Quá sức dânPhú Trạch là một trong những xã bãi ngang còn nhiều khó khăn của huyện Bố Trạch, với 932 hộ dân (4.180 khẩu), trong đó 30,74% là hộ nghèo và cận nghèo. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Phú Trạch mới đạt 6/19 tiêu chí; nhiều tiêu chí quan trọng như đường giao thông, thu nhập… vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Chủ tịch UBND xã Phú Trạch cho biết, hiện tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM, đặc biệt là những tiêu chí cần nhiều vốn như kiên cố hoá đường giao thông…
Theo quy định, tỷ lệ vốn đối ứng để xây dựng các công trình NTM ở đây là: Nhà nước 60% (bao gồm vốn của xã); 40% còn lại do dân đóng góp, nhưng diện tích của xã Phú Trạch trải dài, người dân sống trên các trục đường thưa nên việc quy đầu hộ để nộp là rất lớn. Để có kinh phí đối ứng cho xây dựng NTM, trung bình một người dân ở Phú Trạch phải đóng góp trên 300.000 đồng.
“Với nhiều xã ở huyện Bố Trạch, tỷ lệ này được xem là vừa phải, nhưng với một nơi nghèo, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp bấp bênh như Phú Trạch thì thực sự đã vượt quá sức người dân” – ông Phương nói.
Nhiều tuyến đường giao thông ở xã Phú Trạch chưa được bê tông hoá do người dân không có tiền đóng góp đối ứng.
Theo ông Phương, mặc dù người dân đồng thuận trong việc đóng góp tiền để xây dựng các công trình NTM, nhưng do mức đóng góp quá cao nên việc thu tiền để xây dựng các công trình rất chậm. Hiểu được những khó khăn của dân, chính quyền xã cũng đã chia số tiền phải nộp thành nhiều đợt nhưng đến nay người dân Phú Trạch cũng chỉ nộp được 1/3 số tiền theo kế hoạch. Vì vậy, chật vật mãi đến nay Phú Trạch cũng mới thực hiện bê tông, cứng hóa được 7/32km đường giao thông, 25km đường còn lại vẫn đang là đường đất, lầy lội về mùa mưa, mịt mù bụi về mùa nắng…
Bắc Sơn là thôn trung tâm của xã Phú Trạch nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây cũng chiếm trên 30%. Trưởng thôn Đỗ Văn Oanh cho biết, mặc dù đã nhiều lần phát động nhưng đến nay người dân ở Bắc Sơn vẫn rất chậm đóng tiền đối ứng để xây dựng các công trình NTM. “Cũng phải thông cảm cho người dân thôi, đa số họ đều nghèo lấy tiền đâu mà nộp. Đầu năm thôn phát động, họ nói đến vụ lúa hè thu thì bán lúa để nộp, nhưng mùa vô lại trúng khai giảng năm học mới, họ phải đóng tiền học cho con trước đã chứ…” – ông Oanh lý giải.
Bà Đỗ Thị Hợi (42 tuổi) là một hộ cận nghèo ở thôn Bắc Sơn. Khi chúng tôi cùng ông trưởng thôn đến thăm gia đình, bà Hợi tưởng đến để thu tiền xây dựng NTM nên mếu máo xin khất lần sau. Bà cho biết, gia đình bà có 4 khẩu (chồng bà vừa mất do tai nạn) nên số tiền đóng góp là 1,2 triệu đồng. Số tiền đó bằng với số tiền bán hết lúa vụ hè - thu vừa qua. 2 đứa con của bà vừa vào năm học mới nên số tiền này đã dành để đóng góp cho chúng hết rồi, tiền đóng góp làm NTM trông chờ vào đứa con trai đang đi làm thuê ở miền Nam gửi về.
Nhiều hộ đã nghèo, lại đông nhân khẩu nên số tiền đóng góp càng lớn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Thị Luyện - một trong những hộ nghèo đông khẩu cho biết, gia đình bà có 9 khẩu, vì thế số tiền phải nộp lên đến 2,7 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng mà vụ hè thu vừa qua lại mất mùa do chuột phá hoại, nên đến nay gia đình bà mới nộp được 1 triệu đồng tiền xây dựng NTM. “Chủ trương đưa ra ai cũng phải nộp vì làm đường để đi chung mà. Tui cũng biết rứa, cũng nhất trí rứa, nhưng với những hộ nghèo như tui đó thực sự là gánh nặng quá lớn” - bà Luyện nói.
Đau đầu tìm giải pháp Giống như huyện Bố Trạch, một số địa phương ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cũng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng NTM do thiếu vốn, việc huy động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp hạn chế...
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Tuấn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Ngọc thở dài: “Chúng tôi đang thiếu vốn để đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ NTM. Do Cẩm Ngọc hiện vẫn còn tới 17,6% hộ nghèo nên việc huy động bà con đóng góp rất khó, nhưng nếu không huy động sức dân thì không biết lấy tiền ở đâu để làm. Chúng tôi đã phải họp dân rất nhiều lần, xin ý kiến dân. Khi dân nhất trí rồi mới tiến hành trình HĐND, ban hành nghị quyết để thu theo đầu khẩu, với mức thu dưới 200.000 đồng/khẩu/năm”.
"Để có tiền nộp thì nhất định phải đi vay, đi mượn rồi, chứ có nguồn thu nào khác mô”. Bà Hoàng Thị Luyện (Quảng Bình)
|
Cũng theo ông Lương, đến nay Cẩm Ngọc mới đạt 10/19 tiêu chí, mà chủ yếu là những tiêu chí “kế thừa và phát huy”, như hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế… Còn 9 tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, vì phải cần có nhiều tiền mới thực hiện được.
Vì vậy, chính quyền xã đã lên phương án huy động dân đóng góp theo đầu khẩu, chỉ giảm, miễn cho người già, người hưởng chế hộ bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Còn lại, những người từ 0 tuổi trở lên đều phải huy động đóng góp.
“Với tổng số dân toàn xã hơn 7.200 thuộc hơn 1.600 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm tới 17,6% và đóng góp với mức 200.000 đồng/khẩu/năm, thì số tiền xã thu được để chi cho xây dựng NTM có thấm vào đâu. Trong khi theo kế hoạch huyện giao, Cẩm Ngọc phải hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2015. Đó quả là một thử thách lớn” - ông Nguyễn Hoành Nông - Chủ tịch UBND xã tâm sự.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cẩm Thủy, tính đến tháng 6.2013, bình quân toàn huyện mới đạt 7,5/19 tiêu chí. Nhìn chung, những tiêu chí về đường giao thông, kênh mương nội đồng, hệ thống điện, trường học, nhà văn hoá, thể thao, chợ nông thôn... ở Cẩm Thủy đều chưa đạt. Một lãnh đạo huyện cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của T.Ư, tỉnh Thanh Hóa thì xây dựng NTM ở Cẩm Thủy sẽ khó về đích, còn nếu cứ cố chạy theo thành tích thì kết quả cũng sẽ không bền vững.
Ông Trần Quang Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyệnBố Trạch (Quảng Bình):Điều chỉnh tiền đóng góp phù hợp
Theo quy định, tỷ lệ đối ứng xây dựng NTM của huyện Bố Trạch là ngân sách tỉnh, huyện 40%; xã và dân đóng góp 60%, nhưng đây cũng chỉ là tỷ lệ chung và “mềm”. Huyện không đặt mục tiêu dân phải đóng góp bằng mọi giá mà phải dựa vào sự bàn bạc và đồng thuận của người dân.
Xét thấy xã nào người dân đóng góp đủ tiền đối ứng thì huyện cấp ngân sách để thực hiện các công trình NTM, xã nào người dân còn khó khăn thì huyện sẽ cấp sau. Huyện Bố Trạch đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã hoàn thành các tiêu chí NTM và huyện sẽ ưu tiên để các xã điểm làm trước.
Tuy vậy, ở một số xã nghèo, chính quyền và người dân cũng rất “nóng lòng” trong việc xây dựng NTM nên họ cũng mạnh dạn triển khai, kêu gọi người dân đóng góp. Có thể sắp tới, huyện sẽ điều chỉnh mức “đối ứng” cho phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi địa phương; đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo huyện sẽ có chính sách riêng chứ không “quy đầu hộ” như một số xã đang áp dụng.
Ông Phạm Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa):Trông chờ Nhà nước hỗ trợ
Cẩm Thủy là huyện miền núi, đời sống cư dân còn rất khó khăn, nhiều xã đang phải cấp gạo cứu đói cho dân thì làm sao có thể huy động dân góp tiền cho xây dựng NTM, nếu không được Nhà nước hỗ trợ?
Bên cạnh đó, địa hình của huyện khá phức tạp, việc làm đường giao thông nông thôn cũng không đơn giản, nhiều tuyến đường liên thôn dài tới vài cây số, khoảng cách từ nhà này đến nhà kia vài trăm mét.
Thậm chí, nhiều xã đã vận động được dân hiến đất, chặt phá cây cối, để giải phóng mặt bằng rồi, nhưng lại không huy động được dân đóng góp để cứng hóa mặt đường. Đó là bài toán khó chúng tôi đang đau đầu tìm cách tháo gỡ.
|
Phan Phương - Hồng Đức (Phan Phương - Hồng Đức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.