Bán đến 90% một loại trái cây cho Trung Quốc, Việt Nam dự kiến thu 1,2 - 1,3 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 03/08/2023 13:55 PM (GMT+7)
Một trong những động lực tăng trưởng của ngành rau quả xuất khẩu là mặt hàng sầu riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022, trong đó, 90% được xuất sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Xuất khẩu gạo, xuất khẩu sầu riêng khởi sắc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%. 

Bên cạnh sự sụt giảm của xuất khẩu lâm sản, thủy sản, xuất khẩu gạo, rau quả lại cho thấy sự khởi sắc. 

Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2% nhờ giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%).

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một trong những động lực tăng trưởng của ngành rau quả xuất khẩu là mặt hàng sầu riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022, trong đó, 90% được xuất sang Trung Quốc. Dự kiến năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt 1,2 - 1,5 tỷ USD. 

Bán đến 90% một loại trái cây cho Trung Quốc, Việt Nam dự kiến thu 1,2 - 1,3 tỷ USD - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022, trong đó, 90% được xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Đ.G

Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6%. 

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo, xuất khẩu rau quả

Nhờ sức mua của thị trường thế giới đã đẩy giá nhiều loại nông sản tại thị trường trong nước tăng cao. Cụ thể, trong tháng 7, giá lúa Hè Thu các địa phương vùng ĐBSCL diễn biến tăng do giao dịch sôi động với nhu cầu và sức mua đang tốt (lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg).

Giá cà phê trong nước tăng do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và báo cáo tồn kho cà phê vẫn ở mức thấp (Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 66.200 - 66.700 đồng/kg, tăng 2.000 - 2.200 đồng/kg so với tháng 6/2023). 

Giá tôm sú cỡ lớn 20con/kg là 187.000 đồng, cỡ 30 con/kg là 150.000 đồng. 

Giá lợn hơi tại miền Bắc tăng 3.000 đồng/kg, dao động 62.000 - 64.000 đồng/kg; tại miền Trung và miên Nam giá ổn định, dao động 59.000 - 62.000 đồng/kg. 

Giá trái cây tại một số tỉnh phía Nam có xu hướng giảm khá mạnh do nguồn cung dồi dào đúng vụ thu hoạch như thanh long, chôm chôm, mít, chanh không hạt (thanh long ruột trắng 16.600 đ/kg; chôm chôm nhãn 13.800 đ/kg; mít Thái 11.800 đ/kg; chanh không hạt 10.800 đồng/kg). 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE…, đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.  Chỉ thị sẽ nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. 

Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo. 

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu... 

Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. 

Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem