớt giá.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Danh Thọ - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: “Trên địa bàn xã có gần 200ha keo, trong đó có khoảng 100 – 150ha đang ở độ tuổi khai thác. Đời sống người dân nơi đây khá giả là nhờ vào trồng rừng, nhưng nếu giá keo giảm kéo dài thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân”.
Phát triển bền vững
Khó khăn lớn nhất của người trồng keo nằm ở khâu tiêu thụ, bởi hiện nay keo được thu mua chủ yếu từ doanh nghiệp chế biến gỗ ngoài tỉnh. Chính điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cả không ổn định.
Để tập trung giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, không chỉ huyện Yên Thành mà các huyện khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu tại địa phương để nâng cao hiệu quả, giúp người dân an tâm trồng rừng.
Nếu kéo tiếp tục rớt giá, người dân sẽ không còn mặn mà với việc trồng keo. Ảnh: Lê Tập
Ông Nguyễn Duy Dũng (hộ trồng keo lâu năm ở xã Hùng Thành) cho hay: “Gia đình tôi trồng hơn 7ha rừng keo, khó khăn nhất vẫn là đầu ra. Keo đã hơn 5 tuổi, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được mối để bán, địa bàn thì không có nhà máy chế biến, do đó thương lái từ nơi khác đến ép giá rất thấp. Nếu không có biện pháp tháo gỡ thì người dân cũng không còn mặn mà với cây keo nữa”.
Tỉnh Nghệ An cũng cần phải tính toán kỹ cho bài toán về đầu ra cây keo. Ảnh: Lê Tập
Thực tế hiện nay, trước sự phát triển nhanh về diện tích cây keo, tỉnh Nghệ An cũng cần phải tính toán kỹ cho bài toán về đầu ra. Đã có rất nhiều bài học đắt giá về vấn đề “được mùa mất giá”, cho nên hy vọng, cây keo trên địa bàn huyện Yên Thành nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung sẽ có chiến lược phát triển bài bản, để loài cây dễ trồng này trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi.
“Những năm gần đây, diện tích keo trên địa bàn tăng nhanh, đến nay xã có khoảng 1.000ha keo. Cơn bão số 2 và số 10 cũng đã làm gãy đổ khoảng gần 100ha, giá keo lại xuống thấp nên nhiều hộ dân đã không mặn mà với trồng keo nữa. Điều khiến chúng tôi trăn trở nhất là làm sao để giữ lại rừng keo cho người dân, tránh tình trạng bán keo non, keo chưa đến tuổi khai thác với giá rất thấp” - ông Nguyễn Hữu Đại – Chủ tịch UBND xã Tiến Thành. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.