Bán “cây nhà, lá vườn” cũng bị đánh thuế?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 23/02/2017 18:30 PM (GMT+7)
Trước thông tin TP.HCM sẽ triển khai thu thuế bán hàng qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), giới đầu tư “cò con” là những sinh viên, nhân viên văn phòng... tỏ ra phản ứng khá mạnh.
Bình luận 0

img

 Một facebook chuyên kinh doanh rau củ quả

Trên thế giới, hình thức kinh doanh qua mạng xã hội đã mang lại nguồn thu thuế không nhỏ cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ diễn ra ở các nước phát triển, có hệ thống quản lý và kiểm soát tiêu dùng thông qua các loại thẻ thanh toán hiện đại. Còn ở Việt Nam, việc kiểm soát và đánh thuế với người kinh doanh qua mạng xã hội lại không hề dễ dàng...

Nguyễn Thị Ngọc Ngân, sinh viên năm 3 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, bạn quê Đà Lạt (Lâm Đồng) nên những ngày nghỉ thường nhờ người nhà ở quê gửi dâu tây, rau củ, atiso... qua nhà xe Thành Bưởi xuống TP.HCM để bán cho bạn bè. Mỗi lần cũng kiếm được tiền chênh lệch khoảng 2,3 trăm nghìn đồng trang trải chi phí học tập. Bây giờ mà đánh thuế rồi kiểm soát kinh doanh thì chắc... chết.

“Em nghĩ cơ quan quản lý thuế nên đánh thuế với những cửa hàng kinh doanh online có doanh thu lớn về quần áo, nước hoa, giầy dép... thì có lý chứ nếu mà đánh đồng việc kinh doanh online dù lớn dù nhỏ để mà thu thuế thì rất khó”, Ngân nói.

Cũng lo lắng không kém, Huỳnh Thị Thủy Trang, kinh doanh thời trang online trên tài khoản Zalo 09057990... cho biết, bạn hay đi Thái Lan, Singapore du lịch đồng thời cũng chọn mua ít sản phẩm thời trang với giá mềm, mẫu mã đẹp về kinh doanh trên tài khoản Zalo và trang Facebook cá nhân của mình. Mỗi chuyến cũng kiếm được vài triệu đồng nhưng đây là niềm đam mê của bạn. Bây giờ mà tính thuế thì có lẽ đành bỏ ngang chứ nhiều khi tiếp tục kinh doanh lại...“tiền cá quá tiền cơm” mất.

Nỗi lo này thậm chí còn “dính” tới các bà... nội trợ. Chị Trần Quỳnh Nga (Q.Gò Vấp) lo lắng: “Bình thường tôi hay đặt mua rau, trái cây “nhà vườn” của chủ facebook rau sạch Vườn của Mẹ, bây giờ mà đánh thuế thì nhiều khi họ không kinh doanh nữa hoặc không dám đăng hình sản phẩm lên thì khó mà chọn được sản phẩm thực phẩm sạch. Nghĩ cũng lạ, kinh doanh rau sạch có lời vài đồng mà tính thuế thì ai dám làm...”, chị Nga nói.

Đa số ý kiến của giới sinh viên, nhân viên văn phòng, nội trợ... liên quan đến việc cơ quan chức năng đặt vấn đề thu thuế với hoạt động bán hàng qua mạng xã hội đều cho rằng nên áp dụng như với hộ kinh doanh cá thể với doanh thu trên 100 triệu đồng mới phải kê khai, nộp thuế. Hoặc với những tài khoản người nổi tiếng, có đặt banner quảng cáo cho các thương hiệu, doanh nghiệp thì mới căn cứ mức giá quảng cáo để đóng thuế chứ không thể cào bằng tất cả.

Liên quan đến vấn đề đánh thuế với hình thức kinh doanh qua mạng xã hội, tiến sỹ - luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng, hình thức kinh doanh qua mạng xã hội ở các nước phát triển đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước bởi ở các quốc gia này hệ thống quản lý và kiểm soát tiêu dùng đều thông qua các loại thẻ thanh toán. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì giao dịch mua bán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động thương mại thông qua tài khoản vẫn chưa phát huy được tác dụng. Cho nên, việc người mua, người bán giao dịch với nhau vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem