Tòa soạn Báo NTNN vừa tiếp nhận một cuốn sách cổ được xuất bản năm 1912, trong đó có đính kèm bản đồ khoáng sản cổ do chính người Trung Quốc xây dựng.
Bản đồ đính kèm trong cuốn sách được xuất bản năm 1911, do nhà Xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) ấn hành, trong đó, phần lãnh thổ của Trung Quốc được giới hạn bằng đường kẻ viền (để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng) chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.
Điều này thêm một lần nữa khẳng định, hơn 100 năm trước chính người Trung Quốc đã thừa nhận không có Hoàng Sa, Trường Sa.
|
Bản đồ cổ được Nhà xuất bản Thượng Hải ấn hành năm 1911 không có Trường Sa, Hoàng Sa. |
Trong bản đồ, những hình vẽ chi tiết về nguồn tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc như các mỏ quặng, dầu khí, khí đốt…và những điểm khai thác đều gói gọn trong lãnh thổ Trung Quốc từ đảo Hải Nam trở vào. Thậm chí, vào thời điểm năm 1911, những điểm vẽ cách mờ, miêu tả phần đường ray sẽ được xây dựng trong tương lai cũng chỉ giới hạn tận cùng là đảo Hải Nam.
Tấm bản đồ này được đính kèm trong cuốn sách “Old Forces in New China” của tác giả George Lanning. Ông George Lanning sinh năm 1852, mất năm 1920, từng là Hiệu trưởng của Trường công lập Thượng Hải, đồng thời là tác giả của cuốn sách nổi danh “Wild life in China” (tạm dịch Cuộc sống hoang dã ở Trung Quốc).
Trong cuốn “Old Forces in New China”, ở chương về Hải quân Trung Quốc (từ trang 99 đến 105), George Lanning cũng viết lại quá trình phát triển của lực lượng hải quân trong giai đoạn khai sinh đến thời điểm năm 1912. Theo đó, chú thích đậm nét của ấn bản này (trang 105) cho biết, tàu thuyền của Hải quân Trung Quốc chỉ đóng dồn trú ở điểm xa nhất là đảo Hải Nam.
|
Cuốn sách Old Forces in New China được anh Trần Mạnh Tuấn cung cấp cho tòa soạn Báo NTNN |
Trao đổi với phóng viên NTNN, anh Trần Mạnh Tuấn - bạn đọc cung cấp cuốn sách và bản đồ quý nói trên cho biết, cuốn sách này anh đã đặt mua ở Mỹ, từ nhà sưu tầm sách cổ nổi tiếng Gregory Gamradt. Anh Tuấn là một nhà kinh doanh thiết bị ngành ảnh, cho biết việc đi tìm những cuốn sách cổ có bằng chứng rõ ràng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đơn giản là thể hiện lòng yêu nước.
Anh Tuấn cũng cho biết, quá trình mua sách khá phức tạp vì cuốn sách xuất bản đã quá lâu, việc bảo quản và gửi về Việt Nam qua hệ thống EMS phải hết sức cẩn trọng, để tránh bị rách, nát, thất lạc. Anh Tuấn nhận định, không khó để tìm mua những cuốn sách cổ như vậy, bởi trên thế giới còn nhiều tài liệu chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Bản đồ khoáng sản và cuốn sách "Old Forces in New China" của nhà sưu tầm Gregory đã có 2.400 phản hồi tích cực trên mạng đấu giá Ebay. Anh Tuấn là một trong những người may mắn được sở hữu tấm bản đồ và cuốn sách giá trị này.
NTNN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.